- Nhiều giáo viên ở tỉnh Bắc Giang chia sẻ bất cập khi hàng tháng phải đành lòng chấp nhận trừ lương để nhận về một số tạp chí từ nhà trường, phòng giáo dục phát xuống. Không tham gia thì không xong, họ tự nguyện trong tâm thế chẳng khác gì bắt buộc.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Phụ Thọ.

Thực tế, các giáo viên cho rằng các tạp chí hỗ trợ cho dạy học không mấy hiệu quả và “cắn răng” mua về chỉ vì không muốn trở thành cá biệt hay không tham gia phong trào của trường.

Chia sẻ với VietNamNet, anh N.T, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Phương số 1 chia sẻ: “Tháng nào mỗi thầy cô cũng nhận 4, 5 quyển tạp chí trên Phòng GD-ĐT gửi về,.. tài liệu thì nhận nhưng sẽ bị trừ tiền vào lương tháng. Mình thấy đọc cũng hữu ích nhưng thiết nghĩ nếu để tặng cho học sinh thì hợp lý hơn. Đằng này giờ bảo giáo viên đăng ký mua như kiểu “nhờ” giáo viên tiêu thụ giúp vậy, bảng lương lại phong phú thêm các khoản trừ”.

Theo anh T, gọi là nhà trường cho đăng ký, nhưng không đăng ký chắc khó mà được. “Nếu để bồi dưỡng cho học sinh thì cần gì phải lấy nhiều vậy, mà giáo viên nào cũng thấy có phần. Ngay cả các thầy cô sắp về hưu bậc lương cao còn không muốn lấy, huống hồ chúng tôi lương bập bẹ vài đồng. Phòng với trường cũng không nói là bắt buộc phải mua mà trên hình thức đăng ký. Nhưng kiểu tự nguyện như thế này thì khó mà chối được”, anh T nói.

Đồng quan điểm, một giáo viên ở Trường Tiểu học Huyền Sơn (Bắc Giang) cho biết, đây là một tiêu chí trong việc tự bồi dưỡng của giáo viên và nhà trường đăng ký với phòng mua các tài liệu đó rồi phân bổ về cho giáo viên.

“Giáo viên không hề đăng ký mà đến tháng, trường tự chia tạp chí cho một số giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trẻ và trừ một khoản tiền vào lương. Tôi thấy việc này không hợp lý cho lắm bởi nhu cầu tự tìm hiểu thì tôi nghĩ giờ đây có rất nhiều cách thức, hình thức mà không chỉ có thể qua những tạp chí này. Chưa kể giáo viên có hẳn sổ tự bồi dưỡng để ghi chép liên quan đến việc bồi dưỡng thường xuyên, nên việc sử dụng các tạp chí này tôi cho không phải là tiêu chí trong việc bồi dưỡng”, giáo viên này chia sẻ.

Giáo viên này nói thêm: “Bản thân mình cảm thấy bất cập và không thoải mái với việc hàng tháng bị trừ đi một khoản trong thu nhập như vậy. Thực ra mình cũng chia sẻ với nhà trường rồi nhưng tiêu chí phòng đưa về nên chắc trường cũng phải làm thôi”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, không chỉ các trường ở huyện Lục Nam mà các trường ở các huyện khác như Hiệp Hòa,... cũng tương tự.

Về việc này, ông Thân Văn Lăng, Hiệu trưởng Trường TH Nghĩa Phương 1 cho biết, giáo viên nào đăng ký thì hàng tháng mới nhận các tạp chí, ai không đăng ký thì không bị trừ vào thu nhập.

“Việc này là do phòng giáo dục có ý kiến để cho các giáo viên đăng ký, mua làm tài liệu bồi dưỡng thường xuyên. Phòng giáo dục yêu cầu trường triển khai đến các giáo viên đăng ký để phòng chuyển tài liệu về, trường triển khai theo đúng tinh thần của phòng coi đó là một tài liệu bồi dưỡng thường xuyên. Nhà trường chỉ phổ biến tuyên truyền còn tùy theo nhu cầu của cán bộ, giáo viên ai có nhu cầu thì đăng ký”, ông Lăng nói.

Ông Đào Văn Sinh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lục Nam cho biết, ai có nhu cầu thì đăng ký chứ phòng cũng không có chỉ đạo yêu cầu các thầy cô phải mua. “Tài liệu tham khảo thì các trường phải mua ở thư viện còn giáo viên ai có nhu cầu thì mới mua. Còn không, ai có nhu cầu vẫn có thể lên thư viện đọc vì tạp chí, báo có đủ. Có thể do giáo viên chưa hiểu thì có phản ánh như vậy. Thông tin thế thôi chứ phòng không có chỉ đạo yêu cầu giáo viên đăng ký mua”, ông Sinh nói.

Qua tìm hiểu của VietNamNet, ở một số tỉnh khác trước đây cũng từng diễn ra câu chuyện này. Tuy nhiên sau khi giáo viên phản ánh đã thay đổi bằng việc các tạp chí đến với học sinh do nhà trường đảm nhận và chịu kinh phí dành cho thư viện.

Phòng không chỉ đạo, trường chỉ tuyên truyền nhưng trong tình thế khó có thể chối từ như vậy, hẳn các giáo viên ở Bắc Giang sẽ phải tiếp nhận trong tâm thế không mấy hài lòng, và việc này sẽ khó mang lại hiệu quả.

Thanh Hùng