Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, hoạt động khởi nghiệp không thể là phong trào vụt lên một lúc rồi lắng đi mà phải liên tục, dài hơi.

Trong 1 năm qua, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đã phối hợp xây dựng và triển khai nhiều chương trình, hoạt động để phát triển hệ sinh thái đổi nghiệp sáng tạo. 

Sau một năm, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ấn tượng. 

Cụ thể, trong năm 2016-2017, hoạt động hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra rất sôi động. 

Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD (Momo - 28 triệu USD, F88 - 10 triệu USD, Got It! - hơn 9 triệu USD, Vntrip.vn - 3 triệu USD, Toong- 1 triệu USD ). 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh tham quan các doanh nghiệp startup tham dự Techfest 2017. 

Mới nhất là doanh nghiệp Foody - mạng xã hội về ẩm thực - đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD, được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại. Những dòng tiền lớn đã và đang chảy vào startup Việt. 

Bên cạnh đó, hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, tăng khoảng 30% so với năm 2016. 

Hiện tại đã có 24 cơ sở ươm tạo (BI), 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA). Nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như “Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam"… 

Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2017 của Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trsi 47/127 nước và nền kinh tế, tăng 12 bậc. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được. 

Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn phía trước vì Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư cho giáo dục khởi nghiệp, cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nguồn của khởi nghiệp còn hạn chế. 

Hành lang pháp lý để hỗ trợ khởi nghiệp cần tiếp tục được hoàn thiện thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nới lỏng thủ tục hành chính, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư. 

Công việc không thể thoái thác 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc lại 10 điều mà ông từng được các doanh nghiệp startup băn khoăn để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và khẳng định, trong 1 năm qua, có những việc chúng ta đã làm rất tốt để tháo gỡ, hỗ trợ cho cộng đồng startup nhưng chỉ mới là bước đầu, cần phải tiếp tục. 

"Nói những điều ấy để chia sẻ rằng, làm sao để khởi nghiệp sáng tạo không trở thành một phong trào một lúc vụt lên rồi lắng đi mà phải liên tục, dài hơi" - ông Đam nói. 

Ông Đam dẫn lại câu nói được cộng đồng công nghệ thông tin nhắc tới nhiều lần: "Đi một mình có thể đi nhanh nhưng đi xa thì không thể độc hành được" để nhấn mạnh rằng, để phong trào khởi nghiệp sáng tạo Việt đi xa, cần có một cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp, cộng đồng các nhà đầu tư, cộng đồng các nhà nghiên cứu lớn mạnh. 

 "Đây chính là điều Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn" - ông Đam nói. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc. 

Theo Phó Thủ tướng, cần phải đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, dù có thể hơi khiên cưỡng nhưng vẫn phải đặt ra để biết mình đã và đang đi tới đâu. 

Phó Thủ tướng cho hay, năm ngoái khi bàn tới việc làm sao để thực hiện lời kêu gọi và cũng là mệnh lệnh của Thủ tướng tới năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là trong 1 triệu DN đó có bao nhiêu DN startup. Có nhiều ý kiến khác nhau, cuối cùng mọi ngưuời đặt ra con số 5.00 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Con số này rất khó vì lúc đó chỉ mới có 1.800 doanh nghiệp". 

Điều đáng mừng là sau mtọ năm, giờ chúng ta có thêm 1.000 doanh nghiệp nữa. Vì vậy, bây giờ một trong những điều cần nhắc là mục tiêu trong 2 năm nữa, cần có thêm 2.000 doanh nghiệp. 

Để làm được điều này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điều cần nhất là phải có tinh thần không được thoái thác vì Việt Nam buộc phải đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, bởi nếu cứ làm như cũ Việt Nam sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình được. 

Thứ hai, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo không phải là việc của riêng Bộ KHCN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hay của riêng Hà Nội, TP.HCM mà tất cả đều phải làm. "Đổi mới sáng tạo thì có cái chung nhưng khi làm thì không cái nào giống cái nào cả, không địa phương nào giống cái nào cả. Quan trọng là tất cả phải làm". 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ, sắp tới đây, đề án Hệ tri thức Việt số hóa sẽ được công bố rộng rãi. Đây sẽ là nơi cung cấp dữ liệu để hình tnàh các ứng dụng mới, các doanh nghiệp startup và các ý tưởng startup mới. "Chính quyền kiến tạo thì ngoài khung pháp lý, hỗ trợ tài chính điều đầu tiên là phải hỗ trợ về dữ liệu. Chính phủ phải làm gương đi trước và sau đó là các doanh nghiệp và cả cộng đồng". 

Ông Đam cũng khuyên các nhà khởi nghiệp trẻ không nên ngần ngại bước vào sân chơi quốc tế đồng thời chào đón tất cả nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà sư phạm đào tạo, cũng như mọi thành phần quốc tế vào Việt Nam, chung tay để hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển mạnh hơn. 

Lê Văn