- “Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người thực bụng và thực làm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Anh luôn nói thật, làm thật” – GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với GS Đại, lần nào cũng là những chuyện đời thường thiết thực.

Nhận xét về con người cố Thủ tướng, GS. Hồ Ngọc Đại cho biết:

“Anh Khải là người thiện tâm và chân thành. Trong các cuộc gặp, anh luôn giữ mối quan hệ gần gũi thân tình”.

Theo đánh giá của GS Đại, cố Thủ tướng Phan Văn Khải chính là người trực tiếp triển khai công việc đổi mới giáo dục tại Việt Nam.

Cho đến tận bây giờ, khi nhắc đến cố Thủ tướng Phan Văn Khải, GS Đại vẫn không giấu sự khâm phục:

“Anh Khải đúng là người thực bụng muốn đổi mới và dám đổi mới”. Với cái tâm ấy, cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn giữ thái độ khiêm tốn, lắng nghe ý kiến phản biện của giới chuyên gia trước khi quyết định các chính sách.

“Trước ông Khải, ông Võ Văn Kiệt mời vài chục giáo sư đến phòng họp ở Phủ Thủ tướng bàn về đổi mới giáo dục. Sau đó, khi đã là thủ tướng, ông Khải mời 5 vị giáo sư, trong đó có tôi, để cùng bàn luận về giáo dục. Một tháng sau, ông mời riêng tôi, nhưng tôi đề nghị mời thêm Bộ trưởng giáo dục khi ấy là Nguyễn Minh Hiển cùng dự. Buổi sáng hôm đó, hai chúng tôi cùng bàn luận rất nhiều về giáo dục. Ông Khải nói: Anh Đại ơi! Hôm nay được nghe anh nói kĩ về giáo dục, tôi thấy anh đúng lắm! Nhưng tôi, tôi không biết phải loay hoay thế nào đây. -Anh là Thủ tướng – GS. Hồ Ngọc Đại nói - thì làm hay không làm chứ sao lại loay hoay. Nhiều người nghe tôi nói cũng đã nói lại: Nghe ông Đại nói thì kiến trong lỗ cũng bò ra, nhưng khi ông Đại đi thì kiến lại bò vào lỗ. Nghe vậy, Thủ tướng nói: Tôi xin hứa với anh Đại một điều: Xây cho anh 2000 trường tiểu học mới cho 2000 xã nghèo nhất đất nước. Mỗi xã sẽ có một trường tiểu học khang trang hơn cả Uỷ ban, Đảng uỷ” - GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

Lời hứa chắc nịch ấy cũng khiến cho GS Đại ngạc nhiên:

“Với tình hình kinh tế hiện tại của nước nhà, lấy đâu ra tiền để xây dựng 2000 trường tiểu học?” “Tôi tin khi Thủ tướng quyết tâm, kiểu gì cũng có cách” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển chia sẻ lại.

Một thời gian sau, trong chuyến đi công tác qua huyện Mường Khương , Lào Cai –một trong 62 huyện nghèo nhất nước – GS. Hồ Ngọc Đại bất ngờ thấy xuất hiện trước mắt một ngôi trường đỏ tươi, giữa núi đồi xanh ngắt.

“Khi đó tôi mừng quá, chỉ kịp chụp ảnh rồi gọi ngay về cho anh Khải: - Cảm ơn anh, cảm ơn vì anh đã nói thật, làm thật”.

Giáo sư còn nói thêm với cố Thủ tướng: “Ở miền núi không có gì cả. Giữa sự thiếu thốn trăm bề thì trường học là nơi quan trọng nhất”.

Thúy Nga

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Cuộc sống khi từ quan ít người biết

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Cuộc sống khi từ quan ít người biết

"Mỗi khi tới nhà tôi chơi, ông Sáu Khải thường cầm theo món quà quê, vài con cá lóc, cân cá kèo, vài quả bưởi hoặc cân thịt bò Củ Chi".

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Bây giờ, chỉ còn biết vái Bác Hồ thôi”

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Bây giờ, chỉ còn biết vái Bác Hồ thôi”

“Hôm lên chuyên cơ đi New Zealand, tôi có hỏi ông Phan Văn Khải: “Tình hình BTA thế nào hả chú?”, ông thở dài và nói: “Bây giờ, tao chỉ còn biết vái Bác Hồ thôi.”

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Đột phá, khơi mở dòng vốn ngàn tỷ

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Đột phá, khơi mở dòng vốn ngàn tỷ

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển như vũ bão và sắp bước lên một bậc cao mới. Đây là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải định hướng ngay từ những ngày đầu tiên.

Tờ giấy cầm tay của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở cuộc gặp với G.Bush

Tờ giấy cầm tay của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở cuộc gặp với G.Bush

Lúc nói chuyện với Tổng thống Mỹ G.Bush trong cuộc hội đàm song phương năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn cầm tờ giấy trên tay.