Việc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên bản ngữ phải gọi tên học sinh bằng tên tiếng Việt, tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh đang gây nhiều tranh cãi.

Trong Hướng dẫn thực hiện chuyên môn tiếng Anh bậc tiểu học do Sở GD-ĐT TP.HCM mới ban hành có quy định giáo viên bản ngữ không được sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video trong giờ dạy. Đặc biệt, giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt, tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh. 

Nhiều phụ huynh nói "không sao"

Quy định cấm giáo viên bản ngữ sử dụng cassette, CD hay bảng tương tác nhận được sự đồng tình, vì mục đích thuê giáo viên bản ngữ là để tăng khả năng giao tiếp ngoại ngữ cho học sinh. 

Hơn nữa, với kinh phí trả cho giáo viên bản ngữ từ 500-600 nghìn đồng/ tiết dạy, nên hạn chế tối đa các công cụ hỗ trợ, giúp cho học sinh có cơ hội tương tác, thực hành "hết công suất" với giáo viên bản ngữ. 

Tuy nhiên, yêu cầu giáo viên bản ngữ chỉ được gọi tên học sinh bằng tiếng Việt nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

{keywords}
(Ảnh: 3acom)

Chị Huỳnh Thuỳ Dung (Quận 10) có con gái là Đặng Khánh Linh đang học tiếng Anh do giáo viên bản ngữ dạy ở trường và học thêm tại một trung tâm Anh ngữ. Chị Dung cho biết ở trường Linh không được cô giáo đặt tên tiếng Anh, nhưng tại trung tâm Linh có tên là Linda. Linda có chữ cái đầu tiên, thứ hai, thứ ba bắt nguồn từ tên Linh. Vì vậy, khi con thông báo được đặt tên tiếng Anh này, chị Dung cảm thấy hài lòng.  

“Tôi thấy tên tiếng Anh trung tâm đặt cho rất hay, cháu cũng thích. Vì vậy, không chỉ ở trung tâm Linh sử dụng tên này mà về nhà, khi trò chuyện với mẹ hoặc người khác Linh cũng muốn được gọi là Linda” - chị Dung kể. 

Chị Dung hoàn toàn ủng hộ giáo viên đặt và gọi tên học sinh bằng tiếng Anh, vì theo chị tên gọi này ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc, khi học hội thoại cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

“Chúng tôi chỉ sợ rằng lớp quá đông nên các em không nhớ tên tiếng Anh của bạn để gọi. Có thêm tên tiếng Anh cũng thú vị, còn quan trọng là cách dạy của giáo viên để học sinh thích thú” - chị Dung bày tỏ.

Anh Nguyễn Bảo Sơn (Quận Gò Vấp) hiện là giảng viên đại học cho biết hai vợ chồng anh người Việt, đặt tên con là thuần Việt, nhưng khi nói tiếng Anh có gọi tên con bằng tiếng Anh cũng không sao.

“Nhiều đồng nghiệp của tôi còn thường gọi con bằng tên nước ngoài. Tại sao lại cấm cô giáo dạy dạy tiếng Anh gọi tên học sinh bằng tiếng Anh? Hơn nữa, nếu yêu cầu người nước ngoài gọi đúng tên tiếng Việt thì rất khó, mà gọi không đúng thì rất buồn cười” - anh Sơn nói. 

Theo anh Sơn, trong giờ học tiếng Anh, dù là giáo viên bản ngữ hay giáo viên trong nước thì nên để giáo viên tự do, có thể gọi tên học sinh bằng tiếng Anh hay biệt danh. Khi dạy tiếng Anh, giáo viên cần có cách để học sinh hứng thú, từ đó học tốt hơn và ứng xử với người nước ngoài nhanh hơn, không nên vì một cái tên hay cách gọi mà làm cho giờ học trở nên nặng nề.

Giáo viên ủng hộ gọi tên tiếng Việt

Cô Nguyễn Thanh Hoa, giáo viên dạy tại một trung tâm Anh ngữ ở quận Thủ Đức, cho biết không phải cứ gọi tên tiếng Anh là học sinh có cảm hứng hơn, hay hội thoại dễ hơn, trao đổi nhanh hơn..., vì nội dung của bài học và cuộc nói chuyện mới là chủ đạo.

"Giáo viên dù là người nước ngoài hay trong nước cũng nên gọi đúng tên các em. Việc này có thể hơi khó đối với người nước ngoài, nhưng rồi sẽ quen và cảm thấy rất thú vị. Chúng tôi yêu cầu các học viên đọc đúng tên giáo viên thì giáo viên cũng phải đọc đúng tên học sinh” – cô Hoa đưa quan điểm.

{keywords}
Học sinh TP.HCM (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Ông Đoàn Thế Oai, nguyên giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trưng Vương, ủng hộ quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM. 

Ông Oai lý giải “Chúng ta là người Việt Nam, tên cá nhân là một từ thiêng liêng được bố mẹ đặt cho lúc sinh ra. Tên cá nhân đã được xác định là danh từ riêng và viết hoa. Vì vậy, dù giáo viên trong nước hay giáo viên bản ngữ cũng phải gọi đúng tên cá nhân.

Ví dụ, tôi tên là Oai. Giáo viên tiếng Anh có thể nói “Hello Oai” chứ không thể nói tôi là “Hello David” hay “Hello Tony” và mặc định David, Tony hay Tom gì đó là tôi được. Người nước ngoài phải gọi đúng tên chúng ta vì chúng ta cũng không thể đặt tên tiếng Việt cho họ. Nếu như gọi ông Obama hay Donald Trump bằng tên tiếng Việt thì rất vô duyên” - ông Oai nói.

Tuy nhiên, điều mà ông Oai lo lắng nhất hiện nay không chỉ về cái tên, mà là nhiều trường học và trung tâm Anh ngữ đang ham “mác” giáo viên nước ngoài.

"Những nơi này nói rằng thuê giáo viên bản ngữ, nhưng thực chất chỉ là người nước ngoài, thậm chí là Tây ba lô vào dạy chứ không phải là giáo viên bản ngữ thật. Những người này không có nghiệp vụ sư phạm nhưng được trường mặc định là giáo viên bản ngữ, và cứ ung dung dạy với mục đích thu hút người học.

Tôi từng chứng kiến nhiều trường thuê một ông Tây ba lô, khi ông ta vào lớp thì nói bậy và bày trò chơi với học sinh để cho hết thời gian. Nhiều từ ông ta nói chúng tôi còn không hiểu vì không phải là người phải bản ngữ thật thì làm sao học sinh hiểu. Giáo viên dạy kiểu này này chỉ khiến học sinh mất tiền oan” - ông Oai bày tỏ.

Tuệ Minh