Giáo sư Stephen Hawking, một trong những nhà khoa học nổi tiếng tại Anh cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển hoàn thiện có thể đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của con người.

Giáo sư Hawking mắc chứng xơ cứng động mạch não khiến ông không thể nói chuyện bình thường. Ông phải giao tiếp thông qua một thiết bị hỗ trợ phát giọng nói và công nghệ dự đoán từ ngữ từ Swiftkey. Lời cảnh báo của ông đến từ câu trả lời cho câu hỏi xoay quanh công nghệ mà ông sử dụng để giao tiếp hàng ngày. Đây chính là hình thức cơ bản của AI.

{keywords}

Giáo sư Hawking đang sử dụng phần mềm mới để nói chuyện

Giáo sư Hawking cho rằng các hình thức sơ khai của trí tuệ nhân tạo phát triển cho đến ngày hôm nay đã chứng tỏ rất hữu ích. Nhưng ông sợ rằng AI sẽ tự tái thiết kế theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Trong khi đó, con người là sinh vật bị giới hạn bởi quá trình tiến hóa chậm chạp, sẽ không thể đấu tranh được với AI và sẽ sớm bị “vượt mặt”.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến ít bi quan hơn. Rollo Carpenter, nhà sáng lập ra trang Cleverbot (ứng dụng sử dụng thuật toán AI để trò chuyện với con người) cho rằng: "Tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể kiểm soát sự phát triển AI trong một thời gian dài và rất có thể trong tương lai AI sẽ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề trên thế giới”.

Cũng theo ông Carpenter, con người cần một khoảng thời gian dài để có được sức mạnh tính toán và phát triển các thuật toán cần thiết để đạt được trí tuệ nhân tạo đầy đủ. Tuy nhiên ông tin tưởng rằng nó sẽ xuất hiện trong vài thập kỷ tới. Chúng ta không thể biết được chúng ta sẽ được AI giúp đỡ vô hạn hay bị qua mặt. Nhưng với Carpenter, AI vẫn là một động lực tích cực.

Giáo sư Hawking không phải là người duy nhất lo sợ cho tương lai. Có nhiều lo ngại rằng các máy móc thông minh có khả năng thực hiện nhiệm vụ như con người, nhanh chóng tiêu diệt hàng triệu việc làm. Về lâu dài, doanh nhân công nghệ Elon Musk cảnh báo rằng AI là "mối đe doạ lớn nhất hiện nay của chúng ta".

Ngoài lời cảnh báo về sự phát triển của AI thì giáo sư Hawking cũng chia sẻ tầm nhìn của ông về lợi ích và hiểm họa của internet. Ông cho rằng các công ty mạng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chống lại các mối đe dọa khủng bố an ninh mạng nhưng vừa phải đảm bảo cho người dùng không bị mất tự do và tính bảo mật cá nhân. 

Ông trích lời giám đốc cảnh báo của Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) về việc mạng lưới trở thành trung tâm chỉ huy cho những kẻ khủng bố: "Nhiều công ty internet phải làm nhiều hơn để chống lại mối đe dọa, nhưng khó khăn là làm được điều này mà không phải hy sinh tự do và riêng tư".

Thúy Nga (Theo BBC)