- GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thay mặt hội đã tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang bức tranh "Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ" nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập hội.

Trong lời cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, bức tranh "Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ" (Tranh vẽ Đại sĩ Trúc Lâm xuất núi) mà hội tặng cho Chủ tịch nước là bức tranh rất đặc biệt.

{keywords}
Một phần bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ khảm bằng xà cừ.

Nội dung bức tranh vẽ lại cảnh mô tả đại cảnh cuộc đón rước Thượng hoàng Trần Nhân Tông rời hành cung Vũ Lâm ở Ninh Bình trở về kinh đô Thăng Long. 

Bức tranh nguyên bản được thực hiện theo lối thư quyển, dài 316cm, rộng 28cm, vẽ tới 82 người: 61 người ở bên phải thuộc đoàn tiếp đón của Vua Trần Anh Tông và các tùy tùng, hộ giá; 21 người bên trái thuộc đoàn của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, trong số đó có đạo sĩ Trung Hoa - Lâm Thời Vũ và năm tăng nhân mà về hình dạng và y phục có thể là người đến từ xứ Tây Trúc (Ấn Độ) cùng các đệ tử của Thượng hoàng và nhóm người khiêng kiệu cho ông.

Theo GS Phan Huy Lê, trước đây người ta tưởng rằng bức tranh này do một họa sĩ nhà Nguyên (Trung Quốc) sáng tác nhưng kết quả nghiên cứu, giám định gần đây khẳng định bức tranh vẽ tại Việt Nam và chỉ có thể vẽ tại Việt Nam do những họa sĩ Việt Nam vẽ.

Bức tranh này sau đó được lưu lạc sang Trung Quốc dưới thời nhà Minh. Sau khi nhà Minh sụp đổ thì lưu lạc ra bên ngoài. Hiện tại, bản gốc của bức tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh của Trung Quốc. Mãi tới năm 2012, khi một công ty đấu giá của Trung Quốc đưa bản phục chế của bức tranh ra đấu giá thì người ta mới biết tới bức tranh này.

"Bức tranh chúng tôi tặng Chủ tịch nước là bức tranh khảm xà cừ rất đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam mà nghệ nhân phải mất 1 năm trời mới làm xong" - GS Phan Huy Lê cho biết.

Tại buổi lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng tặng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với khẳng định chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đẩy mạnh phong trào sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cũng trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Hội Khoa học Lịch sử đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất lần 2. Hai GS Phan Huy Lê và Đinh Xuân Lâm cũng được trao tặng Huân chương Độc lập hạng 3.

Quan niệm về lịch sử đã toàn diện hơn

Trong bài phát biểu tổng kết 50 năm hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê khẳng định trong những thập kỷ gần đây, một quan niệm toàn diện về lịch sử Việt Nam đã được khẳng định.

{keywords}

Hội Khoa học Lịch sử đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất lần thứ 2.

Theo GS Phan Huy Lê, một đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam là phải nhiều lần chống ngoại xâm, hơn nữa phải đương đầu với nhiều đế chế hùng mạnh bậc nhất của phương Đông và một số đế quốc cường thịnh trên thế giới. Những trang sửchống ngoại xâm cần có vị trí xứng đáng trong lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, vùng với lịch sử chống xâm lược, cần coi trọng hơn lịch sử xây dựng đất nước với các thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóá và lịch sử dựng nước luôn là nền tảng trường tồn của dân tộc.

Chính vì vậy, trong nhiều thập kỷ qua, nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đã cung cấp cơ sở khoa học để thực hiện tính toàn diện của lịch sử dân tộc.

Nhiều giai đoạn lịch sử như thời cổ đại, thời Bắc thuộc, một số vương triều quân chủ như nhà Hồ, nhà Mạc, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, nhà Nguyễn, một số nhân vật lịch sử có những khía cạnh tranh cãi như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Mạc đăng Dung, Đào Duy Từ, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Trương Vĩnh Ký, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học… được nhìn nhận đánh giá lại một cách khách quan hơn.

Lịch sử cổ đại Việt Nam đã được nhận thức bao gồm 3 trung tâm văn hóa lớn gắn liền với sự hình thành những nhà nước đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam: nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ở miền Bắc, nhà nước Lâm Ấp ở miền Trung và nhà nước Phù Nam ở miền Nam.

Trong nhận thức trước đây, lịch sử vùng đất Nam Trung Bộ chỉ bắt đầu khi người Việt vào khai phá từ thế kỷ XVI, lịch sử vùng đất Nam Bộ cũng chỉ bắt đầu khi người Việt vào khai phá từ đầu thế kỷ XVII và như thế là để lại một khoảng trống trong mù mịt của lịch sử trước đó.

Kiến thức lịch sử không chỉ dành cho các nhà sử học

Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Trần Đại Quang đánh giá cao những thành tựu mà hội đã làm được trong 50 năm qua.

{keywords}

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Lịch sử.

"Nhận thức về lịch sử dân tộc đã được nâng lên thông qua nhiều kết quả nghiên cứu từ thời tiền sử xa xưa cho tới thời hiện đại với những trang sử cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới hội nhập quốc tế" - Chủ tịch nước nói.

Trong 5 nhiệm vụ Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn Hội Khoa học Lịch sử sẽ thực hiện tốt trong thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng, với tư cách là một môn khoa học, Sử học cung cấp cho mọi người kiến thức về cội nguồn dân tộc, về công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước với tất cả thăng trầm của lịch sử, về các giá trị lịch sử văn hóa mà tổ tiên đã áng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ.

Do đó, Hội Khoa học Lịch sử cần phải cần chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống dân tộc để mọi người đều có nhận thức đúng là kiến thức lịch sử không chỉ dành cho các nhà sử học và những người muốn trở thành các nhà sử học mà cần thiết cho mọi người, mọi giới bao gồm cả các nhà quản lý.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT nâng cao chất lượng đào tạo môn Lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ.

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng cho rằng, Hội Khoa học Lịch sử cũng cần huy động trí tuệ của giới sử học và hoàn thành với chất lượng cao nhất nhiệm vụ nghiên cứu biên soạn bộ quốc sử Việt Nam. Đây sẽ là một cống hiến to lớn của giới sử học với đất nước.

Cuối cùng, Chủ tịch nước mong muốn Hội làm tốt công tác tổng kết thực tiễn lịch sử, chức năng tư vấn phản biện xã hội cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.

Lê Văn