- Trò chuyện với sinh viên tại chương trình “Chào tân sinh viên 2017” do Hệ thống giáo dục Hocmai tổ chức ngày 24/9, ông Nguyễn Thành Nam - nguyên tổng giám đốc FPT cho rằng việc học phải gắn liền với hành và cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân.

{keywords}
Ông Nguyễn Thành Nam, Cựu Tổng giám đốc của Tập đoàn FPT.

Ông Nam thổ lộ bản thân có chút buồn khi nghĩ đến việc tại sao những em học sinh giỏi nhất, có điểm thi đại học cao nhất cứ phải vào cả ngành y, hay phòng cháy chữa cháy. Hiện nay, xã hội còn rất nhiều lĩnh vực có nhu cầu thực sự và rất cần những người rất giỏi.

“Có một ít thành công chẳng qua bởi chúng tôi là những người chịu học, và học bất cứ cái gì mà cuộc sống đòi hỏi, yêu cầu. Cuộc đời mới là trường đại học lớn nhất, và tinh thần học hỏi đó phải giữ được không phải chỉ bây giờ mà cho đến cả khi các em bắt đầu gặp những khó khăn đầu tiên của cuộc đời” - ông Nam nói.

Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng kiến thức học được ở trường mới chỉ là nền tảng, và việc tự học và học tập suốt đời mới là điều quan trọng để sinh viên trưởng thành sau này. 

Cùng đó, ông Tớp chỉ ra những ngộ nhận, thói quen sai lầm của hầu hết sinh viên hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến căn bệnh lười và thụ động khi tiếp nhận kiến thức.

Trước câu hỏi của một sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Kinh tế quốc dân, rằng “Học đại học có thực sự quan trọng không khi sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều tới 80%?”, ông Tớp cho rằng về số đông việc học đại học vẫn cần thiết.

Tuy nhiên, học đại học mới chỉ cung cấp kiến thức ban đầu rất nền tảng để các bạn trẻ lập nghiệp sau này.

 “Cũng có nhiều sinh viên của tôi lấy các tấm gương của các tỷ phú rằng tầm bằng đại học không quan trọng và cũng đã có những sinh viên bỏ học ngang chừng và sau này mở nên những công ty lớn. Tuy nhiên, đó là những trường hợp cá biệt, tôi nghĩ đa phần chúng ta làm việc cũng cần phải qua đào tạo. Những người xuất chúng hoặc có đầu óc đặc biệt thì có thể họ không cần những cái đó còn về cơ bản học đại học là cần thiết”.

Ngoài ra, theo ông Tớp, sinh viên cũng cần phải xác định hướng đi tương lai của mình, bởi nếu học xong mà không có việc làm thì rất đáng buồn. Ông Tớp cho rằng các trường đại học cũng phải có trách nhiệm trong chuyện này.

Những điều đừng bỏ phí ở đại học

Theo ông Tớp, để quãng thời gian đại học hiệu quả, thì việc đầu tiên các sinh viên phải xác định mục tiêu là cái đích phải đến và cái đam mê mà mình cần phải có.

{keywords}
Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ông Tớp chia sẻ, trên thực tế, nhiều sinh viên vào được các trường đại học mơ ước với chất lượng đầu vào rất tốt, nhưng sau đó số bị đào thải cũng không ít bởi rất nhiều lý do.

“Môi trường đại học yêu cầu chúng ta phải tự chủ, tự giác trong học tập. Nếu không chủ động lập kế hoạch thì dễ bị lao dốc, đặc biệt với các em có tâm lý "nghỉ ngơi", cho phép mình lơ là sau 12 năm phổ thông”.

{keywords}
Những sinh viên năm nhất tại sự kiện "Chào sinh viên"

“Chính sinh viên phải tự vượt qua bản thân mình bởi không có ai giám sát, khác hẳn sự sát sao của thầy cô và cả bố mẹ nữa khi ở nhà”.

Ông Nguyễn Thành Nam thì cho rằng các bạn trẻ không nên đặt nặng chuyện thành công khi còn trên ghế giảng đường. Tuy nhiên, ở môi trường đại học có rất nhiều cái hay, không nên bỏ phí.

“Thứ nhất là kết bạn. Ở đại học là quãng thời gian tốt nhất để xây dựng cộng đồng bạn bè. Bạn ở đây có thể là cả các thầy cô chứ không chỉ gói gọn nghĩa bạn bè cùng khoa, cùng lớp. Thậm chí, các em có thể kết bạn được với đại diện của các công ty khi họ vào trường. Đó chính là các mối quan hệ. Hiện giờ, sinh viên rất ít để ý đến việc xây dựng các mối quan hệ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường mà em thường chờ tới khi tốt nghiệp xong, nhưng như vậy là hơi muộn”.

Thứ hai là cần có tiếng Anh và công nghệ thông tin. Cũng nên xem vị thế của công nghệ thông tin như một thứ ngoại ngữ, chứ không phải là một ngành nghề. Đó là chưa kể, mạng internet còn là một kho tư liệu vô cùng to lớn".

Ông Nam đưa ví dụ một lần đi dự hội nghị về khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐH Ngoại thương. "Các em có rất nhiều ý tưởng hay nhưng đến khi thực hiện thì lại không làm được do không nắm được công nghệ thông tin, tức là không có ai để biến các ý tưởng đó thành sản phẩm hiện thực”.

Các bạn trẻ nên yêu để chia sẻ cảm xúc nhiều hơn là một lời khuyên khác của ông Nam.

Ông Nam cũng nhấn mạnh một vấn đề lớn của giáo dục là học sinh hiện nay không biết hỏi và không dám đặt câu hỏi. 

Thanh Hùng