Dù dạy học nhưng ông Đặng Tiến Dũng không cho phép học trò gọi là "thầy", bởi cho rằng mình chỉ xứng đáng được gọi là “ông” vì không có bằng cấp.

Tự nghiên cứu để dạy con

Hơn 20 năm qua, ông Đặng Tiến Dũng (SN 1957), trú xóm 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh dù chưa tốt nghiệp cấp 2 nhưng vẫn cần mẫn với nghề dạy học, đã đưa bao thế hệ học trò qua sông, dạy dỗ hàng trăm học trò thành đạt.

{keywords}
Để tự giảng dạy cho học trò của mình, ông bỏ tiền mua tài liệu về nghiên cứu

Câu chuyện dạy học của ông Dũng bắt đầu từ chính hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Ông Đặng Tiến Dũng là con trai thứ 3 trong gia đình có 5 anh em. Khi học hết lớp 1, ông Dũng lên cơn sốt rồi bị liệt toàn thân. 

Dù bệnh tật dày vò nhưng ông Dũng rất ham học nên suốt nhiều năm được bố mẹ cõng đến trường để kiếm con chữ. Tuy nhiên, đến năm học lớp 7, bệnh tình của ông tái phát và trở nặng hơn nên ông Dũng buộc phải nghỉ học để đi Hà Nội chữa bệnh.

“Dù cố gắng lắm nhưng tôi không thể trở lại trường để đi học. Nhiều đêm lên cơn đau, tôi lại khóc và tủi phận”, ông Dũng nhớ lại.

Bệnh tật khiến đôi chân của ông teo tóp, và ông Dũng chỉ cao 1,4 mét với cân nặng 34kg. Lớn lên để có tiền trang trải cuộc sống, ông Dũng làm nhiều nghề như thợ mộc, sửa xe…

Năm 1984, qua người thân mai mối ông Dũng kết hôn với chị Phạm Thị Hồng (SN 1961) và hạnh phúc vỡ òa khi vợ chồng ông lần lượt sinh ra được 5 người con (3 gái, 2 trai). 

Nhưng cũng từ đây, cuộc sống gia đình của người đàn ông tàn tật đối diện với nhiều khó khăn.

“Sau khi con tôi được sinh ra, nhà nghèo nên không có tiền cho con đi học thêm. Lúc ấy tôi tự nghĩ phải tìm sách để tự học, tự trang bị kiến thức để cùng con ôn luyện. 

Tôi chắt bóp từng đồng tiền lẻ tìm mua tư liệu, sách vở, tự học toán. Sau đó, truyền đạt lại cho các con. Các con tôi đều do tôi tự dạy học, điều tôi có thể làm là dạy con nhưng tôi không bao giờ mắng con”, ông Dũng nói.

Lửa nghề bắt nguồn từ 28 học sinh trượt tốt nghiệp 

Năm 1994 khi ông đang “an phận” với nghề thợ mộc thì có 28 học sinh trượt tốt nghiệp lớp 9 đến xin thầy học nghề mộc. Nghĩ lại thời gian trước bản thân phải bỏ học giữa chừng vì bệnh tật nên ông Dũng không đành lòng nhìn 28 em cùng quê bỏ dở việc học nên ông quyết tâm dạy văn hóa cho chúng.

Điều kỳ diệu đã xảy ra khi trong kỳ thi tốt nghiệp tiếp theo, 28 học sinh này đậu tốt nghiệp và tiếp tục học cấp 3.

{keywords}
Dù không có bằng cấp, nhưng ông Dũng có rất nhiều học sinh theo học

Tiếng lành đồn xa, những năm sau đó, hàng trăm phụ huynh đã dắt con đến “gửi thầy”, nhờ ông Dũng dạy học. Tuy nhiên, với vốn kiến thức hạn hẹp, ban đầu ông Dũng chỉ dạy được môn Toán, Lý, Hóa của cấp 1 và cấp 2, nhưng sau đó thấy nhiều học trò đến năn nỉ ông dạy kèm để ôn thi đại học. Ông Dũng đành trở thành người thầy bất đắc dĩ.

Để có thể dạy tốt các môn học, ông Dũng tự mua sách về nghiên cứu, mày mò, giải các bài toán hóc búa để truyền đạt lại cho học trò của mình.

“Hơn 20 năm dạy học, nhiều lứa học trò thành đạt, công an, bộ đội, bác sĩ… Có nhiều em học sinh đến tôi học rồi nhận tôi là bố nuôi, điều đó khiến tôi rất hạnh phúc và say mê với nghề. Những em học sinh nghèo tôi sẽ không thu tiền học phí, phụ huynh quý mến nên cho gạo, hoặc có thể trả cho tôi mỗi buổi 5.000 đồng”, ông Dũng kể lại.

Dù có tới hàng trăm học sinh tìm đến người thầy đặc biệt này để theo học, nhưng tất cả đều gọi là “ông”, bởi nguyên tắc được ông đặt ra trước khi xin vào lớp học là không được gọị ông là “thầy”.

“Bởi tôi nghĩ mình chưa xứng với từ thầy giáo, vì tôi chưa có bằng cấp”, ông Dũng cho biết.

Ngoài việc có nhiều lứa học trò thành đạt, thì niềm hạnh phúc lớn nhất của “ông giáo làng” tật nguyền là đến nay, 4 người con của ông đã tốt nghiệp đại học, ra trường làm giáo viên, còn con út Đặng Bảo Lộc đang là sinh viên năm 3 một trường quân đội.

Thiện Lương

"Khi học trò nói xấu, chúng tôi chọn cách im lặng"

"Khi học trò nói xấu, chúng tôi chọn cách im lặng"

10 năm trước, tôi tự hào mình có suy nghĩ tiệm cận với học sinh vì còn trẻ. Nhưng gần đây, sự tự hào đó đã hết; tôi luôn cảm thấy khó khăn khi tìm ra cách ứng xử đúng mực với học trò.

"Tôi biết mình chọn đúng nghề ngay từ buổi thực tập đầu tiên"

"Tôi biết mình chọn đúng nghề ngay từ buổi thực tập đầu tiên"

Tôi thấy mình có duyên với nghề giáo ngay từ lúc đứng trên bục giảng thực tập thời kỳ là sinh viên sư phạm.

Thầy giáo "đại ca" không để học sinh nào phải… ngủ lại phía sau

Thầy giáo "đại ca" không để học sinh nào phải… ngủ lại phía sau

Gần gũi, tâm sự và bày ra nhiều hoạt động tạo hứng khởi, thầy giáo Phạm Thế Mạnh được học sinh quý mến gọi là “bố”, “mẹ”, thậm chí với cả biệt danh “đại ca”…