- Đó là ý kiến của các nhà giáo dục đến từ Hồng Kông tại hội thảo quốc tế “Phát triển trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” diễn ra tại Hà Nội ngày 22/11.

{keywords}
Giáo sư Lee Chi-kin, phó hiệu trưởng học thuật ĐH Giáo dục Hồng Kông - cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên lớn nhất của Hồng Kông. Ảnh: Nguyễn Thảo 

Giáo sư Lee Chi-kin, phó hiệu trưởng học thuật và giáo sư Tsui Kwok Tung, phó trưởng khoa Giáo dục và Phát triển con người, ĐH Giáo dục Hồng Kông cho biết, dạy học kiến tạo là một trong số những thực hành đổi mới trong đào tạo giáo viên của trường sư phạm lớn nhất Hồng Kông này.

Với dạy học kiến tạo, sinh viên xây dựng nên tri thức của chính mình bằng cách kiểm nghiệm các ý tưởng và cách tiếp cận dựa trên kiến thức và kinh nghiệm đã có từ trước, áp dụng chúng trong những tình huống mới và tích hợp tri thức mới thu được với những kiến thức đã có từ trước.

“Dạy học kiến tạo cho phép kết quả có thể thành công hoặc không thành công. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng ở đây là hãy để cho những kế hoạch, mục tiêu, giấc mơ của họ được hiện thực hóa. Sự mạo hiểm này là cần thiết” – giáo sư Lee Chi-kin khẳng định.

Sinh viên sư phạm bắt buộc phải làm nghiên cứu khoa học

Ông cũng đề cao vai trò của những hình thức học tập khác như: dạy học kết hợp chiêm nghiệm, dạy học theo nhóm, cách học kết hợp giữa học liệu truyền thống và công nghệ thông tin…

Đề cập tới giáo dục cá nhân hóa, ông nói: “Hiện nay đang có một xu hướng trong kinh doanh, đó là các tập đoàn lớn trên thế giới đang cá nhân hóa sản phẩm của họ để phục vụ khách hàng. Điều này không chỉ đúng trong kinh doanh, mà còn đúng trong giáo dục”.

“Khi chúng ta nói về học tập cá nhân hóa, chúng ta sẽ nghe đến những khái niệm như chương trình linh hoạt và đừng làm quá tải sinh viên. Vậy giáo dục được cá nhân hóa có nghĩa là chúng ta cần biết đâu là mặt mạnh, mặt hạn chế và các mối quan tâm của các sinh viên mà chúng ta đang đào tạo. Chúng ta phải hiểu rất rõ từng sinh viên một. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam. Các nền giáo dục khác trên thế giới như Mỹ, Bỉ, Hồng Kông cũng đều làm như vậy”.

Nói về vai trò tích hợp của giáo viên hiện nay, giáo sư Lee Chi-kin cho biết, ở ĐH Giáo dục Hồng Kông có những khóa học liên môn bắt buộc với sinh viên dựa trên đường hướng lấy nghiên cứu làm nền tảng. “Tất cả sinh viên đang học ngành sư phạm đều phải làm nghiên cứu khoa học. Qua đó, các em sẽ có những kỹ năng thu thập, phân tích dữ liệu để sau này đi dạy biết cách nghiên cứu và thúc đẩy toàn bộ hệ thống giáo dục phát triển”.

ĐH Giáo dục Hồng Kông cũng yêu cầu các sinh viên không chỉ làm luận văn, mà phải trưng bày sản phẩm của mình một cách trực quan, ví dụ như sinh viên ngành khoa học sẽ có những thí nghiệm, công trình khoa học. Giáo sư Lee cho biết, yêu cầu về kết quả đầu ra luôn được kết hợp với những kỹ năng khái quát như: kỹ năng ra quyết định, tương tác xã hội, kỹ năng phản biện, làm việc nhóm…

3 khía cạnh làm nên tính chuyên nghiệp của giáo viên

PGS. TS Nguyễn Thúy Hồng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về nghề nghiệp giáo viên năm 2016 tại Đức, giáo viên thành công được định nghĩa là người chuẩn bị cho học sinh những kiến thức về thế giới, trong đó việc có thể nhớ lại nội dung kiến thức không quan trọng bằng việc có thể sử dụng kiến thức đó trong các bối cảnh cuộc sống và điều kiện kinh tế xã hội thay đổi với tốc độ nhanh chóng.

{keywords}
PGS. TS Nguyễn Thúy Hồng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT chia sẻ, ở hầu hết các hệ thống giáo dục có hiệu quả cao, giáo viên đều được quyền tự chủ đáng kể. Ảnh: Nguyễn Thảo

Trong hầu hết các hệ thống giáo dục có hiệu quả cao (Úc, Canada, Phần Lan, Hồng Kông…), giáo viên đều được quyền tự chủ đáng kể để quyết định làm thế nào đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Nhưng sự tự chủ của giáo viên cần phải được kết hợp bởi những nỗ lực khác để chuyên nghiệp hóa năng lực giảng dạy, để các quyết định của giáo viên được thông tin đầy đủ.

Bà cho biết, Điều tra Quốc tế về giảng dạy và học tập (TALIS) xác định tính chuyên nghiệp của giáo viên theo 3 khía cạnh: nền tảng kiến thức của giáo viên, mức độ tự chủ của giáo viên và sự tham gia của giáo viên vào mạng lưới giáo viên đồng cấp.

 Tại Hội nghị lần thứ 7 tại Vương quốc Anh, các quốc gia đều thống nhất rằng, phát triển chương trình bồi dưỡng tăng cường năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và lãnh đạo trường học là cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng đưa ra một số đề xuất đáng chú ý trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại Việt Nam: Tạo điều kiện cho giáo viên dạy ít nhất 2 môn học thuận lợi cho việc tăng cường tính tích hợp trong giảng dạy; nâng chuẩn trình độ cao đẳng cho giáo viên mầm non; thành lập Hiệp hội nhà giáo; tăng cường trao quyền tự chủ thực sự cho lãnh đạo trường trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên và tự chủ về tài chính; liên tục đánh giá tác động của chính sách giáo dục với các bên liên quan…

Giáo viên toán không thể chỉ biết toán

{keywords}
TS. Nguyễn Vinh Hiển đề cao sự tự học ở mỗi giáo viên. Ảnh: Nguyễn Thảo

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, TS. Nguyễn Vinh Hiển cho rằng cần tiếp tục thực hiện việc chuyển hình thức BDTX theo chu kỳ sang BDTX theo nhu cầu, xây dựng nhà trường thành tổ chức học tập suốt đời.

Theo ông, BDTX không chỉ là các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại nhà trường, liên trường hay cụm trường; mà BDTX còn là tự học. 

“Để sinh viên sư phạm ra trường không bị thiếu hụt do đào tạo như các giáo viên đương nhiệm thì ngay từ bây giờ các trường sư phạm phải đổi mới chương trình và phương thức đào tạo”.

TS. Nguyễn Vinh Hiển đề xuất mô hình đào tạo nối tiếp: giai đoạn đầu tập trung đào tạo về kiến thức và kỹ năng chung cho tất cả sinh viên sư phạm; giai đoạn sau sẽ phân hóa đào tạo khoa học chuyên ngành, khoa học giáo dục và nghiệp vụ sư phạm phù hợp với yêu cầu của mỗi cấp học.

{keywords}
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các trường sư phạm trên cả nước và các chuyên gia tới từ ĐH Giáo dục Hồng Kông. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đây cũng là vấn đề mà bà Nguyễn Thị Kim Dung tới từ ĐH Sư phạm TP.HCM đưa ra trong hội thảo.

Bà nói, ở nhiều trường sư phạm Việt Nam hiện nay, những giảng viên dạy các môn chuyên ngành luôn được coi trọng hơn các giảng viên dạy các môn chung, ví dụ như phương pháp giảng dạy. Và những môn học về phương pháp giảng dạy lại thường được giao cho những giảng viên có trình độ kém hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư Tsui Kwok Tung cho rằng, giáo viên cần kiến thức chuyên môn nhưng như thế là chưa đủ. Nếu coi nhẹ những bộ môn về phương pháp giảng dạy và kiến thức chung, sẽ không phân biệt được bằng cử nhân sư phạm toán và cử nhân toán.

Theo ông, đặt trong bối cảnh nhu cầu về dạy học tích hợp, liên môn thì vai trò của những kiến thức này ngày càng quan trọng. Dù dạy môn học gì thì giáo viên cũng cần phải biết những kiến thức chung như triết lý giáo dục, tâm lý học, xã hội học… 

“Nếu học sinh hỏi tại sao phải học khái niệm này, công thức kia, mà giáo viên chỉ trả lời được rằng ‘học để thi’ thì các em sẽ thấy rất chán. Giáo viên phải biết sử dụng kiến thức để giải quyết vấn đề của thực tế cuộc sống. Giáo viên toán mà chỉ biết về toán là giáo viên thất bại” – ông nói.

Nguyễn Thảo