- Trong bài viết dưới đây, PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn văn của chương trình giáo dục phổ thông giải thích tại sao dự thảo chương trình Ngữ văn mới chỉ yêu cầu 6 tác phẩm bắt buộc.

Tiếp sau Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cũng như nhiều môn học khác, dự thảo chương trình môn học Ngữ văn đã được hoàn thành. Chương trình Ngữ văn mới có những điểm khác biệt so với chương trình hiện hành. Một trong những điểm khác biệt ấy là chương trình chỉ quy định học bắt buộc đối với 6 tác phẩm có vị trí đặc biệt. Sáu tác phẩm bắt buộc đó là Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.

Tất cả các văn bản còn lại, trong đó có nhiều tác phẩm trước đây từng có trong chương trình-SGK sẽ được đưa vào phụ lục để các tác giả SGK và giáo viên tham khảo hình dung ra về thể loại, đề tài, độ khó, sự phù hợp về tâm lý lứa tuổi…Từ đó chủ động lựa chọn văn bản cho SGK và việc dạy học để hình thành và phát triển cho học sinh năng lực đọc với nhiều ngữ liệu đa dạng khác nhau; từ đọc có hướng dẫn trên lớp đến đọc mở rộng và tự đọc, tự học suốt đời.

Câu hỏi tất yếu được đặt ra là: Vì sao lại có quy định tác phẩm bắt buộc? Dựa vào đâu và vì sao lại chỉ chọn 6 tác phẩm này?

1. Tại sao quy định tác phẩm bắt buộc?

Trước hết cần khẳng định ngay rằng quy định học bắt buộc 6 tác phẩm này không có nghĩa là toàn bộ chương trình chỉ dạy 6 tác phẩm đó và cũng không phải là tất cả các tác phẩm khác (không bắt buộc) chỉ là tác phẩm đọc thêm. Tổng thời lượng dành cho môn Ngữ văn (12 năm) là 4.520 tiết, chẳng lẽ chỉ học chính 6 tác phẩm ấy. Sở dĩ có quy định bắt buộc một số tác phẩm vì xuất phát từ yêu cầu của việc đổi mới chương trình theo định hướng phát triển năng lực; một mặt cần thiết kế một chương trình mở, để vận dụng linh hoạt, mềm dẻo; mặt khác cần phải trang bị cho học sinh một số kiến thức cơ bản, cốt lõi của học vấn phổ thông. Ngoài ra như thế mới tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương 1 chương trình, nhiều sách giáo khoa đã nêu trong Nghị quyết 88 của Quốc Hội.

Đối với dạy học môn Ngữ văn, mục tiêu cuối cùng cần đạt được là phát triển phẩm chất và năng lực người học. Một trong những năng lực mà môn học Ngữ văn mang lại là năng lực biết đọc hiểu, biết tiếp nhận, biết cảm thụ, phân tích và đánh giá các giá trị văn học. Thông qua đó mà phát triển cảm xúc thẩm mỹ, tâm hồn, tình cảm, nhân cách (năng lực thẩm mỹ- nhân văn)…Như thế cần dạy cho học sinh cách đọc, phương pháp đọc để các em dần dần có thể tự đọc và học suốt đời; chứ không chỉ chú ý dạy vào một số tác phẩm cụ thể, học tác phẩm nào chỉ biết tác phẩm ấy. Cũng vì vậy, cần thiết kế chương trình theo hướng dạy cho học sinh cách đọc các thể loại văn học và các kiểu loại văn bản khác (văn bản thông tin và văn bản nghị luận). Thông qua các tác phẩm tiêu biểu của các thể loại văn học ấy mà hình thành cách đọc. Đấy chính là lý do chương trình được thiết kế theo hướng lựa chọn các thể loại lớn (thơ, truyện, ký kịch) chứ không theo trục lịch sử văn học như trước đây. Cụ thể hơn, cần thiết kế chương trình theo hướng mở, lấy tiêu chí là các thể loại văn học, từ đó lựa chọn một số văn bản, tác phẩm tiêu biểu để dạy và học. Chương trình Ngữ văn phổ thông không phải là một bản tổng kết văn học nhằm nêu lên đầy đủ tất cả các tác giả, tác phẩm của tất cả các giai đoạn thuộc một nền văn học.

Tuy nhiên như trên đã nêu, một yêu cầu khác cần đáp ứng là chương trình cần cung cấp cho học sinh một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về học vấn phổ thông Ngữ văn, trong đó các em phải biết một số tác phẩm lớn, có tầm quan trọng đặc biệt; có giá trị lâu dài, đã được thử thách qua thời gian… Các tác phẩm mà bất kỳ ai có văn hóa phổ thông cũng phải biết. Như thế chương trình phải đáp ứng cả 2 yêu cầu mở và bắt buộc. Giải pháp mới được xác định là bên cạnh việc chỉ gợi ý một số văn bản tiểu biểu cho các thể loại văn học, dành quyền chủ động, sáng tạo cho các tác giả SGK và giáo viên thì cần quy định một số tác phẩm bắt buộc; coi đó là một trong những yêu cầu của kiến thức cơ bản, cốt lõi mà học sinh tốt nghiệp phổ thông phải có. Giải pháp này cũng được chương trình nhiều nước phát triển áp dụng. Một số chương trình môn học này ở những nước dùng tiếng Anh yêu cầu bắt buộc phải học một vài vở kịch của Secxpia là vì thế.

Việc lựa chọn tác giả, tác phẩm nào vào chương trình nhà trường luôn là vấn đề “nóng” mà những người biên soạn phải cân nhắc, thậm chí tranh luận rất nhiều. Chương trình hiện hành được xây dựng theo trục lịch sử văn học nên khi chọn tác phẩm, tác giả đưa vào chương trình rất khó. Vì số lượng tác giả, tác phẩm là hết sức lớn và rất nhiều tác phẩm “một chín một mười”, đều đảm bảo tiêu chí và có giá trị tương đương; đưa tác phẩm này, không đưa tác phẩm kia rất dễ gây nên những băn khoăn, thắc mắc. Một trong những hạn chế của chương trình, SGK hiện hành bị dư luận phàn nàn là chương trình môn Ngữ văn các cấp dần dần bị bó hẹp, chỉ giới hạn trong một số tác phẩm, nhất là khi kiểm tra đánh giá. Cũng vì thế việc dạy học môn Ngữ văn lâu nay nặng về đào sâu, phân tích tác phẩm, làm bài văn mẫu cho một số ít tác phẩm được học là chính; trong các kì thi quốc gia quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy tác phẩm quen thuộc đến mòn sáo, và nếu như đề thi ra vào một tác phẩm khác chưa có trong SGK, học sinh sẽ hết sức lúng túng… Như thế giải pháp này còn góp phần khắc phục hạn chế của cách thiết kế theo trục lịch sử văn học của chương trình hiện hành.

2. Tại sao lại chỉ chọn 6 tác phẩm và dựa vào tiêu chí nào?

Dự thảo Chương trình Ngữ văn mới đã nêu lên các tiêu chí và yêu cầu lựa chọn văn bản nói chung, chẳng hạn:

- Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.

- Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh ở từng lớp/cấp học; giúp học sinh có hứng thú đọc văn.

- Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ.

- Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc như tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia, tính nhân văn, lòng nhân ái, khoan dung,… và những giá trị phổ quát của nhân loại.

Riêng 6 văn bản bắt buộc, ngoài các tiêu chí trên còn phải đáp ứng được một số yêu cầu sau: trước hết, đó là những văn bản- tác phẩm có vị trí và tầm quan trọng bậc nhất về tư tưởng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và giá trị nhân văn.

Có thể thấy điểm chung xuyên suốt các tác phẩm bắt buộc gồm Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình ngô Đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Tuyên ngôn Độc lập, là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ và tính nhân văn. Đó cũng là những áng văn tiêu biểu cho hình thức các thể loại, mang nhiều giá trị đặc sắc của lịch sử văn học dân tộc; tư tưởng của các tác phẩm này vẫn có ảnh hưởng sâu sắc và hiện vẫn truyền được cảm hứng cho giới trẻ. Thứ hai là dù theo định hướng mở nhưng vẫn cần có những yêu cầu bắt buộc về học vấn cốt lõi, trong đó có hiểu biết về một số tác phẩm học sinh phổ thông không thể không biết như trên đã nêu. Có thể nói khó chấp nhận một học sinh tốt nghiệp phổ thông, có bằng tú tài mà lại không có những hiểu biết về 6 tác phẩm ấy. Thứ ba là kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành. Chương trình-SGK hiện hành cũng lựa chọn 9 tác gia lớn để dạy. 6 tác phẩm được chọn cho chương trình mới thì phần lớn đã thuộc 9 tác gia ấy. Đây cũng là 6 văn bản luôn có mặt trong tất cả các lần đổi mới chương trình Ngữ văn từ trước tới nay.

Trong nền văn học dân tộc có rất nhiều tác phẩm văn học khác cũng có giá trị nhân văn, có tính giáo dục cao; nhưng như tôi nói ở trên, 6 tác phẩm này có những giá trị và vị trí đặc biệt mà các tác phẩm khác khó cùng loại. Cứ thử nêu thêm một tác phẩm nào đó cùng loại với 6 tác phẩm này sẽ thấy rất khó. Hơn nữa nếu đưa thêm sẽ mở ra hàng loạt các tác phẩm khác tương tự, tương đương và sẽ kéo theo số lượng rất nhiều, khó có thực hiện được định hướng mở của chương trình đã xác định.

Trong khi đó, chúng ta không thể chọn một tác phẩm tương đương về ví trí và ý nghĩa với Đại cáo bình Ngô, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn độc lập… để dùng cho các lựa chọn khác nhau vì đó là các tác phẩm đặc biệt, có một không hai. Nhưng với nhiều tác phẩm có giá trị khác thì có thể lựa chọn, có thể thay thế. Phần lớn tác tác phẩm như thế, chúng tôi dành quyền cho tác giả viết SGK và giáo viên, học sinh tự lựa chọn. Ví dụ để đáp ứng yêu cầu cần dạy cho học sinh biết đọc hiểu và tiếp nhận truyện cổ tích Việt Nam chẳng hạn thì có thể chọn Thạch Sanh hoặc Em bé thông minh, hoặc Cây khế, hoặc Sọ Dừa… không nhất thiết bắt buộc chỉ dạy mỗi Tấm Cám. Cũng như vậy ở giai đoạn văn học 1930 - 1945, có nhiều nhà văn, nhiều tác phẩm có giá trị, chương trình chỉ nêu gợi ý, còn việc chọn tác phẩm của Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao, Ngô Tất Tố hay Thạch Lam....thì dành quyền cho tác giả viết sách và người thực hiện dạy học lựa chọn, miễn là các văn bản- tác phẩm được chọn phải đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu mà chương trình đã nêu lên.

Có người băn khoăn, trong 6 tác phẩm ấy thì phần lớn đã thuộc về đề tài yêu nước và mang cảm hứng sử thi… “Vậy học sinh tìm đâu cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự, tìm đâu con người cá nhân với cả vẻ đẹp, góc tối khuất và những nỗi đau?”. Chúng tôi thấy, nếu chương trình chỉ học mỗi 6 tác phẩm này thì đúng đây là một điểm cần băn khoăn. Nhưng như đã nói với hơn 4000 giờ Ngữ văn, SGK và giáo viên sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp rất nhiều lần 6 tác phẩm này, vì thế không thiếu những tác phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu đời thường ấy, cái yêu cầu mà chỉ có ở văn học Việt Nam sau 1986. Ngoài ra cần khẳng định cảm hứng yêu nước là cảm hứng chủ đạo, đáng được đề cao. Yêu nước, đánh giặc cũng là biểu hiện của nhân nghĩa, nhân văn “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” như Nguyễn Trãi đã khẳng định. Vả lại đó chính là thực tiễn lịch sử và thành tựu văn học nước ta.

Lí do vì sao lại chỉ bắt buộc có 6 tác phẩm đã nêu là thế. Tất nhiên đây cũng chỉ mới là dự thảo. Chương trình còn đăng tải, xin ý kiến của công luận và sau đó phải được Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét, chấp nhận thì mới được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chính thức để thực hiện. Về các tác phẩm bắt buộc, chúng tôi rất mong bạn đọc suy nghĩ, góp ý, đề xuất thêm bớt các tác phẩm cụ thể cùng với lý do có sức thuyết phục để giúp ban soạn thảo hoàn thiện được chương trình Ngữ văn trong thời gian tới.

Hà Nội, 13-01-2018

PGS Đỗ Ngọc Thống

Chương trình môn học phổ thông: Những thông tin mới nhất

Chương trình môn học phổ thông: Những thông tin mới nhất

VietNamNet giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo chương trình các môn học phổ thông mới đang được Ban Phát triển chương trình (Bộ GD-ĐT) gấp rút hoàn thiện.