- Trong một chia sẻ gửi tới các bạn sinh viên, anh Lê Đình Hiếu khuyên các bạn nên tận hưởng cuộc đời "không đề cương", học chữ "nhẫn" và tìm một người đi trước.

Lê Đình Hiếu từng được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào danh sách 30 Under 30 nhờ những đóng góp cho cộng đồng thông qua giáo dục. 

Anh từng là đồng sáng lập Everest Education, trưởng nhóm Global Shapers TP.HCM và hiện là CEO của Học viện G.A.P - một học viện đào tạo kỹ năng và tư duy chuyên nghiệp toàn cầu cho người trẻ.

{keywords}
Anh Lê Đình Hiếu - một trong 30 người trẻ nằm trong danh sách 30 Under 30 do Forbes Việt Nam bình chọn. Ảnh: Forbes

Dưới đây là những chia sẻ của anh:

KHÔNG CÓ CON ĐƯỜNG TẮT DẪN ĐẾN SỰ TRƯỞNG THÀNH

Gửi các em SV thế hệ 2017,

Trong tháng 4 vừa qua, anh vinh dự được vài học trò ở các ngôi trường đại học hàng đầu tại Việt Nam như Ngoại thương, Bách khoa mời đến dự Lễ tốt nghiệp đại học. Cũng trong 2 tuần qua, anh đi chấm thi cho 2 - 3 cuộc thi sinh viên về khởi nghiệp, về các kỹ năng lãnh đạo, hoặc thậm chí để tìm ra CEO tương lai. 

Qua các sự kiện trên, điều đọng lại lớn nhất của anh - một người gắn bó với giáo dục gần 10 năm qua, đã tiếp xúc với hàng ngàn sinh viên, và có may mắn được làm advisor/ mentor (người hướng dẫn, tư vấn) cho những tổ chức sinh viên rất tên tuổi như AIESEC, UNESCO-CEP, SEO-Vietnam - là đất nước ta mỗi năm đều đang chào đón hàng triệu thanh niên hừng hực lửa, khao khát cống hiến, và các em ít nhiều đều đang tiệm cận với mặt bằng khu vực và thế giới ở những khía cạnh khác nhau. Các em đều rất giỏi và có những lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với thế hệ 8x trước đó của anh.

Nhưng một điểm chung khác của rất nhiều bạn trẻ (kể cả các bạn rất giỏi, rất tiềm năng) là các em rất mơ hồ và hoang mang trước con đường mình sắp phải đi. Các em đều dáo dác tìm kiếm một lối đi, một bản đồ sẵn có để từ đó tìm đến sự thành công.

Anh xin phép chia sẻ đôi điều cùng các em:

1. Hãy chào đón và tận hưởng 1 cuộc đời "không đề cương":

Anh xin kể một câu chuyện nhỏ về trải nghiệm đi dạy đầu tiên của anh tại Mỹ. Năm đó là năm thứ 3 đại học, anh đi gia sư môn Toán ở một trường cấp 3 của người Mỹ gốc Do Thái gần UCLA (1: tại các trường cấp 3 ở Mỹ, nhà trường luôn cung cấp gia sư miễn phí cho học sinh tại trường sau giờ học để các em tự lên hỏi bài. 2: cộng đồng người Do Thái tại Los Angeles là một trong những cộng đồng người Do Thái lưu vong lớn nhất thế giới). Trong buổi gia sư cho các em lớp 9 trước kỳ thi Final Exam, anh rất ngạc nhiên khi thấy mỗi bạn đều hí hoáy viết rất nhiều công thức toán, các khái niệm định nghĩa lên những tờ giấy A4 (mỗi bạn một tờ). 

Khá buồn cười, anh nghĩ "thế ra lũ nhỏ ở Mỹ cũng làm "phao" giống ở Việt Nam à? Mà tụi này kém chuyên nghiệp, phao bự đùng thế kia thì làm sao đem vào lớp." Thế nhưng khi hỏi ra thì mới biết đó là quy định của nhà trường: trước giờ kiểm tra, thay vì giáo viên phát "đề cương ôn tập" giống như ở Việt Nam, thì các em sẽ phải tự ôn lại toàn bộ kiến thức đã học, và tự bản thân quyết định những kiến thức/ công thức nào quan trọng để viết lại vào một tờ giấy A4 duy nhất, và dĩ nhiên là các em được phép công khai đem tờ giấy này vào trong giờ kiểm tra để sử dụng.

Thầy hiệu trưởng của trường giải thích trước sự ngạc nhiên lẫn thích thú của anh: "Vì cuộc đời các em sau này cũng sẽ mênh mông bao la như biển kiến thức, thầy cô không thể nào giới hạn các lựa chọn của các em bằng việc chuẩn bị đề cương được. Thay vào đó, chúng tôi dạy các em sự tự chủ và đầu óc tư duy phán đoán giúp các em tự quyết định những hành trang nào là quan trọng để các em bước vào trận chiến. Và chúng tôi cũng không cần các em thuộc lòng các vũ khí của mình, mà thay vào đó, chúng tôi chỉ cần các em biết chính xác cách sử dụng các vũ khí đó và biết nó nằm ở đâu để khi cần thì dùng."

Nghĩ lại các em sinh viên đai học một số trường nước ta trước khi vào kiểm tra vẫn còn phải cặm cụi học thuộc lòng đề cương do thầy cô soạn sẵn, hay thậm chí một số bạn còn chuyền tay nhau đề của năm trước để học tủ trước, anh thật không khỏi lo lắng.

Các em à, thật sự, ngay ngày mai khi các em rời khỏi ghế nhà trường, cuộc đời ngoài kia là bao la biển rộng, có hàng triệu lối đi - trong số đó là rất nhiều con đường chưa được khai phá. Nếu ngày hôm nay, các em chỉ tập trung vào việc đi lại con đường mà ai kia đi trước đã để lại, thì sự hoang mang và lo lắng khi ra trường là không thể nào tránh khỏi. Và nếu cả dân tộc Việt ta đều chỉ là những người dò dẫm bước theo chân của người trước thì chúng ta mãi mãi sẽ là người đi sau. 

Như Lỗ Tấn đã nói "trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường đó thôi," anh tin rằng tương lai của các bạn có thể được vẽ bằng chính đôi chân dám trải nghiệm, dám mạo hiểm đi trên những thử thách mới mẻ của chính các bạn. Sẽ không có con đường tắt, sẽ không có con đường mẫu, sẽ không có công thức chung nào cả đâu.

Và vì vậy, thay vì hoang mang trước muôn vàn lối rẽ, các em hãy chào đón nó và tận hưởng sự tự do - ngay ngày mai đây thôi, chính các em sẽ được tự vẽ những bản đồ mới cho bản thân mình.

2. Nếu có một chữ nào đó anh cần các bạn học thuộc, xin các em hãy học chữ "Nhẫn"

Thật sự, chữ Nhẫn có rất nhiều nghĩa: nhẫn nại, kiên nhẫn, nhẫn nhịn. Với anh, tất cả các trường nghĩa trên đều đúng cả. Trong hàng triệu tấm gương những thành công tại Việt Nam hay toàn thế giới, anh chưa gặp bất cứ ai không có đức tính này cả: Trước khi trở thành nhà văn được nhiều người yêu thích, Rowling - tác giả của bộ truyện Harry Porter - là một phụ nữ thất nghiệp, ly hôn và nuôi con bằng trợ cấp xã hội, nhưng vẫn miệt mài viết sách. Walt Disney từng bị đánh giá "không đủ sáng tạo" trên một bài báo và thậm chí đánh mất quyền sở hữu nhân vật hoạt hình đầu tiên của mình là chú thỏ may mắn trong bộ phim "Oswald the Lucky Rabbit", công việc kinh doanh của ông gần như phá sản, nhưng ông không bỏ cuộc. Thầy giáo của Edison từng mắng ông là "dốt tới mức không thể học được bất cứ cái gì", dẫn đến việc ông nghỉ học luôn và chỉ tự học ở nhà với mẹ, để rồi sau này trở thành 1 nhà phát minh vĩ đại. Những mẩu chuyện tương tự như vậy đều được tim thấy ở Steve Job (Apple), Howard Schultz (Starbucks)...

Tuy nhiên, thật đáng buồn là rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn đạt chút ít thành công từ các vị trí lãnh đạo trong CLB sinh viên của mình, hoặc chiến thắng qua vài cuộc thi nhỏ của sinh viên, các em không giữ được đôi chân của mình trên mặt đất nữa. Các em khi được nhận vào một công việc nào đó, các em sẽ rất mau chán sau vài ba tháng và cho rằng công việc này "không đủ thử thách" cho bản thân mình. Các em đặt ra mục tiêu bản thân mình phải ở vị trí xyz nào đó trong tập đoàn đa quốc gia nào đó sau một vài năm. Anh rất muốn nói với các em rằng những mơ ước ấy là rất đẹp, tuy nhiên, nền tảng cho các em đến các ước mơ đó thường bắt đầu bằng những bước cần mẫn rất nhỏ nhặt, nhưng cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và công sức.

{keywords}

Anh Lê Đình Hiếu nói: "Thật đáng buồn là rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn đạt chút ít thành công từ các vị trí lãnh đạo trong CLB sinh viên của mình, hoặc chiến thắng qua vài cuộc thi nhỏ của sinh viên, các em không giữ được đôi chân của mình trên mặt đất nữa".

Các em cũng đừng bao giờ vội cho rằng những anh chị sếp đi trước của mình là những người già cỗi, chậm tiến, và không theo kịp thời đại, vì thế các em không cần lắng nghe ý kiến của họ. Hãy luôn biết cúi đầu và lắng nghe đôi chút. Nhẫn nại lắng nghe trong 10 phút, biết đâu các em sẽ học được những đúc kết xương máu của 10 năm? Còn nếu sau 10 phút lắng nghe, các em vẫn tin rằng mình đúng hơn, hay hơn, thì cũng đâu là quá muộn để khi đó các em lên tiếng.

Như Jack Ma đã từng nói: "trước 20 tuổi cần học tập thật tốt, trước 30 tuổi nên theo một người sếp giỏi hơn là một công ty lớn".

3. Hãy tìm cho mình 1 người dẫn đường sự nghiệp (tạm dịch từ chữ "career mentor")

Anh luôn tin rằng cốt lõi của hạnh phúc chính là gia đình, nhưng bệ phóng của sự thành công đến từ việc các em có tìm được một người đàn anh, đàn chị đi trước, đủ khả năng, đủ yêu quý, đủ kiên nhẫn, và quan tâm để dẫn dắt các em hay không.

Như đã nói ở trên, cuộc đời sắp tới của các em không bao giờ có 1 cuốn đề cương sẵn trên tay, vì thế, có một người đủ tin cậy để được anh/ chị ấy lắng nghe, bảo ban, được anh/ chị ấy nhắc nhở trước những rủi ro có thể đến, hoặc đôi khi chỉ đơn giản đó là một người để các em ôm chặt và khóc mỗi khi thất bại. 

Khi các bạn thất bại, anh khuyên các bạn đừng ôm lấy cha mẹ mà khóc, tội nghiệp các bác lắm các bạn à, vì nước mắt của các em khi ấy chỉ làm họ đau hơn thôi, mà thường là đau trong sự bất lực. Thay vào đó, hãy tìm một người đi trước các bạn vài 3 năm, 5, 7 năm, để các bạn có thể tìm đến chia sẻ những khó khăn, thử thách, vui buồn trong công việc. Trên con đường sự nghiệp của bản thân anh, hình bóng của những người "mentor" là cực kỳ quan trọng, thậm chí phải nói rằng không có những người "mentor" ấy, anh đã không có ngày hôm nay.

Cuối cùng để tóm lại chia sẻ này, anh hy vọng rằng các bạn hiểu rằng trong những năm sắp tới, những gì các em cần đạt được là một sự trưởng thành trong nhận thức, một sự trưởng thành ở bản thân, một sự trưởng thành về nghề nghiệp, và quan trọng hơn cả, là sự trưởng thành về những giấc mơ - với anh không có giấc mơ to hay giấc mơ nhỏ, mà chỉ có giấc mơ của những đứa trẻ và giấc mơ của những người trưởng thành.

Hãy sẵn sàng cho một cuộc đời không còn những cuốn "đề cương", hãy sẵn sàng lắng nghe và giữ lấy một sự nhẫn trong bản thân, và cuối cùng, là hãy tìm lấy những người "mentor" sẽ dắt lối các bạn.

  • Lê Đình Hiếu