- 6 người trẻ là 6 câu chuyện, 6 con đường riêng biệt để đến với ngôi trường nổi tiếng Stanford song ở họ cùng có một điểm chung là khả năng tự học, tự tin để làm hết mình vì mục tiêu đã đặt ra.

Đó là thông điệp chính được những người trẻ từng học ở Stanford chia sẻ với những bậc phụ huynh đang băn khoăn với việc học và định hướng cho con của mình.

Quan trọng không phải bạn có thành tích gì mà bạn là ai

Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ tại ĐH Stanford, từng có tên ở một danh sách "100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới" bắt đầu buổi tọa đàm bằng câu chuyện của chính anh. 

Khi mới học lớp 3, lớp 4, Hiếu đã học rất giỏi, giấy khen treo đầy nhà. Rồi đến một hôm, Hiếu cảm thấy mình chán học và nói với bố mẹ là không muốn học nữa, vì giấy khen đã treo đầy nhà rồi.

Bố của Hiế lấy hết giấy khen của anh treo ở trên tường, xét nát rồi cho hết vào thùng rác: "Con thấy đó, giấy khen chỉ là những tờ giấy thôi, nó đến với con được nhưng cũng có thể mất đi bất cứ lúc nào. Quan trọng là cái gì nằm trong đầu và trong tim của con".

"Lúc đó mình còn bé nhưng đến nay nhìn lại thì đó chính là động lực cho mình tới ngày hôm nay. Bố mẹ không cho mình nhiều, chỉ cho mình cái thái độ sống, làm gì cũng làm hết mình, học gì cũng tự sức mình mà đi lấy" - Hiếu nói.

{keywords}
Các khách mời tham gia tọa đàm  tổ chức tại Trường phổ thông liên cấp Olympia (từ trái qua): Nguyễn Chí Hiếu,  Phạm Kim Hùng, Võ Tường An, Huỳnh Minh Việt. Ảnh: Lê Văn.

Huỳnh Minh Việt, người từng học ĐH ở Stanford sau đó lấy bằng thạc sĩ tại ĐH Harvard cũng kể rằng, trong bài luận gửi tới trường để xin học, anh đã kể câu chuyện của chính mình. Đó là thời gian Việt học cấp 3 tại Singapore và tham gia đội bóng của trường.

Trong đội bóng, Việt chỉ làm công việc lặt vặt và không nổi bật nên không được huấn luyện viên chọn vào đội tuyển. Sau đó, nhờ các bạn nói giúp, Việt mới được chọn "vớt".

"Mình đã viết trong bài luận rằng, với vai trò của mình, ở bất cứ nhóm nào, môi trường nào mình đều làm tốt nhất có thể trong hoàn cảnh đó và làm một cách nghiêm túc nhất, sâu sắc nhất, hết mình nhất và chuyện tốt nhất sẽ xảy ra" - anh Việt nói.

Võ Tường An, cô gái Quảng Ngãi nổi tiếng với học bổng của 12 trường ĐH lớn của Mỹ cuối cùng đã chọn ĐH Stanford cũng chia sẻ câu chuyện của mình khi một mình phải sang Mỹ du học từ khi hết cấp 2. Đó là những khó khăn của môi trường hoàn toàn mới, tiếng Anh bập bõm, không ai biết mình là ngôi sao, thậm chí bị lạnh nhạt vì là "dân châu Á"…

"Tôi có thể ở vị trí không phải là tốt nhất trong tất cả những người đang thi đấu để đến cái đích của tôi nhưng dù thế nào thì tôi cũng tìm được cái cách để đến cái đích đó" - Võ Tường An đúc rút từ câu chuyện của bản thân khi trả lời câu hỏi: Vì sao Stanford quyết định chọn mình.

{keywords}
Võ Tường An, cô gái đến từ Quảng Ngãi là tân sinh viên ĐH Stanford. Ảnh: Lê Văn.

Văn Đinh Hồng Vũ, người từng nhận 2 học bổng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Giáo dục của Đại học Stanford thì chia sẻ rằng, ở Stanford sẽ không ai nói cho bạn biết vì sao bạn được chọn vào trường dù đây là câu hỏi của hầu hết sinh viên.

Tuy nhiên, Hồng Vũ cho rằng, ở Stanford, người ta không quan tâm tới thành tích, bởi ai ở đó cũng là ngôi sao. "Người ta quan tâm tới câu chuyện phía sau thành tích của bạn, để biết bạn là ai, bạn đã đặt ra mục tiêu như thế nào và làm thế nào để đạt được mục tiêu ấy".

Cha mẹ phải đồng hành và khơi gợi đam mê của con

Trả lời câu hỏi bố mẹ đã đồng hành như thế nào trong chặng đường họ đến với Stanford, anh Phạm Kim Hùng, người từng được mệnh danh là "cậu bé vàng" của Toán học Việt Nam chia sẻ rằng rất biết ơn mẹ mình vì khi anh còn đi học, mẹ luôn là người nêu ra những tấm gương để Hùng lấy làm động lực cho mình. "Lời khuyên, câu nói của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới con cái".

Hùng cũng chia sẻ rằng, cha mẹ không nên bắt con học mà nên khơi gợi để giúp con theo đuổi một đam mê nào đó. "Mỗi người không thể giỏi tất cả mà chỉ giỏi được một thứ. Cha mẹ nên tìm ra điều con cái đam mê và vun đắp điều đó".

{keywords}
Phạm Kim Hùng, "cậu bé vàng" của Toán học Việt Nam. Ảnh: Lê Văn.

Võ Tường An thì chia sẻ, đúng là sau này lớn lên mới phát hiện ra rằng, mình đã trở thành một con người giống hệt như những hình mẫu mà cha mẹ nêu ra để làm gương cho mình lúc nhỏ mà mình không hề nhận ra. 

An nói áp lực mà cha mẹ đặt ra cho mình đã giúp cô quyết liệt hơn trong việc định hình các tiêu chí và giá trị cần đạt được của bản thân.

Tuy nhiên, từ khi An đi du học ở cấp 3, cha mẹ đã hoàn toàn tin tưởng vào quyết định của An. "Khi đó, dù mình tham gia hoạt động gì cũng chỉ cần gửi giấy về nhà thông báo, ba mình đọc không hiểu chữ gì hết nhưng vẫn ký".

Với Nguyễn Chí Hiếu thì ở gia đình, bố anh là giáo viên dạy Toán còn mẹ là giáo viên dạy Văn. Vì vậy, khi vào lớp 6, gia đình đã xảy ra tranh luận về việc Hiếu nên học theo ngành của bố hay của mẹ. Cuối cùng Hiếu đã chọn học tiếng Anh. Lên lớp 10 cũng vậy.

"Bố mẹ đã không ép mình vì biết đó là quyết định của mình. Thay vào đó, bố mẹ vì không ai biết tiếng Anh nên đã dùng tất cả tiền họ có để mua sách cho mình học" - Hiếu kể.

Văn Đinh Hồng Vũ thì chia sẻ rằng, hồi nhỏ, bố mẹ không cho cô học trường chuyên vì sợ rằng cô sẽ quá quan tâm tới chuyện thành tích chứ không phải học để tốt cho mình. "Bố mẹ luôn hướng mình rằng, học là cho mình chứ không phải thành tích. Được điểm cao không phải là niềm vui, không phải là động lực của học tập" - Hồng Vũ chia sẻ.

{keywords}
Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ ĐH Stanford, người chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Văn

Nguyễn Chí Hiếu quan niệm, điều cha mẹ có thể cho con không phải là bắt con phải đạt thành tích gì vào năm bao nhiêu tuổi hay định hướng con phải theo đuổi niềm đam mê này hay đam mê khác. "Bản thân mình học xong tiến sĩ và MBA, luôn luôn là thủ khoa nhưng phải đến năm 32 tuổi mình mới thực sự biết mình thích gì"

"Cha mẹ phải là người cho con những giá trị mà con cần hướng đến là tự học và làm hết mình vì đam mê. Khi các con đã có đam mê rồi thì bố mẹ phải là người tạo hết điều kiện để đeo đuổi đam mê đó. Khi đó, chúng ta phải chấp nhận buông bỏ những thứ không cần thiết cho con của mình" - Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.

Theo Nguyễn Chí Hiếu, có được khả năng tự học, sự tự tin thì những đứa con mới có thể tự đưa ra quyết định của mình. "Điều đó mình nghĩ là quan trọng hơn khi những đứa con vào đại học và sau đó là ra khỏi đại học".

Lê Văn