- Sửa đổi để tháo gỡ điểm nghẽn của Luật Giáo dục Đại học hiện hành là cần thiết. Nhưng những bất cập như nhiều trường đại học kém chất lượng không phải do bất cập của luật mà từ những người thực thi. Vì vậy, nếu chỉ tập trung sửa luật mà không quan tâm tổ chức bộ máy quản lý, bố trí con người có tầm, có tâm thì chất lượng giáo dục đại học sẽ khó cải thiện.

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu ý kiến tại hội thảo góp ý cho dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều ngày 13/4.

Ông Lịch cho rằng Luật Giáo dục ĐH hiện hành có ba điểm “nghẽn” cần phải được mở “nút thắt” là tự chủ đại học và quản trị đại học, quản lý đào tạo, quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học trong điều kiện tự chủ đại học.

Dự án Luật Giáo dục đại học đã đề nghị sửa đổi 39/73 điều, ngoài ra bổ sung thêm 2 điều mới như vậy không thể gọi là “sửa đổi một số điều” mà thực chất là “Luật Giáo dục ĐH sửa đổi”. Tuy nhiên, do sửa ở cả chỗ không cần thiết nên lại càng rối.

{keywords}
Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Dẫn chứng về điều này ông Lịch cho rằng, “xuyên suốt 9 Khoản của Điều 12 đều nói chung chung mà không có nội dung cụ thể nào. Ngay cả Khoản 3 nói về cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận cũng không biết sẽ có chính sách gì áp dụng”.

Theo ông Lịch, hiện nay trường ĐH nào cũng “khoái” dùng “University”, điều này thật “ngược đời” trong khi ở nước ngoài họ dùng “College”. Thêm nữa các trường ĐH của Việt Nam nói “trường” ĐH thì sợ yếu mà phải “đại học” này, “đại học” kia.

Ông Lịch cho rằng, việc sửa đổi để tháo gỡ những điểm nghẽn của Luật Giáo dục ĐH hiện hành là cần thiết. Nhưng đang có những bất cập về chất lượng đào tạo, sự cho ra đời quá nhiều trường đại học kém chất lượng, thương mại hóa giáo dục không phải nguyên nhân từ sự bất cập của luật mà từ những người thực thi. Vì vậy, nếu chỉ tập trung sửa luật mà không quan tâm tổ chức bộ máy quản lý, bố trí con người có tầm, có tâm giáo dục đại học sẽ khó cải thiện.

“Thứ nhất, Quốc hội chỉ đạo sắp xếp lại tất cả các ĐH và học viện thuộc các Bộ. Bỏ cơ chế Bộ nào cũng có đại học trừ Bộ Quốc phòng”. Thứ hai, hiện nay toàn hệ thống giáo dục đại học đang bị bị chia cắt nghiêm trọng và không tránh khỏi lợi ích cục bộ theo từng mảng. Vì vậy, phải tổ chức lại 2 bộ thành Bộ Giáo dục - Đào tạo nghề và Bộ Đại học - Khoa học Công nghệ”- ông Lịch đưa ra hai phương án.

Ông Lịch cho rằng nếu làm được như vậy thì đây  là khâu đột phá trong quản lý phát triển nguồn nhân lực và gắn đại học với nghiên cứu khoa học.

Tăng tự chủ, tăng học phí

Trong khi đó đóng góp ý kiến của mình GS Phạm Phụ cho rằng Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đang thiếu hẳn các điều khoản về tài chính, cụ thể là các điều luật về suất đầu tư cho sinh viên. Theo GS Phụ, hiện nay bình quân chi phí đầu tư cho sinh viên ở nước ta quá thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/sinh viên/năm, điều này dẫn tới chất lượng đào tạo giáo dục thấp và xuất hiện “tỵ nạn giáo dục”. Vì vậy nâng suất đầu tư này lên 2.100 USD/sinhviên/năm mới đảm bảo cho chất lượng. Muốn như vậy phải thực hiện nguyên tắc người học và gia đình chủ yếu gánh chịu chi phí ở giáo dục đại học.

{keywords}
GS Phạm Phụ

“Nhà nước đã dành cho giáo dục 20% ngân sách do vậy không thể tăng ngân sách nữa. Do vậy cần bổ sung điều luật từng bước tăng học phí để đến năm 2025 chi phí người học phải gánh chịu trong chi phí đầu tư cho sinh viên lên 55%. Như vậy, câu hỏi tiếp là sinh viên nghèo thì làm sao, thì bắt buộc phải có quỹ cho vay vốn. Riêng sinh viên sư phạm, Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể cân đối giữa cung và cầu. Ngoài ra cũng cần thực hiện mở rộng đại học tư thục lên 40-60% sinh viên như vậy ngân sách sẽ dồn cho ĐH công lập”- giáo sư Phụ nói.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Phát, ĐHQG TP.HCM cho rằng cần có thêm cam kết của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học bằng những cam kết đầu tư. Ngoài ra Điều 16 về Hội đồng trường phải làm rõ quy định thành viên nào đại diện quyền sở hữu Nhà nước.

“Vì trường đại học công lập do Nhà nước lập ra, thuộc sở hữu của Nhà nước, bây giờ lớn lên tự chủ thì ai là đại diện cho quyền sở hữu của Nhà nước. Nếu không làm rõ thì khó xác định giá trị của đại học công lập và tài sản của Nhà nước trong đại học công lập”- ông Phát đề xuất.

Còn ông Trần Quốc Tú, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng “đại học quốc gia” thực chất là một trường ĐH đa lĩnh vực vì vậy việc sử dụng thuật ngữ này cần phải chỉnh lại cho phù hợp thành “đại học tổng hợp” hoặc “đại học liên ngành”.

Bà Đoàn Phương Diệp, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM thắc mắc “khá bất ngờ” khi Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa công bố mới đây đã biến mất quy định về cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận.

“Hiện nay vấn đề này đang gây tranh cãi mà lại “mất tiêu” quy định thì những trường đã đặt ra theo hướng như vâỵ phải làm sao. Phải chăng chúng ta đang né tránh vấn đề này”- bà Diệp nêu ý kiến.

Lê Huyền