- "Tiếng Anh là phương tiện để hội nhập, nhưng chủ trương của chúng ta là vẫn giữ bản sắc. Cha mẹ đặt tên cho, chúng ta phải tự hào. Không thể gọi các em bằng Marry hay Peter" - ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình, kinh tế, xã hội văn hóa 9 tháng đầu năm sáng nay của TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã giải thích về việc cấm giáo viên bản ngữ đặt tên tiếng Anh cho học sinh.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM (Ảnh: Văn Bình)

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc Sở GD-ĐT cấm giáo viên bản ngữ đặt tên tiếng Anh cho học sinh là quy định đã có từ 5 năm trước.  

Việc này xuất phát từ khi có nhiều ý kiến của phụ huynh cho rằng con họ bị đặt tên nước ngoài nên khi về nhà cũng vẫn dùng tên tiếng Anh. Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng điều này không có lợi trong việc giáo dục truyền thống cho học sinh. 

“Tiếng Anh là phương tiện để hội nhập quốc tế, nhưng chủ trương của chúng ta là vẫn giữ đúng bản sắc. Tên do cha mẹ đặt, chúng ta phải tự hào. Không phải mới vào lớp 1, các em đã được đặt và sử dụng những cái tên như Marry hay Peter. Điều này không phù hợp với môi trường giáo dục” - ông Hiếu khẳng định.

Trước đó, trong Hướng dẫn hực hiện chuyên môn tiếng Anh bậc tiểu học mà Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành quy định: Giáo viên bản ngữ sẽ không được sử dụng các thiết bị nghe nhìn như: cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video trong giờ dạy để học sinh có cơ hội tương tác, thực hành với giáo viên bản ngữ; Giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt, tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh cho học sinh.

Quy định này đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận. Trong khi đa phần phụ huynh cho rằng đây điều là bình thường, thì nhiều giáo viên tiếng Anh trong nước lại đồng tình với quy định cấm giáo viên bản ngữ đặt tên tiếng Anh cho học sinh. 

Lê Huyền