- "Ngày nay, không còn quốc gia nào muốn cạnh tranh dựa vào giá trị sức lao động. Không ai muốn muốn mình có lợi thế cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ".

Ông Francis Gurry, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khẳng định như vậy trong buổi nói chuyện với sinh viên (SV) Trường ĐH Ngoại thương sáng 23/3.

Theo ông Gurry, để tối ưu khả năng cạnh tranh, các quốc gia hiện nay phải dựa vào đổi mới sáng tạo.

Những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức… đều coi đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của mình.

Đây cũng là mối quan tâm của những quốc gia muốn thoát khỏi cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”.

{keywords}
Ông Francis Gurry, TGĐ WIPO trong cuộc trao đổi với báo chí Việt Nam. Ảnh: Lê Văn.

Ông Gurry chỉ ra nhiều lợi ích của việc nâng cao đổi mới sáng tạo, từ kinh tế tới xã hội. Đổi mới sáng tạo là một nhân tố đóng góp chính cho sự phát triển và mở rộng nền kinh tế.

Ở cấp độ nhỏ hơn, đổi mới là chìa khóa cho khả năng cạnh tranh, là cách để một doanh nghiệp tự phân biệt mình và tự tìm chỗ đứng trên thương trường.

Đổi mới sáng tạo cũng tạo đà để phát sinh ra nhiều công việc mới, tốt hơn, để giải quyết mọi việc theo những cách khác biệt.

Đây cũng là công cụ để chúng ta giải quyết các vấn đề xã hội mà loài người đang phải đối mặt: biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, bệnh tật…” – ông Gurry cho hay.

Tổng GĐ WIPO cũng cho biết, hàng năm, Mỹ đã tốn 520 tỷ USD để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), vào việc tìm ra những nguồn tri thức mới. Trung Quốc cũng chi tới 400 tỷ USD vào lĩnh vực này mỗi năm.

Điều này đang tạo ra sự khác biệt rất lớn về năng suất lao động cũng như năng lực công nghệ giữa các quốc gia.

Trước câu hỏi làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy cho sự phát triển, ông Gurry khuyên Việt nam gắn đổi mới sáng tạo với các mục tiêu và hoàn cảnh kinh tế của mình.

Tại đất nước của các bạn, khi nông nghiệp còn là ngành quan trọng của ngành kinh tế thì đòi hỏi hiện nay và trong tương lai là tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp” – ông Gurry nói.

Nếu các bạn gắn được đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, năng lực cạnh tranh của nền nông nghiệp thì khi đó các bạn sẽ có được tăng trưởng kinh tế”.

Buổi nói chuyện với SV Ngoại thương của ông Francis Gurry nằm trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Gurry tới Việt Nam từ 21-23/3.

Vào ngày hôm qua, 22/3, ông Gurry đã ký kết Bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ KHCN về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Lê Văn