- Đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo tiêu chuẩn xét duyệt GS, PGS vừa được công bố, nhưng các nhà khoa học cho rằng cần làm rõ hơn tiêu chí khoa học và thủ tục xét duyệt phải đi vào thực chất, tránh hình thức chung chung.

Công khai hồ sơ là thay đổi quan trọng

Theo PGS Nguyễn Đức Chính, Viện Cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), dự thảo tiêu chí xét GS, PGS đã cởi bỏ các tiêu chuẩn cứng như thâm niên, số giờ giảng quy đổi, số tiến sĩ hay thạc sĩ đã hướng dẫn. Những tiêu chí này đều có thể bù đắp được bằng các công bố khoa học (và phải là công bố quốc tế).

{keywords}
Từ năm 2018, hồ sơ của các ứng viên xét giáo sư, phó giáo sư sẽ được công khai trên website để nhân dân biết và giám sát 

Dự thảo có một điểm mới khác, đó là công khai hồ sơ của các ứng viên trên website của cơ sở và Hội đồng chức danh GS Nhà nước là một bước tiến mới.

Từng tham gia hội đồng cấp cơ sở, ông Chính cho biết, trước đây chỉ có chủ tịch hội đồng và các phản biện được tiếp cận hồ sơ đầy đủ của ứng viên. Những người khác trong hội đồng chỉ được nghe trích ngang, không được xem cụ thể vì hồ sơ giấy rất nặng nề. Điều này dẫn đến việc thiếu công bằng giữa các ứng viên nếu chủ tịch hội đồng và các phản biện thiếu công tâm.

PGS Chính đề xuất, không những công khai hồ sơ ứng viên mà cần công khai cả lý lịch khoa học của chính các thành viên hội đồng ngành. Ngoài ra, các thành viên hội đồng ngành cũng được bầu giống như cách làm của Nafosted hiện nay,  nếu không sẽ có hiện tượng 'bình mới, rượu cũ'. Đặc biệt, những người tham gia hội đồng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, có công bố quốc tế, am hiểu chuyên môn nhất trong lĩnh vực đấy.

Tương tự, TS Trần Quang Tuyến, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội)- thành viên hội đồng khoa học ngành Kinh tế học của Nafosted- cũng nhất trí cao với chủ trương công khai hồ sơ ứng viên.

Ông Tuyến cho rằng, việc có các tiêu chí thay thế là điểm mới trong dự thảo. "Cụ thể việc bài báo khoa học công bố quốc tế có thể thay thế cho những tiêu chí như đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ; thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ, cấp quốc gia sẽ giúp những nhà khoa học trẻ có năng lực. Bởi để được giao đề tài cấp bộ đâu có dễ, nhất là với những người ở vùng sâu vùng xa, không có quan hệ tốt" - ông Tuyến nhìn nhận.

Quy đổi điểm: không dễ

Tuy nhiên, theo TS Tuyến, việc quy đổi điểm bài báo theo cách tính "tất cả bài báo trong danh mục ISI/ Scopus được quy đổi tối đa 2 điểm, các bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế không thuộc danh mục ISI/ Scopus được tính tối đa 1 điểm" là chưa thỏa đáng vì danh mục ISI/ Scopus có những thứ hạng khác nhau. Có những tạp chí để đăng được một bài báo vô cùng khó, nhưng có những tạp chí ở mức độ vừa phải, nhà nghiên cứu cố gắng một chút có thể làm được.

Ông Tuyến đề xuất, nên tính điểm bài báo theo xếp hạng tạp chí, gồm có 4 mức Q1, Q2, Q3, Q4. Trong đó Q1 tương đương 25% tạp chí được xếp hạng cao nhất, Q2 gồm nhóm 25% tạp chí được xếp hạng thứ 2, tương tự như vậy với Q3, Q4.

{keywords}
Cần tách bạch các công bố khoa học để đảm bảo công bằng trong xét giáo sư, phó giáo sư

"Với những tạp chí thuộc Q1 cần quy đổi điểm từ 7-10 điểm, Q2 từ 5-7 điểm, Q3 từ 2,5-5 điểm, Q4 từ 1-2 điểm. Việc phân tách, rạch ròi thứ hạng tạp chí nhằm khuyến khích và đề cao chất lượng tạp chí tốt, từ đó nâng thứ hạng của Việt Nam lên. Còn theo dự thảo một bài báo đăng tạp chí hàng đầu cũng sẽ chỉ có tối đa 2 điểm, tác giả chính sẽ có 1/3 số điểm - tức 0,6 điểm. Trong khi một bài báo đăng tạp chí không thuộc danh mục ISI/ Scopus dễ hơn rất nhiều cũng có 1 điểm quy đổi. Khoảng cách giữa tạp chí Q1 và Q4 là rất lớn, chưa nói đến khoảng cách giữa tạp chí ISI/ Scopus và tạp chí không thuộc danh mục này" - TS. Tuyến lập luận.

"Việc bài báo khoa học công bố quốc tế có thể thay thế hoàn toàn cho việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ là chưa ổn. GS tức là người thầy, vẫn phải đào tạo, hướng dẫn. Nếu GS chỉ chăm chăm vào việc nghiên cứu thì không ổn. Còn việc bài báo khoa học thay thế cho việc thực hiện đề tài cấp Bộ, cấp quốc gia thì có thể được, vì đều là hoạt động nghiên cứu cả"-  GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên HĐCDGS ngành Cơ học

 

Đồng tình với cách này, TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) - người lọt vào top 5% nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu theo xếp hạng của REPEC, cho rằng trên thế giới có rất nhiều loại tạp chí khác nhau với mức độ uy tín khác nhau. Chính vì thế, những tạp chí thuộc các nhóm khác nhau nên quy đổi ra mức điểm khác nhau để đảm bảo sự công bằng.

Theo GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Cơ học, danh mục tạp chí ISI nên được đánh giá cao hơn Scopus.

"Trong danh mục ISI có Q1, Q2, Q3, Q4 thì Q1 phải khác với Q4. Theo tôi hiểu, việc này sẽ do hội đồng ngành thẩm định. Tuy nhiên, nếu hội đồng nhà nước có thể phân loại được thì tốt hơn. Đối với một số hội đồng có nhiều công bố và xét duyệt nghiêm túc như ngành Cơ học, ngành Vật lý, Toán thì có thể phân biệt được, nhưng một số hội đồng khác thì có thể không. Như thế thì những người có công bố xuất sắc sẽ rất thiệt thòi vì vậy nên có thang điểm chia nhỏ để phù hợp hơn".

Về khái niệm "tạp chí khoa học quốc tế uy tín", GS Nguyễn Đình Đức và PGS Nguyễn Đức Chính cùng cho rằng, do trình độ phát triển của các ngành rất khác nhau như các ngành khoa học tự nhiên thì phải là ISI, còn các ngành khoa học xã hội chỉ yếu cầu Scopus nên việc cụ thể hoá trong dự thảo là khó. Vì vậy các hội đồng ngành đánh giá để phù hợp với lĩnh vực của ngành mình để đưa ra tiêu chí cụ thể.

Thủ tục xét công nhận vẫn rất rối rắm

Theo giáo sư ngôn ngữ Nguyễn Đức Dân, Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), quan điểm cơ bản của dự thảo quy định lần này vẫn là Nhà nước muốn "bao" việc phong chức danh GS, PGS thành chức danh chung trong toàn quốc, chứ không phải giao việc phong chức danh GS, PGS về từng trường. Trong khi đó GS, PGS là những chức danh của từng trường đại học khác nhau. 

"Đã là GS, PGS thì nên có yếu tố đào tạo, trao truyền kiến thức cho các thế hệ sau. Có thể không cần nhiều, chỉ cần hướng dẫn 1, 2 người, nhưng không nên để bài báo khoa học có thể thay thế toàn bộ tiêu chí đào tạo. Tôi cũng không tán thành tiêu chí viết sách cho lắm. Nhiều khi giáo trình đã chuẩn rồi thì viết làm sao được giáo trình mới. Nếu anh chỉ chỉnh sửa thì cũng tốt, nhưng chỉnh sửa biết thế nào là vừa. Viết giáo trình mới tôi nghĩ là không cần thiết, trừ khi có thêm môn học" - TS. Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

 

Ông Dân cũng cho rằng, dự thảo đã nói tới "thủ tục" xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS nhưng những "thủ tục" này hầu không chú ý tới thực chất vấn đề.

"Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước làm sao biết được chất lượng thực sự của các ứng viên ở từng cơ sở cho mấy trăm ngành khác nhau. Tương tự, Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở từ 9-15 người hẳn phải thuộc các ngành khác nhau, như vậy làm sao biết được thực chất của những ứng viên từng ngành khác nhau trong trường"- GS Dân thẳng thắn.

Mặt khác, ông Dân cho rằng, việc quy định Hội đồng Giáo sư cơ sở có từ 9 đến 15 thành viên là quá nhiều, nhưng không đề cập tới "chất lượng" của những thành viên hội đồng có cùng chuyên ngành. Để đảm bảo tính khách quan khi xét duyệt ở hội đồng cơ sở, cần quy định số thành viên tối thiểu ngoài trường phải >= 2/3 số thành viên trong trường. Việc quy định Hội đồng Giáo sư cơ sở có nhiệm kỳ 1 năm cũng quá ngắn nên chuyển thành hội đồng một lần bao gồm những chuyên gia cùng ngành.

Về cơ cấu và trình tự thành lập Hội đồng Giáo sư nhà nước gồm Chủ tịch, một Phó Chủ tịch thường trực, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các Ủy viên Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo GS Dân cơ cấu này đồng nghĩa với việc Hội đồng chức danh Nhà nước chỉ là hình thức.

"Nên chăng khi Hội đồng nhà nước có quyền nhưng không đóng góp gì cho việc đánh giá thực chất của từng ứng viên thì nên để hội đồng từ 5-6 người, có chức năng xác nhận đề nghị của Hội đồng cơ sở rồi ký duyệt là được" - GS Dân đề xuất.

Nguyễn Thảo - Lê Huyền 

Tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư: Sẽ có nhiều điểm mới

Tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư: Sẽ có nhiều điểm mới

Tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư từ năm 2018 có nhiều điểm mới. Với ứng viên phó giáo sư viết sách không còn là quy định cứng.  

Xét giáo sư từ năm 2018 sẽ có thay đổi gì?

Xét giáo sư từ năm 2018 sẽ có thay đổi gì?

Bộ GD-ĐT đang xây dựng văn bản thay thế đề nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành văn bản mới quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS từ năm 2018.

HĐCD giáo sư nhà nước: “Phản hồi nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn trước ngày 1/6”

HĐCD giáo sư nhà nước: “Phản hồi nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn trước ngày 1/6”

Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước vừa có công văn đề nghị hội đồng ngành Ngôn ngữ học khẩn trương kiểm tra và có ý kiến chính thức bằng văn bản phản hồi về nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn trước ngày 1/6.

"Ông Nguyễn Đức Tồn phải bị tước bỏ chức danh giáo sư"

"Ông Nguyễn Đức Tồn phải bị tước bỏ chức danh giáo sư"

Trao đổi với VietNamNet, GS Trần Ngọc Thêm khẳng định việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn đã trở thành "căn bệnh" trầm kha cần tước bỏ tận gốc.  

"Ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn nhưng được phong giáo sư vì tinh thần nhân văn"

"Ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn nhưng được phong giáo sư vì tinh thần nhân văn"

GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học khẳng định, việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn của học trò là có thật.