- Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn sách giáo khoa (SGK) cũng như tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK để lấy ý kiến.

Cân nhắc lùi thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới

Cân nhắc lùi thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc, có thể kiến nghị điều chỉnh thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới

Theo đó, nguyên tắc biên soạn SGK mới sẽ thực hiện theo chủ trương một chương trình, nhiều SGK, khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn SGK.

Tuy nhiên, SGK mới cũng phải quán triệt đường lối quan điểm của Đảng và tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT).

Cụ thể, SGK mới sẽ phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn từ điều kiện tiên quyết, thể hiện mục tiêu, nội dung, cấu trúc cho tới hình thức trình bày với tất cả 19 tiêu chí khác nhau.

{keywords}
Sách giáo khoa mới sẽ phải đảm bảo 5 tiêu chuẩn với 19 tiêu chí khác nhau.

Dự thảo thông tư cũng nêu rõ, cá nhân biên soạn SGK phải là những nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia am hiểu về GDPT đồng thời có phẩm chất, đạo đức tư tưởng tốt và có trình độ đại học trở lên.

Các tổ chức biên soạn SGK phải là các nhà xuất bản và tổ chức xã hội nghề nghiệp có đội ngũ tác giả đáp ứng các tiêu chuẩn đã nêu trên với cá nhân.

Muốn thẩm định SGK phải thông qua nhà xuất bản

Dự thảo thông tư mới cũng quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định SGK mới.

Theo đó, Hội đồng thẩm định SGK có ít nhất là 7 người, trong đó ít nhất 1/3 tổng số phải là giáo viên dạy tại các cơ sở GDPT. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập hội đồng thẩm định.

Mỗi hội đồng thẩm định có nhiệm vụ thẩm định toàn bộ các bộ sách giáo khoa, sách giáo khoa của một môn học của các lớp ở một cấp học.

Thành viên hội đồng thẩm định phải là người đã tham gia xây dựng chương trình hoặc biên soạn SGK (nhưng không phải SGK được thẩm định); hoặc có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy ở cơ sở giáo dục phổ thông; hoặc có đóng góp khác liên quan đến xây dựng, thực hiện chương trình, sách giáo khoa.

Dự thảo cũng quy định rõ, đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa là các nhà xuất bản được thành lập theo quy định của Luật Xuất bản. 

Trong đó việc biên soạn sách giáo khoa phải được ghi trong giấy phép thành lập của nhà xuất bản.

Việc đề nghị thẩm định sách giáo khoa của tổ chức, cá nhân phải thông qua các nhà xuất bản đảm bảo các tiêu chí nêu trên.

Đơn vị chủ trì tổ chức thẩm định SGK là Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Tiểu học.

Theo đó, 2 vụ này có nhiệm vụ đề xuất thành viên hội đồng thẩm định cũng như tiếp nhận hồ sơ và các đề xuất, kiến nghị của hội đồng để trình lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét quyết định việc phê duyệt cho phép sử dụng SGK.

SGK được thẩm định sẽ được xếp vào 3 loại: Đạt, Chưa đạt và Đạt nhưng cần sửa chữa.

Đối với những trường hợp không giải quyết được trong việc thẩm định SGK, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ là người quyết định cuối cùng.

Thời gian lấy ý kiến của dự thảo sẽ kéo dài tới 21/8.

Xem toàn văn dự thảo quy định tại đây.

Lê Văn