Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Trần Văn Tùng chia sẻ tại Hội thảo khoa học liên kết vùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra chiều 03/11 tại Thái Nguyên. 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong năm 2017, hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã có sự phát triển lớn mạnh. Đã có những tín hiệu đáng vui mừng từ các trường đại học, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp trong khởi nghiệp… 

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KHCN phát biểu tại hội thảo.

Việc sinh viên đang dần trang bị cho mình tinh thần khởi nghiệp thực sự là điều quan trọng đối với sinh viên, nhất là đối với sinh viên khối trường đại học kỹ thuật, thương mại, pháp lý… để sau khi ra trường, các em có thể tự tin lập nghiệp bằng kiến thức và trí tuệ của mình”, ông Trần Văn Tùng cho hay. 

Theo ông Tùng, sinh viên hiện nay có nhiều ý tưởng tốt, nhưng chưa biết cách lập nghiệp bằng năng lực của mình. Được sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ KHCN phối hợp với các Bộ, ngành mong muốn hỗ trợ cho sinh viên lập nghiệp, khởi nghiệp bằng ý tưởng của mình. 

Còn ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động để tinh thần khởi nghiệp có sức lan tỏa rộng rãi. 

Hiện tại, Sở KHCN Thái Nguyên, các ngành chức năng của tỉnh đang nghiên cứu xây dựng chính sách và triển khai các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp hỗ trợ ươm tạo và thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 

Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã xúc tiến một số hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên như “Diễn đàn thắp lửa và kết nối khởi nghiệp”, tổ chức Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên,… 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên chia sẻ, kinh nghiệm cho thấy nước nào có hoạt động khởi nghiệp mạnh thì kinh tế xã hội phát triển mạnh. Chính vì vậy, nhà trường đã nhận thức được rằng muốn phát triển kinh tế xã hội tốt thì phải khởi nghiệp tốt, phải đẩy mạnh kết nối giữa đào tạo và nghiên cứu. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu tại hội thảo.

Trường đại học có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nếu như sinh viên thực sự tham gia vào khởi nghiệp thì sẽ năng động học tập, có hoài bão, có kỹ năng, khi ra trường sẵn sàng khởi nghiệp, nuôi dưỡng bản thân làm giàu cho gia đình và xã hội”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Nói về tiềm năng khởi nghiệp tại Trường Đại học Nông Lâm, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết hiện nay trường có nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 14.000 sinh viên, 500 cán bộ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, hơn 33.000 cựu sinh viên. Trường là một trong những đơn vị tiêu biểu có nhiều sản phẩm, hoạt động, phục vụ cho khởi nghiệp và đã chuyển giao cho một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Để đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị các sở, ngành chức năng, các địa phương; các cơ sở đào tạo, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức đại diện doanh nghiệp bằng những chương trình, kế hoạch và những việc làm cụ thể, thiết thực để hỗ trợ tích cực cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững.

Thu Hiền