Đến thăm và làm việc với ĐH Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tự chủ là lối ra cho đại học Việt Nam và ĐH Huế phải giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm, trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và năng lực hành động…, phải là một trung tâm đổi mới trong sự phát triển giáo dục đại học.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đại học Huế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho rằng ĐH Huế có truyền thống hơn 60 năm là tinh hoa của miền Trung, xứ Huế, là trung tâm đào tạo lớn của khu vực.

Đây cũng chính là một cực tăng trưởng của miền Trung, của Thừa Thiên-Huế.

“ĐH Huế phải đào tạo ra những người không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ sư, bác sĩ bình thường, mà cả văn hóa đúng như xứ Huế giàu truyền thống quý báu của chúng ta”, Thủ tướng lưu ý.

Biểu dương thành tích mà ĐH Huế đạt được thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập, như trong khi số ngành đào tạo khá lớn (119 chuyên ngành đào tạo đại học, 81 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 52 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ) thì tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp chưa cao. Một số ngành như sư phạm, nông lâm, giáo dục thể chất, tỉ lệ việc làm còn rất thấp. Số bài báo trên các tạp chí quốc tế tăng lên, là một trong 5 trường đại học lớn của Việt Nam đứng thứ 2 về số lượng sinh viên, nhưng định hướng nghiên cứu của ĐH Huế chưa rõ nét. Hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên còn mờ nhạt.

“Tự chủ là lối ra cho đại học Việt Nam nhưng chúng ta còn lúng túng”, Thủ tướng nói. “Mô hình nào để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và đại học có thể phát triển, có thể phục vụ tốt nhất cho giảng dạy, cho sinh viên. Không phải vì những quan hệ sản xuất ràng buộc mà chúng ta làm ảnh hưởng đến sự phát triển của lực lượng sản xuất mà trước hết là con người. Vai trò của Bộ GD-ĐT ở mức độ nào đối với trường và mô hình ĐH Huế như thế nào đối với các trường thành viên? Chứ không phải bao cấp, xin-cho, bị động, cứ thủ tục hành chính suốt, từ đại học thành viên, đến đại học cấp trên, đại học khu vực rồi lại xin lên bộ nữa. Cơ chế xin-cho nhiều quá thì không ổn, không phát huy được năng lực con người, nhất là giới trí thức, các giảng viên ở đây”.

{keywords}
Thủ tướng trò chuyện, hỏi thăm các thầy cô giáo của Đại học Huế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Với ý đó, Thủ tướng chia sẻ, “chúng ta không thể thành lập một ban quản lý các công trình, dự án của các trường đại học ở Bộ tại Hà Nội để quản lý tất cả vấn đề đặt ra. Mình phải tự chủ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, có định hướng Nhà nước làm gì, các đơn vị sự nghiệp làm gì”.

Một vấn đề nữa mà Thủ tướng nhất trí với các ý kiến phát biểu của các giảng viên ĐH Huế, là cơ sở vật chất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có khu đô thị đại học xứng tầm và đây cũng chính là mong mỏi của ĐH Huế. “Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này để tìm ra một lối đi”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng định hướng một số vấn đề lớn đối với ĐH Huế như phải quan tâm đồng thời cả trí thức khoa học, phương pháp tự nghiên cứu, các kỹ năng mềm và phải gắn với thực tiễn, giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm, trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và năng lực hành động.

Phải thực sự đào tạo theo nhu cầu xã hội, cả số lượng, chất lượng, cơ cấu, hướng tới các chuẩn mực quốc tế mà khắc phục nhược điểm sinh viên không chỉ tự tìm việc mà tạo lập khởi nghiệp.

Cần tăng cường ứng dụng công nghệ, đổi mới tư duy dạy và học, thay đổi phương pháp cung cấp kiến thức, phát huy chủ động sáng tạo của người học.

Quản trị đại học đang chuyển dịch từ Nhà nước kiểm soát sang giám sát và tự chủ cho cơ sở giáo dục. Tự chủ cho đại học phải mở rộng hơn và thực chất hơn, đó là xu thế quản trị đại học trên thế giới.

Yêu cầu ĐH Huế khắc phục một số việc, Thủ tướng nhấn mạnh: “Các đồng chí không được tự hài lòng, không chủ quan với những gì đã đạt được mà phải tích cực, chủ động hơn trong công việc của mình với tư cách một trường đại học lớn. Các trường thành viên phải mạnh dạn đứng ra tự chủ động về hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chủ động về tài chính, cơ chế, nhân sự, về mọi mặt trong hoạt động của đại học. Tất nhiên, phải có lộ trình, đề án nhưng phải mạnh mẽ”. Huế phải là một trung tâm đổi mới và ĐH Huế cũng phải là một trung tâm đổi mới trong sự phát triển giáo dục đại học.

Các sản phẩm đầu ra của ĐH Huế phải được đo lường thường xuyên và công khai, phải được quốc tế và trong nước công nhận, phải xem mức độ hài lòng của sinh viên đối với môn học, ngành học, giảng viên. Đặc biệt những kiến thức đó phải đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống.

Phải kết nối với các nhà tuyển dụng trong đào tạo, tổ chức các chương trình hướng nghiệp, các mạng lưới sinh viên rộng rãi, kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương…, không phải nhà trường chỉ trong bốn bức tường. Nếu như vậy thì chưa phải thành công của ĐH Huế.

Cần phải chú trọng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tăng nhanh tỉ lệ giảng viên có trình độ cao. Giảng viên ĐH Huế không những là các nhà giáo, nhà khoa học giỏi mà còn là tư vấn, phản biện chính sách giỏi cho Chính phủ. Phải tạo điều kiện cho sinh viên phát huy năng lực bản thân, có lý tưởng, hoài bão.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã giải đáp các kiến nghị của ĐH Huế với tinh thần tạo điều kiện để ngày càng phát triển hơn.

Theo VGP