- Đề xuất một mô hình mới giải thích cho sự tồn tại của vật chất tối và nhiều vấn đề khác mà các lý thuyết trước đó chưa giải thích được, công trình của TS Phùng Văn Đồng, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam được đánh giá là có nhiều đóng góp ý nghĩa đối với vật lý hiện đại.

{keywords}

Ở tuổi 35, TS Phùng Văn Đồng cùng công trình Mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối đã được trao tặng Giải Tạ Quang Bửu 2016 hạng mục công trình khoa học xuất sắc của các nhà khoa học trẻ.. Ảnh Lê Văn

Trao đổi về công trình nghiên cứu của mình, TS Phùng Văn Đồng cho biết, vật lý hiện đại ngày nay tồn tại nhiều vấn đề mà hai lý thuyết trụ cột của vật lý hiện đại là mô hình chuẩn và thuyết tương đối rộng không thể giải thích được, chẳng hạn vấn đề vật chất tối và năng lượng tối, vấn đề lạm phát vũ trụ, vấn đề nguồn gốc của khối lượng neutrino hay bất đối xứng phản vật chất.

Một số giả thuyết chính được đưa ra trước đó chỉ cho giải thích riêng lẻ một vài vấn đề. Hơn thế, một số dự đoán của các lý thuyết này đã thực sự bị loại bỏ bởi các thực nghiệm. Việc đi tìm một lý thuyết có thể giải thích tích hợp những vấn đề nói trên là một hướng được nhiều nhà vật lý theo đuổi, trong đó có TS Đồng.

TS Đồng cho hay, trước khi đề xuất lý thuyết mới trong công trình của mình, anh có một thời gian nghiên cứu về vật chất tối và mô hình 3-3-1 (mô hình mở rộng của mô hình chuẩn 3-2-1). Quá trình nghiên cứu giúp TS Đồng nhận ra rằng, mô hình này không giải thích cho vật chất tối.

Từ đó, TS Đồng đề xuất một mô hình đối xứng mới là mô hình 3-3-1-1, giúp anh mô tả cả vật chất thông thường và vật chất dị thường. Từ đó, mô hình này giúp TS Đồng giải quyết được các vấn đề của vật lý hiện đại một cách tự nhiên, tích hợp.

"Mô hình mình đưa ra cho phép tự động cung cấp vật chất tối, giải thích một cách tường minh cho nguồn gốc khối lượng neutrino, lạm phát vũ trụ và quá trình sinh bất đối xứng vật chất và phản vật chất mà mô hình cũ vẫn khiếm khuyết", TS Đồng cho hay.

Mô hình mới đã được TS Đồng đề xuất trong bài viết Mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối (3-3-1-1 model for dark matter) đăng tải trên Tạp chí Physical Review D, một trong những tạp chí có chỉ số ảnh hưởng (chỉ số H index) vào loại số 1 trong chuyên ngành vật lý hạt nhân và năng lượng cao. Tới nay, sau gần 3 năm đăng tải, công trình của TS Đồng đã có tới hơn 30 trích dẫn.

"Khi mình gửi bài tới tạp chí thì họ thông qua rất nhanh. Ngay bản thân những người trong hội đồng phản biện cũng rất thích thú với lý thuyết mà mình đề xuất bởi nó đơn giản và giải quyết vấn đề một cách tự nhiên. Từ lúc gửi bài tới lúc bài được đăng chỉ trong thời gian một tháng", TS Đồng chia sẻ.

Từ công trình đầu tiên với những vấn đề cơ sở, TS Đồng và các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu của mình đã tiếp tục nghiên cứu và đăng tải các công trình giải thích các hệ quả của mô hình mới của mình. "Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã có khoảng 6 công bố quốc tế khác nhau", TS Đồng cho hay.

Tiến sĩ nội, chất lượng ngoại

Sáu công bố quốc tế trên tạp chí uy tín xoay quanh mô hình mới do TS Đồng đề xuất không phải là tất cả công trình nghiên cứu của anh. TS Đồng cho biết, trong 10 năm làm nghiên cứu của mình, anh đã có tất cả 35 công trình được công bố quốc tế. Tất cả đều được đăng tải trên tạp chí có uy tín trên thế giới trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết.

Mặc dù công bố quốc tế rất nhiều nhưng TS Phùng Văn Đồng lại không phải là một tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài như nhiều tiến sĩ khác. Khác với nhiều nghiên cứu sinh khác, TS Đồng lựa chọn học nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án trong nước.

Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, TS Đồng đã nộp đơn để học postdoc tại Đài Loan và Nhật Bản. Và sau khi hoàn thành các khóa học, TS Đồng vẫn lựa chọn trở về dù anh không thiếu cơ hội ở lại. Anh giải thích rằng, cái chính là anh thích cuộc sống ở Việt Nam, còn vấn đề nghiên cứu, nó phụ thuộc nhiều vào bản thân của người nghiên cứu.

Trả lời câu hỏi về việc, anh cho rằng 35 công trình công bố quốc tế trong 10 năm là nhiều hay ít, TS Đồng nói rằng, với anh nhiều hay ít không quan trong mà quan trọng phải là chất lượng như thế nào. "Số lượng có tới 100 công bố nhưng đều là những công trình vô nghĩa thì vẫn là vô nghĩa", TS Đồng nói.

Xác nhận điều này, TS Đỗ Hương, một đồng nghiệp của TS Phùng Văn Đồng tại Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý cho hay, TS Đồng là một người thông minh, đưa ra rất nhiều ý tưởng và cũng là người làm việc rất nghiêm túc.

"TS Đồng đặt ra yêu cầu rất cao với với các nghiên cứu của mình. Sản phẩm không như ý là không baog giờ gửi đăng, mặc dù bản thảo rất nhiều. Nếu như không đăng được trên tạp chí có thứ hạng cao mà gửi đăng ở tạp chí thứ hạng thấp thì số công trình công bố quốc tế của Đồng phải trên 50 chứ không phải 35", TS Hương chia sẻ.

Khi được hỏi về lý do vì sao Việt Nam có tới 12 ngàn tiến sĩ làm nghiên cứu khoa học mà số công trình công bố quốc tế còn quá ít, TS Đồng cho rằng, kể cả trong số 12 ngàn tiến sĩ ấy thì số lượng người thực sự làm việc không nhiều. Trong những người làm việc đó thì phần nhiều là chống chế. "Số lượng người nghiên cứu coi trọng chất lượng nghiên cứu, công trình của mình không nhiều", TS Đồng nói.

Vị tiến sĩ vừa được trao Giải Tạ Quang Bửu cho rằng, hiện nay, Việt Nam chưa hình thành được những nhóm nghiên cứu và trường đại học nghiên cứu thực sự mạnh nên số lượng các nghiên cứu chất lượng, có thể công bố quốc tế không nhiều. "Trong những năm gần đây về số lượng các nghiên cứu có tăng lên nhưng về chất lượng thì không tăng nhiều", TS Đồng chia sẻ.

TS Đồng cũng cho rằng, việc hình thành các quỹ như Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (Nafosted) với quy trình xét duyệt các đề tài công bố một cách công khai, minh bạch sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ và tạo động lực để các nhà khoa học trong nước vươn tầm thế giới.

  • Lê Văn