Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT qui định dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học 2 tiết/ tuần đang nhận được nhiều ý kiến phản biện, đóng góp. Đa số ý kiến cho rằng thời lượng 2 tiết/ tuần là không đủ để đạt mục tiêu đề ra và đề xuất tăng lên 4 tiết, 8 tiết/ tuần…

Vậy nếu tăng thời lượng lên 4 tiết hay 8 tiết/ tuần thì liệu có thể “giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho việc học tập và giao tiếp đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…” như mục tiêu của dự thảo chương trình đề ra hay không?

{keywords}

Chúng ta quá thiếu môi trường giao tiếp để luyện tập và sử dụng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Là một giáo viên tiếng Anh, có điều kiện tiếp xúc và trao đổi với các đồng nghiệp là giáo viên Việt Nam cũng như giáo viên nước ngoài, tiếp xúc và giảng dạy nhiều thế hệ học sinh, từng trải qua nhiều lần tập huấn, cải cách về phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tôi nhận thấy rằng: Bên cạnh việc tăng số tiết, nếu Bộ GD-ĐT và Chính phủ không thay đổi tư duy và mạnh tay cải cách việc dạy và học tiếng Anh tận gốc rễ thì 20, 30 năm nữa trình độ tiếng Anh của người Việt Nam cũng không cải thiện được bao nhiêu, và sẽ tụt hậu.

Việc dạy và học tiếng Anh không hiệu quả có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi yếu tố đầu tiên cần phải xem xét và khắc phục ở Việt Nam chính là: Môi trường giao tiếp. 

Tôi xin đề xuất rằng, về mặt tư duy và định hướng chiến lược, Bộ GD-ĐT và Chính phủ phải xác định mục tiêu và quyết tâm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai (second language) ở nước ta chứ không phải là một ngoại ngữ (foreign languae) như hiện nay.

{keywords}
Ảnh: Thanh Hùng

Khi đó tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ bắt buộc sử dụng trong tất cả các văn bản giao dịch chính thức bên cạnh tiếng Việt, được dùng để giảng dạy các môn khoa học trong các trường phổ thông cũng như các trường đại học.

Để đạt được mục tiêu này, trong chương trình giáo dục phổ thông, việc dạy và học tiếng Anh, nên được định hướng theo một số giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Học sinh phổ thông sẽ học 1 hoặc 2 môn khoa học bằng tiếng Anh song song với việc học môn đó bằng tiếng Việt. Có thể bắt đầu từ THCS và thí điểm trước ở các thành phố lớn. Khi đã đủ giáo viên thì thực hiện trên toàn quốc.

Để đạt được mục tiêu này học sinh tiểu học sẽ được học tiếng Anh ngay từ lớp 1 (nơi có điều kiện có thể cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ mẫu giáo) với thời lượng 5 – 8 tiết/ tuần tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng địa phương. Việc cho trẻ học tiếng Anh từ lớp 1 là không sớm vì theo một số chuyên gia ngôn ngữ nghiên cứu về việc học ngôn ngữ của trẻ thì “thời kỳ cửa sổ mở” ở trẻ (là giai đoạn trẻ em tiếp thu ngôn ngữ: học cách phát âm cũng như ngữ điệu của một ngôn ngữ nào đó một cách tốt nhất) là khi trẻ dưới 8 tuổi. Giai đoạn 1 sẽ kéo dài từ 3-5 năm tính từ khi thực hiện đại trà trên cả nước.

Giai đoạn 2: Từ THCS trở lên học sinh bắt buộc học 1 hoặc 2 môn khoa học bằng tiếng Anh (không còn học song ngữ như giai đoạn 1). Giai đoạn này kéo dài khoảng 5-7 năm tính từ khi thực hiện đại trà toàn quốc

Giai đoạn 3: Trong các trường phổ thông, từ THCS trở lên và trong các trường đại học, cao đẳng…học sinh, sinh viên  bắt buộc phải học tất cả các môn khoa học bằng tiếng Anh. Sang giai đoạn này thì bên ngoài xã hội, Chính phủ sẽ qui định tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng bắt buộc trong các hoạt động giao dịch hành chính, thương mại chính thức bên cạnh tiếng Việt.

Việc giảng dạy và học tập các môn khoa học bằng tiếng Anh chính là tạo ra môi trường luyện tập, sử dụng và giao tiếp tiếng Anh tốt nhất, thường xuyên nhất cho cả học sinh lẫn giáo viên. Trong giai đoạn đầu có thể sẽ gặp một số khó khăn đối với cả thày và trò và áp lực là điều khó tránh khỏi. Để bổ sung cho đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu hiện nay, cần khai thác nguồn giáo viên nước ngoài từ một số quốc gia quanh vùng nói tốt tiếng Anh như Philipine, Singapore, Malaysia…

Một số khách du lịch, doanh nhân nước ngoài đang làm ăn ở Việt Nam có trình độ, chứng chỉ đáp ứng yêu cầu cũng có thể được tham gia giảng dạy, nguồn lưu học sinh từ các nước nói tiếng Anh trở về…

Với học sinh, sau giai đoạn đầu gặp khó khăn, các em sẽ quen dần và thích thú với việc học tập này. Chẳng phải các em bé người dân tộc lúc đầu đi học cũng rất khó khăn vì mới bắt đầu học tiếng Kinh nhưng chỉ sau một vài năm đã có thể học tập và tiếp thu bài giảng không thua kém các em học sinh người Kinh đó sao?

Song song với việc học tập trong nhà trường, nhà nước, chính phủ cần ủng hộ và hỗ trợ các phương tiện truyền thông sử dụng tiếng Anh trong nhiều chương trình, đặc biệt là các chương trình dành cho trẻ em. Chính phủ cần có lộ trình cụ thể qui định việc sử dụng tiếng Anh trong các giao dịch hành chính, thương mại chính thức trên cả nước.

Nguyễn Thị Dung (Giảng viên tiếng Anh Trường CĐ Công thương TP.HCM)