- Cần cải thiện lương bổng cho giảng viên và nâng chất lượng giáo sư đủ sức hợp tác với nước ngoài, là 2 trong số 5 đề xuất mà tiến sĩ Trần Công Quý Miyata (Nhật Bản) đề xuất để nâng cao vị thế đại học Việt Nam trong khu vực.

Thấy gì từ sự kiện 2 đại học Việt Nam lọt top 1.000 thế giới?

Thấy gì từ sự kiện 2 đại học Việt Nam lọt top 1.000 thế giới?

ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm 701-750, còn ĐHQG Hà Nội thuộc nhóm 801-1.000. Kết quả này được giới làm giáo dục đại học đón nhận với những tâm thế khác nhau.

Trước hết, tôi xin chúc mừng 2 ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội về kết quả xếp hạng trong bảng QS top Universities Ranking 2019.

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để có thể nâng cấp các đại học ở Việt Nam lên tầm quốc tế, trước hết là ngang hang trong khu vực, và có thể cao hơn trong tương lai?

Theo tôi, hoạt động đại học của các nước tiến bộ được quyết định bởi những yếu tố sau đây:

[1] Về Ngân quỹ:

Cần phải có ngân quỹ chung cho cả đại học (dưới hình thức Research Centers) và ngân quỹ riêng cho các giáo sư; ngân quỹ chung dùng để xây dựng các nơi làm nghiên cứu chung cho toàn trường và ngân quỹ riêng dành cho hoạt động khoa học của các giáo sư và sinh viên của họ như tham gia các hội nghị quốc tế, chi phí đăng báo. 

[2] Về việc nghiên cứu và chất lượng của đội ngũ giảng dạy

Thành quả nghiên cứu của các giáo sư (phát biểu ở các hôi nghị quốc tế chủ yếu như Gordon Research Conferences) (1).

Ở những hội nghị quốc tế chủ yếu này, người tham gia sẽ có dịp gặp và thảo luận với những nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới trong vòng một tuần lễ về những nghiên cứu mới chưa phát biểu trên các tạp chí khoa học. Chính những người này sẽ review (xem xét và quyết định) các bài báo gửi đăng ở những tạp chí có tiếng trên thế giới như Science hay Nature.  Muốn tham dự, phải gởi đơn xin (xem https://www.grc.org/).

 [3] Việc giáo dục ở đại học:

Các sinh viên phải được hướng dẫn hiệu quả về phương pháp nghiên cứu và cách viết các bài báo quốc tế. Có những giáo sư ở Mỹ đăng trên báo quốc tế về “Phương pháp viết bài báo khoa học” cho các sinh viên của mình và các sinh viên khác trên thế giới [thí dụ: G. M Whitesides: “Whitesides’ group: Writing a Paper”, Advanced Materials, Vol. 16, pp.1375-1377 (2004)].

Vì thế, người thầy cần phải có, và trải qua các kinh nghiệm này trước khi trở thành một giảng viên ở đại học, để có thể hướng dẫn  sinh viên theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc tuyển chọn đội ngũ giảng dạy và làm nghiên cứu là vấn đề rất quan trọng cho tương lai của một đại học. 

[3] Hỗ trợ khả năng nghiên cứu của các sinh viên cao học/nghiên cứu sinh:

Cần nhiều người có khả năng và có tâm huyết đối với nghiên cứu. Cách đào tạo nhanh nhất là gửi các sinh viên/nghiên cứu sinh có khả năng và tâm huyết đến các đại học ở nước ngoài  - nơi có thành tích nghiên cứu xuất sắc.

Trong thời gian ngắn hạn này, ngôn ngữ cần để giao tiếp và học hỏi là điều chính yếu, do đó việc dạy ngoại ngữ cho sinh viên ngay sau khi vào học ở đại học từ năm thứ nhất sẽ rất quan trọng.

Mặt khác, để tìm ra nơi huấn luyện cho các sinh viên cao học, giáo sư phải là người có kinh nghiệm làm nghiên cứu nhiều năm ở nước ngoài, phải có thành tích nghiên cứu rõ ràng và có giao lưu với các giáo sư ở nước ngoài.

Nếu muốn hội nhập với nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, các giáo sư lúc nào cũng cần có cầu nối với các đại học trên thế giới.

Để giữ bản quyền của các thành quả của các nghiên cứu mới, có một vấn đề rất quan trọng khác là phải phân biệt “hợp tác nghiên cứu” và “phụ giúp nghiên cứu” với các trường ở nước ngoài. 

Nếu “hơp tác” thì phải cùng giữ “quyền đại diện” (corresponding authorship, người chịu trách nhiệm vể nội dung của bài báo) cho các bài đăng ở các báo quốc tế. Thường tên của những người corresponding authors này được đánh dấu với một dấu hiệu đặc biệt (thường là một ngôi sao (*). Người này hay nhóm (đại học) của người này sẽ đại diện cho kết quả nghiên cứu trình bày trong bài báo. Thành quả nghiên cứu này sẽ thuộc vào đại học của người có tên mang ngôi sao (corresponding author *).

 [4] Nguồn thông tin về khoa học:

Muốn làm khoa học ở tầm vóc quốc tế, thông tin mới nhất về các nghiên cứu cần phải có và được các thành viên giảng dạy hiểu và biết rõ, vì để đăng các bài báo ở Nature hay là Science, trong phần “introduction” của bài báo, tác giả cần phải phân tích hiện trạng của đề tài mình nghiên cứu và phải nêu lý do là tại sao cần phải làm nghiên cứu này, nó quan trọng như thế nào.  Nếu không có đầy đủ thông tin để thuyết phục các biên tập viên của các báo này, thì bài báo sẽ bị gửi trả lại mà không cần phải gửi đến các Reviewers (người duyệt xét bài báo) để xem nội dung của bài báo có hợp với tạp chí hay không. Những việc này được giảng dạy ở các đai học của Mỹ và đã thành sách giáo khoa cho sinh viên [T. N. Huckin, L.A. Olsen, “English ifor Science & Technology for Non-native Speakers, 1st Ed., McGraw-Hill, (1983)].

[5] Về vấn đề lương bổng của thành viên giảng dạy ở đại học

Muốn được yên tâm để tập trung vào việc giảng dạy và nghiên cứu, tôi nghĩ là các thành viên đang làm nghiên cứu và giảng dạy ở đai học Việt Nam cần lương cao hơn vì lương hàng tháng không đủ để nuôi gia đình. Để bù đắp thiếu hụt, các thành viên phải đi làm việc ở ngoài đại học. Việc này làm mất đi nhiều thì giờ nghiên cứu và sẽ đưa đến kết quả không tốt. Cải thiện lương bổng cho những người giảng dạỵ và làm nghiên cứu ở đại học là một điều cần thiết để duy trì hoạt động tích cực của họ trong việc phát triển đại học.

Sau cùng, là ở thế giới có rất nhiều cạnh tranh, chúng ta cần phải có thành quả đặc thù trong các lĩnh vực nghiên cứu để vượt trội những quốc gia khác. Tôi cũng mong là trong những năm tới đây, đại học Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp hơn khi so sánh với các nước lân cận và cả các nước trên thế giới.

Qui Tran-Cong-Miyata, D. Eng, GS danh dự, Viện Công nghệ Kyoto, Nhật Bản

*******************

(1) Chương trình của hội nghị Gordon này có đăng ở tạp chí Science vào mỗi tháng hai hay tháng ba, hoặc là trên Internet: https://www.grc.org/)