- Hội thảo "Phát triển năng lực sáng tạo và cơ hội cho các ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp" diễn ra sáng ngày 11/8 tại Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) với mục tiêu giúp các nhà giáo dục hiểu rõ hơn về sáng tạo, phát triển năng lực sáng tạo cho người học.

Trong bài trình bày về chủ đề “Chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã trích dẫn “danh sách 10 kỹ năng quan trọng” từ báo cáo Tương lai nghề nghiệp của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WFE).

{keywords}
Bảng so sánh 10 kỹ năng quan trọng của năm 2015 và năm 2020. Nguồn: WEF

Theo danh sách này, 10 kỹ năng quan trọng nhất của năm 2015 sẽ thay đổi đáng kể vào năm 2020.

Những kỹ năng thay đổi nhiều nhất là sáng tạo, đàm phán và lắng nghe tích cực. 

Trong khi đàm phán và tính linh hoạt nằm ở vị trí cao trong danh sách các kỹ năng cho năm 2015 thì đến năm 2020, các kỹ năng này giảm trong top 10 kỹ năng. 

Lý do đưa ra là vì máy móc sẽ sử dụng một khối lượng lớn dữ liệu và bắt đầu thực hiện việc ra quyết định cho con người.

Tương tự như vậy, lắng nghe tích cực được coi là một kỹ năng cốt lõi hiện nay, sẽ biến mất hoàn toàn khỏi 10 kỹ năng. 

Kỹ năng cảm xúc trí tuệ đang không có trong top 10 kỹ năng này, sẽ trở thành một trong những kỹ năng hàng đầu cần thiết cho tất cả mọi người.

Nhìn chung, theo WFE 2016, các kỹ năng xã hội như thuyết phục, trí tuệ cảm xúc và dạy lại người khác, sẽ có nhu cầu cao hơn trong tất cả các ngành công nghiệp thay vì các kỹ năng kỹ thuật hẹp như lập trình hoặc điều hành thiết bị và kiểm soát. 

Về bản chất, kỹ năng kỹ thuật cần phải được bổ sung các kỹ năng xã hội và hợp tác mạnh mẽ.

{keywords}

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội

Người lao động muốn thành công và bền vững hơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ cần phải là những người sáng tạo, người có tư duy phê phán và là những người có thể giải quyết các vấn đề phức tạp và có trí tuệ cảm xúc cao.

Do đó, các yêu cầu mới về kỹ năng của nguồn nhân lực đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi hệ thống giáo dục, trong đó khả năng tự học của mỗi người phải là yếu tố then chốt.

“Các học giả của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016 và 2017 khuyến nghị, hệ thống giáo dục phải chuẩn bị lực lượng lao động di chuyển dễ dàng hơn giữa các ngành nghề, chứ không phải đào tạo một ngành nghề cụ thể cho họ và cần tập trung vào phát triển năng lực sáng tạo” - GS.TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định.

Trình bày về các ý tưởng và mô hình sáng nghiệp, khởi nghiệp, TS. Michael Jackson tới từ Vương quốc Anh, nhà sáng lập Shaping Tomorrow – một dịch vụ phân tích, nghiên cứu và dự báo tầm nhìn xa cho rằng, các tổ chức thành công ngày nay pha trộn giáo dục và sáng tạo trong các sản phẩm và dịch vụ của họ trong sự hợp tác với các bên liên quan.

{keywords}

TS. Michael Jackson - nhà sáng lập Shaping Tomorrow trình bày về các ý tưởng và mô hình sáng nghiệp, khởi nghiệp tại hội thảo

Do đó, mỗi mô hình giáo dục đang trở thành gần như tức thời và chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, trong khi sáng tạo trong tất cả các khía cạnh của tổ chức và sự phân phối là động lực chính của sự thành công trong tương lai.

Phần trình bày của ông làm nổi bật cách thức các tổ chức trên toàn thế giới gia tăng năng lực sáng tạo; giáo dục tổ chức và khách hàng của họ để đạt được thành quả tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.

TS. Jackson cũng giải thích cách mà Shaping Tomorrow xây dựng kế hoạch trở thành một nhà giáo dục ảo và trợ lý cá nhân bằng cách sử dụng robot điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng và thuật toán để cung cấp tầm nhìn chiến lược cho các khách hàng của mình như thế nào.

Trong khi đó, phần chia sẻ của PGS.TS Vlad Glavenu – Trưởng khoa Tâm lý, ĐH Webster Geneva, Đan Mạch tập trung vào việc phân tích lịch sử của quá trình phát triển sáng tạo và khái niệm về sáng tạo cũng như các khái niệm liên quan.

Ông đưa ra 3 dạng sáng tạo thường thấy nhất, bao gồm: Sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo sáng chế (khoa học) và sáng tạo thủ công (cuộc sống hằng ngày).

TS. Glavenu cũng phản ánh một số kỹ thuật được sử dụng để giáo dục sáng tạo, nguồn gốc lịch sử và nhận thức về chúng. Cuối cùng, ông đưa ra khuyến nghị để suy nghĩ lại về sự sáng tạo và giáo dục từ những quan điểm khác nhau.

{keywords}

PGS.TS Vlad Glavenu – Trưởng khoa Tâm lý, ĐH Webster Geneva, Đan Mạch là tác giả của hơn 100 bài báo và cuốn sách về lĩnh vực tâm lý văn hóa của sự sáng tạo.

GS.TS Hoisoo Kim, Khoa giáo dục, giám đốc Trung tâm giáo dục suốt đời, ĐH Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc cho rằng, người ta thường chú ý vào phát triển năng lực sáng tạo cá nhân nhưng ngày nay sáng tạo diễn ra nhờ có sự hợp tác, có các mạng lưới tương tác giữa con người với các thiết bị (yếu tố con người và phi con người). Và các thiết bị (như các loại công cụ ICT, các công cụ sáng tạo) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm sáng tạo và phát triển năng lực sáng tạo cá nhân và sáng tạo tập thể.

TS Trần Thị Bích Liễu (Trường ĐH Giáo dục) chia sẻ: "Những người thực sự quan tâm đến đến khoa học và đến những vấn đề mới của giáo dục đã ngồi đến tận cuối buổi dù rất muộn. Một số thì ra về với cuốn kỉ yếu dày 920 trang trong tay về rất nhiều vấn đề mới, thông tin mới mà họ quan tâm.

Những cách hiểu mới về mạng lưới cho sáng tạo, và hệ sinh thái trong trường phổ thông, trường ĐH khi kết nối nhà trường, các start up với các nhà nghiên cứu... hay những phần mềm và cách để HS là người sáng tạo khi sử dụng các phần mềm vi tính, mô hình đại học thông minh lấy trọng tâm khởi nghiệp, sáng tạo, phát minh làm mục tiêu phát triển...đã được đặt ra.

  • Nguyễn Thảo