Ngân hàng Thế giới vừa công bố kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của mô hình trường học mới (VNEN). Có khá nhiều con số đáng phải chú ý.

Điểm số bằng hoặt tốt hơn học sinh thường

Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố, việc áp dụng VNEN có tác động nhất định đến cả năng lực nhận thức và phi nhận thức của học sinh. Mức độ tác động trung bình đối với môn Tiếng Việt là 0.16, môn Toán là 0.18 và với kỹ năng phi nhận thức là 0.41.

Đối với kỹ năng phi nhận thức, những học sinh tham gia VNEN cũng được cải thiện xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ. Những kỹ năng này bao gồm chịu trách nhiệm về đồ dùng cá nhân của mình, quản thời gian và giữ lời hứa.

{keywords}
Mức độ tác động của VNEN đến kỹ năng nhận thức và phi nhận thức của học sinh

Học sinh VNEN cũng có lợi thế trong kỹ năng xã hội, bao gồm sự tự tin, bảo vệ quan điểm của mình, chia sẻ/quan tâm tới anh chị em/bạn bè, quan hệ tốt với trẻ khác

Học sinh VNEN có phát triển hơn về mặt giá trị đạo đức, bao gồm nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của những người khác, tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè trong các hoạt động trên lớp.

Học sinh của VNEN cũng được cải thiện khả năng giao tiếp và tính sáng tạo của học sinh, bao gồm năng lực tạo ra những tác phẩm mỹ thuật và thủ công và thể hiện ý kiến của mình một cách rõ ràng.

Số liệu cũng thể hiện rằng việc phát triển kỹ năng phi nhận thức không ảnh hưởng tiêu cực tới kỹ năng nhận thức của học sinh VNEN. Học sinh VNEN có kết quả học tập bằng hoặc tốt hơn trong các bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt theo mức độ chuẩn. Tuy vậy, từ lớp 3 tới lớp 4 và tới lớp 5, không có sự cách biệt lớn giữa hai nhóm.

85% cha mẹ ủng hộ khi biết về VNEN

Kết quả của nghiên cứu cũng cung cấp những con số thú vị về sự hiểu biết của cha mẹ học sinh cũng như các hiệu trưởng đối với mô hình VNEN.

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, có 71% cha mẹ học sinh các trường nhóm VNEN và 37% cha mẹ học sinh nhóm các trường đối chứng biết về mô hình VNEN.

{keywords}
Tỉ lệ ủng hộ của cha mẹ học sinh đối với VNEN theo khảo sát của nhóm nghiên cứu.

Khảo sát đối với 6.000 cha mẹ học sinh trong tổng số những người đã biết về mô hình VNEN (chiếm khoảng 54% trên tổng số mẫu) thì có tới 85% cha mẹ học sinh bày tỏ quan điểm ủng hộ mô hình VNEN.

Trong đó có 64% bày tỏ quan điểm rất ủng hộ và 21% bày tỏ quan điểm ủng hộ. Số liệu của nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có 6% trong tổng số 6.000 cha mẹ học sinh bày tỏ quan điểm không ủng hộ mô hình này. 9% giữ thái độ trung lập.

Một số liệu khác có liên quan là có tới 75% hiệu trưởng VNEN nhận thức rằng trường học truyền thống cần phải thay đổi. Trong khi đó, nhận thức về việc trường học truyền thống cần được thay đổi giảm (từ 73% xuống 63%) khi khảo sát các hiệu trưởng ở các trường không thuộc VNEN.

"Hiệu trưởng VNEN cho thấy niềm tin vào bản thân của họ ngày càng lớn khi họ được áp dụng thử mô hình" - nghiên cứu viết.

5 triệu USD để tiếp tục nghiên cứu

Thông tin từ WB cho biết, nghiên cứu với sự tài trợ của Quỹ Dubai Care tự xác định là nghiên cứu đánh giá tác động trên diện rộng đầu tiên về VNEN cho thấy việc thực hiện VNEN có mối quan hệ với năng lực nhận thức và phi nhận thức của học sinh như thế nào.

{keywords}
Sai biệt về kỹ năng nhận thức (điểm số) giữa học sinh VNEN và học sinh đối chứng

Nghiên cứu được thực hiện trên số lượng mẫu là 325 trường VNEN đại diện cho cả nước và 325 trường không thuộc VNEN với hàng ngàn học sinh, giáo viên và phụ huynh trong vòng 3 năm (2013-2017).

Phương pháp nghiên cứu cũng được đổi mới. Thay vì việc chỉ so sánh kết quả trước và sau dự án để xác định mức độ thành công/thất bại thì việc so sánh được tiến hành theo cả một quá trình.

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Mekong (MDRI), một trong những đối tác tham gia nghiên cứu, sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá VNEN với sự hỗ trợ từ tổ chức quốc tế RISE (Nghiên cứu về Nâng cao hệ thống giáo dục). Tổ chức này cung cấp kinh phí 5 triệu USD cho Việt Nam để tiếp tục các nghiên cứu.

TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM): Tôi khá thất vọng với bản báo cáo này khi nó hoàn toàn không đề cập đến hiện tượng 9/53 tỉnh/thành đã và đang phản đối dữ dội với VNEN.
Một người trong nhóm nghiên cứu này đã nói rằng những hiện tượng phản đối đó là “outliers” tức các trường hợp ngoại lệ, quá ít và không có ý nghĩa đáng kể. Tôi nghĩ ngược lại, không thể coi 9/53 tỉnh thành là con số quá nhỏ không đáng để ý tới.
Thậm chí, tôi nghĩ việc thu thập dữ liệu và phân tích về những ý kiến phản đối này còn quan trọng hơn gấp ngàn lần so với việc chứng minh rằng VNEN tốt như thế nào. Vì chỉ trên cơ sở hiểu rõ những chỗ vướng mắc và có cách giải quyết nó, chúng ta mới có thể đi tới. Kể cả nếu chúng ta quyết định không đi tới, thì việc phân tích những thất bại đó cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, để không bao giờ có VNEN’ nào khác lặp lại.
Về con số "85% cha mẹ phụ huynh khi biết về VNEN bày tỏ sự ủng hộ", tôi không có điều kiện kiểm chứng nên không thể bình luận về tính đúng sai. Nhưng giả sử những con số đó thực sự đúng, nó cũng có nghĩa là 15% phụ huynh không ủng hộ VNEN. Và chúng ta không thể coi 15% đó như là nó không có.

Lê Văn