Với hơn 20 triệu học sinh cùng với đó là hàng triệu gia đình, 1,4 triệu giáo viên, việc thực hiện dân chủ trong nhà trường sẽ  góp phần to lớn góp phần kiến tạo dân chủ trong xã hội.

Thiếu dân chủ, trường học thành “ốc đảo”

Dân chủ trong nhà trường luôn được xã hội và nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện  dân chủ  tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao, vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ. Cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp.

{keywords}
Các đại biểu tại hội nghị về thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đào tạo (Ảnh: Lê Văn)

Tuy trường nào vể hình thức cũng có khẩu hiệu, hô hào về công khai và dân chủ, kết thúc các cuộc họp, ai cũng nhất trí nhưng trong lòng còn bộn bề tâm tư, nghĩ suy về việc đánh giá giáo viên không công bằng, về thưởng phạt, phân công, chi tiêu mua sắm công, xây dựng cơ sở vật chất, thái độ của hiệu trưởng đối với giáo viên…

Điều đáng ngại là sự im lặng ngồi nghe về những khoản thu chi sai luật, mua sắm bất minh, thu của học sinh những món tiền vô lý. Quyền lợi của tập thể và quyền lợi của chính bản thân bị xâm phạm. Tại sao các thầy cô biết bệnh thành tích, gian lận trong thi cử nhưng lại lặng im!?

Thực tế, việc “trên nói dưới gật” bất kể đúng sai không hề hiếm trong môi trường giáo dục. Giáo viên không dám nói khác, chứ chưa nói là nói trái ý của hiệu trưởng, dẫn đến việc mọi người che giấu ý kiến, quan điểm của mình.

Ở môi trường thiếu dân chủ, chỉ cần khác đi sẽ được lãnh đạo “chú ý”. Nhiều trường học trở thành một “ốc đảo” khép kín về thông tin, thiếu hẳn tư duy phản biện, nhiều nơi bùng nổ đấu đá phe phái mất đoàn kết triền miên,chủ yếu không thống nhất với nhau về quyền lợi.

Rất nhiều quy định, chủ trương tháo gỡ cho giáo viên đưa xuống trường học bị “tắc nghẽn” ở... ban giám hiệu. Luật vua không qua nổi lệ làng, như về giảm tải hồ sơ sổ sách, về không bắt buộc thi giáo viên giỏi, về không được thu các loại tiền trường... chỉ nằm trên báo cáo.

Nhiều trường học còn có sự “khiếp nhược”

Giáo viên nào thuộc diện “hay ý kiến ý cò” thì càng dễ bị “gạch đít”, cho vào “sổ bìa đen”, đến thời điểm nâng lương hay xét, cho đi bồi dưỡng nghiệp vụ lúc đó sẽ… tính sổ. Nói chung là có hiện tượng trù dập với ai dám đấu tranh. Ban giám hiệu, nhất là hiệu trưởng quyết thế nào thì sẽ như thế, nói khác đi sẽ rước họa vào thân.

Những tiếng nói chỉ được xầm xì, bàn tán sau buổi họp. Giữa hiệu trưởng và giáo viên ngày càng có khoảng cách.

Câu hỏi đặt ra là nhà trường hiện nay có thiếu dân chủ hay không? Có ý kiến cho rằng, không chỉ mất dân chủ mà còn nhiều nơi có sự “khiếp nhược”!

Đúng là giáo viên khiếp nhược, sợ bị trù úm vì họ phải “chạy việc”, nhỡ ra mất việc thì khốn khổ cả nhà. Hiệu trưởng thừa biết điều này nên dễ thao túng.

Giáo viên trẻ mong được hiệu trưởng ưu ái, mong có điều kiện thuận lợi thăng tiến nên đa phần chọn thái độ im lặng, thậm chí a dua theo những sai trái của hiệu trưởng, còn giáo viên già thì thì làm thinh để yên ổn chờ đến ngày nghỉ hưu. Ở đây, đấu tranh vì sự trong sáng dân chủ bị thủ tiêu.

Trong khi đó, Hội đồng trường - một chế định để kiểm soát các cam kết, thực hiện quy định của nhà trường - hiện nay chỉ có không đến 20% cơ sở thành lập. Nhiều nơi thành lập lấy lệ và hoạt động còn hình thức.

Các mối quan hệ giữa hiệu trưởng và giáo viên, giữa hiệu trưởng với các tổ chức đoàn thể, giữa giáo viên và học sinh… ở nhiều nơi bị méo mó.

Nhà trường thiếu dân chủ khó triển khai cải cách giáo dục

Để phát triển, mỗi dân tộc, không còn con đường nào khác là bắt đầu từ chính con người. Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục phong phú, gần cuộc sống và luôn thích ứng với những đòi hỏi của cuộc sống. Môi trường giáo dục tốt phải là vườn ươm nhân cách, kỹ năng. 

{keywords}

Thực hiện dân chủ để có môi trường giáo dục thực sự cởi mở, để cho tất cả những giá trị tốt đẹp trong nghiên cứu, trong giảng dạy được bừng nở (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Mục tiêu của giáo dục là trang bị cho nguồn nhân lực những kiến thức đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động.

Cải cách giáo dục là quy hoạch xã hội tương lai, chuẩn bị phần quan trọng nhất cho tương lai của xã hội, người chủ xã hội tức là con người. Mục tiêu của cải cách giáo dục là làm cho người học nắm được kiến thức, có lòng yêu nước và quý trọng văn hóa dân tộc, tinh thần trách nhiệm với xã hội, có tinh thần nhân văn, có tâm hồn và thể chất khỏe mạnh.

Do đó, có thể cho rằng, nguyên lý cơ bản của giáo dục hiện đại là tự do, tự lập và tự trọng. Phương pháp giáo dục hiện đại phải chú trọng giáo dục kỹ năng cho người lao động - đó là tiền đề để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động.

Dân chủTự do là hai khái niệm gắn liền nhau, cái này có trong cái kia. Tuy vậy, Tự do có thể là khát vọng bẩm sinh của con người, nhưng Dân chủ thì phải được dạy, được học, được thực hành mới dần dần có được. 

Muốn “phát triển tự do cho mỗi người để đảm bảo tự do cho mọi người” thì phải có phương tiện (cơ chế, thể chế…) thực hiện các quyền tự do ấy, đó chính là Dân chủ.

Dân chủ đồng thời cũng là phương tiện đảm bảo quyền bình đẳng của con người: Bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng trong cơ hội mưu cầu lợi ích riêng phù hợp với lợi ích của cộng đồng.

Vì những lẽ đó, trong lý thuyết cũng như trong thực tiễn, Dân chủ thường được coi là điều kiện tất yếu cho phát triển bền vững, thường được coi là tỷ lệ thuận với phát triển bền vững.

Vì thế, có 2 vấn đề quan trọng nhất mà công chúng quan tâm. Một là, về mặt ý tưởng của cải cách, chúng ta mong muốn tạo nên con người như thế nào. Hai là, khả năng thực hiện ý tưởng ấy trong thực tế ra sao.

Nếu trong môi trường giáo dục thật sự thiếu dân chủ thì khó triển khai cải cách giáo dục.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngoài thi cử, sách giáo khoa thì một trong những nội dung phải đổi mới rất mạnh đó là công tác quản lý. Thực hiện dân chủ để làm sao có môi trường giáo dục thực sự cởi mở, để cho tất cả những giá trị tốt đẹp trong nghiên cứu, trong giảng dạy được bừng nở, vì dân chủ là mục tiêu vừa là động lực của đổi mới, của cải cách.

Giải pháp tạo lập dân chủ trong nhà trường

Pháp lệnh dân chủ cơ sở đã được ban hành từ lâu, nơi nào thực hiện nghiêm túc thì ở đó cơ bản có dân chủ.

{keywords}

Thực hiện dân chủ cơ sở là trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, giáo viên nhà trường, là của phụ huynh, học sinh, và toàn xã hội phải chung tay (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Dẫu biết rằng, thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo có những đặc thù không giống ở phường, xã, và trường ĐH, CĐ cũng khác với trường phổ thông, tiểu học, mầm non, nhưng có nhìn thẳng, không tránh né mới có giải pháp và quyết tâm khắc phục. Đây là giải pháp hàng đầu.

Việc thành lập hội đồng trường là “chỉ số" cơ bản, dễ thấy nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở trường. Các bộ phận giám sát trong các cơ sở GD-ĐT khó có thực quyền khi quyền lực tập trung vào một cá nhân lãnh đạo của các cơ sở. Vì thế cần thay đổi các quy định để các hội đồng trường có thực quyền.

Đồng thời, phải có cơ chế để giáo viên đánh giá cơ cấu, chức danh lãnh đạo, học sinh và phụ huynh đánh giá giáo viên. Tránh việc giám sát chung chung, sẽ không hiệu quả.

Dân chủ không tự nhiên mà có. Sẽ có dân chủ khi cải tiến về phương pháp giáo dục, gắn dân chủ với tự chủ thì mới phát huy được vai trò, tính sáng tạo, chủ động của giáo viên vào công việc của nhà trường. Đi kèm với đó phải tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, xây dựng cách thức đánh giá thực hiện dân chủ trong nhà trường chính xác, khách quan.

Cần chỉ đạo buộc các cơ sở giáo dục đào tạo phải xây dựng các quy định nội bộ trên cơ sở lấy ý kiến, đóng góp tại cơ sở và công khai toàn bộ quy định này. Xây dựng các phần mềm để đánh giá giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ nhà trường. Đây là việc khả thi có thể làm ngay.

Thực hiện dân chủ cơ sở nói chung, trong đó có các cơ sở GD-ĐT, là chuyện không phải của riêng ai, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhưng trước hết, đây là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo nhà trường, của cán bộ, giáo viên nhà trường, là của phụ huynh, học sinh, và toàn xã hội phải chung tay.

TS Diệp Văn Sơn (chuyên gia cải cách hành chính, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ)