Không thù lao, chỉ “ăn cơm nhà…”, nhóm 7 cựu du học sinh cùng đội ngũ cố vấn, tình nguyện viên đã biến "giấc mơ" được nghe miễn phí các bài giảng của những trường đại học hàng đầu thế giới trở thành hiện thực với nhiều người Việt.

Kiến Học - một dự án giáo dục mở ở bậc đại học và sau đại học với các khóa học  từ các trường đại học tên tuổi như MIT, Harvard, Yale, Stanford… được Việt hoá và miễn phí - đang thu hút hàng nghìn bạn trẻ có nhu cầu học trực tuyến. 

Dự án khởi đầu từ một nhóm cựu du học sinh, nghiên cứu sinh mong muốn xóa bỏ rào cản về chi phí học tập và ngôn ngữ, tạo cơ hội cho người Việt Nam phát huy hết khả năng, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

{keywords}

"Người ta thường nói, Kiến tha lâu cũng đầy tổ, Kiến sẵn sàng tha lâu và tin rằng sẽ có ngày tổ đầy..."

Chưa làm được điều to lớn, thì cứ làm điều nhỏ trước

Nhóm quen nhau khi được nhận học bổng đi du học và học chung trường tại Hàn Quốc, sau đó một vài người sang Thuỵ Sĩ, Úc, Đức... để học tiếp, và quen thêm vài thành viên mới. 

Có điều kiện tiếp cận với các nền giáo dục hàng đầu thế giới, họ đều cảm thấy rằng mình may mắn hơn rất nhiều người.

Tháng 9/2015, Nguyễn Văn Trung (tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học quốc gia Úc, hiện là trưởng nhóm) liên lạc với mọi người, nêu ra ý tưởng ban đầu về việc xây dựng các khóa học trực tuyến miễn phí. Cả nhóm đều đồng tình và chọn lĩnh vực giáo dục chất lượng cao, vì tin rằng giúp đỡ về giáo dục là cách giúp đỡ bền vững nhất, tuy rằng cũng khó khăn nhất.

Sau nhiều lần điều chỉnh phương hướng và tham khảo các ý kiến từ nhiều chuyên gia, từ vấn đề kỹ thuật đến các quan ngại về bản quyền, nhóm đã chốt cách thức vận hành và bắt tay vào xây dựng trang web cũng như chọn các khóa học đầu tiên để dịch.

Tháng 10/2015, nhóm bắt đầu tìm kiếm các tình nguyện viên dịch thuật đầu tiên. Nhóm may mắn nhận được sự ủng hộ của khá đông tình nguyện viên là sinh viên từ các trường đại học trong và ngoài nước. Cùng thời gian này, Kiến Học nhận được tài trợ từ Microsoft cho một phần chi phí máy chủ.

Ngày 24/2/2016, khóa học đầu tiên về Khoa học máy tính (của Đại học Harvard) và Sinh học (của Học viện Công nghệ Massachusetts - MIT) ra mắt. 

Kinh nghiệm từ việc triển khai 2 khóa học này đã giúp Kiến Học định hình thêm về phương hướng phát triển, cũng như nhu cầu người học và cách thức vận hành cho hiệu quả.

Trên cơ sở đó, ngày 1/6/2016, Khoá Nhập môn tâm lý học ra mắt và ngay lập tức có gần 2.000 người đăng ký học chỉ sau 1 tuần….

TS Mai Hải Thanh - thành viên của nhóm hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam, nhớ lại “Cách đây vài tháng, chúng tôi có một cuộc tranh luận nhỏ với một số người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài. Họ phản đối việc Kiến Học đang làm, và cho rằng mọi người cứ học tiếng Anh giỏi đi sẽ tự học được các khóa học, không việc gì phải dịch ra như thế. Ai cố gắng thì sẽ có cuộc sống tốt đẹp.

Chúng tôi thì nghĩ rằng các anh, chị, cô bác nói không sai. Ai cũng cần tiếng Anh, như bản thân chúng tôi giỏi tiếng Anh nên chẳng phụ thuộc ai. 

Nhưng chúng tôi cũng chẳng sai. Có những việc mình thấy đúng nhưng lớn quá chưa làm được, thì làm cái nhỏ trước...”. 

Anh Thanh cho rằng sự thông minh, may mắn của mỗi người là trời cho. Không phải ai sinh ra cũng đủ thông minh hay có điều kiện học hành, hay đơn giản là bố mẹ chưa biết định hướng cho con như thế nào để thành công. 

Trong cuộc sống, những người lười biếng hẳn thì ráng chịu. Cũng có những người ở nhóm giữa, không làm hại ai, nhưng chưa ai giúp họ một cái cần câu cá, hoặc nói với họ rằng đừng câu cá ở bên này nữa mà hãy sang bên kia câu đi. Bên đấy đang vắng người, nhiều cá hơn... Ngay cả ở thành phố cũng đâu phải ai cũng có điều kiện, trong khi họ vẫn xứng đáng học tập để giỏi hơn, tốt đẹp hơn. 

Chúng tôi là người may mắn biết được cả hai bên. Nên cứ chỉ cho người ta để người ta có cuộc sống tốt đẹp hơn mà mình cũng chẳng mất mát gì”.

{keywords}
Một số thành viên chủ chốt của Kiến học

Mong làm được nhiều hơn, nhanh hơn, tốt hơn

Với quan điểm như vậy, nên các thành viên và cộng tác viên hiện vẫn đang cần mẫn với việc phát triển các khóa học.

Thành phần người học ngày càng đông đảo, cho dù ban đầu mọi người chưa quen với hình thức khóa học MOOCs nên hiệu quả học tập chưa tốt như mong muốn.  Nhiều người thậm chí nghi ngờ khi nghe tên “khóa học quốc tế miễn phí”, và cho rằng đó chỉ là chiêu marketing câu khách.

Ban đầu, nhóm hướng đến phục vụ đối tượng người học không biết tiếng Anh, nhưng hiện nay cũng có rất nhiều người học biết tiếng Anh sử dụng Kiến Học để kết hợp học thêm tiếng Anh chuyên ngành. Nhờ đó, đối tượng người học được mở rộng ra rất nhiều.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Kiến Học đã cho ra mắt hơn 20 khoá học với hàng trăm nghìn lượt xem bài giảng, thu hút hơn 11.000 người học với hơn 17.000 lượt ghi danh.

Những bài giảng hấp dẫn ở nhiều lĩnh vực như khoa học máy tính, sinh học, hóa hữu cơ, tâm lý học, kinh tế vi mô, tài chính, phân tích dữ liệu... từ các trường đại học tên tuổi như MIT, Harvard, Yale, Stanford… đã mang lại trải nghiệm học tập mới mẻ và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người học.

Điểm đặc biệt của các khóa học này là khuyến khích sự tương tác, tranh luận giữa các học viên, tránh tình trạng học thụ động. Các khóa học có phụ đề tiếng Việt cũng sẽ là tiền đề giúp người học có cơ sở vững chắc để hướng tới việc tự theo học bằng tiếng Anh trên những trang web học tập trực tuyến khác.

Thanh chia sẻ trên thế giới mỗi chuyên ngành có ít nhất 20 – 30 khóa học hay và cần thiết, nhóm mong muốn đưa được nhiều hơn để ai bước vào Kiến Học cũng thấy điều có ích cho bản thân.

Tuy nhiên, trung bình hơn 1 tháng Kiến Học mới có thể cho ra mắt một khóa học. “Trong khi đó, kiến thức cập nhật hàng ngày hàng giờ, với tốc độ này không biết đến chừng nào Kiến học mới có kho kiến thức đủ lớn để giúp ích cho mọi người”. 

Lý do của tốc độ không mong muốn này là nguồn tài chính eo hẹp.

Kiến Học đang vận hành với chi phí cực thấp, tất cả các cố vấn và tình nguyện viên hiện giờ đều không nhận gì về mình. 

Tuy nhiên, nguồn lực này cũng có giới hạn. Nhiều cố vấn và tình nguyện viên đã phải bỏ dở giữa chừng. 

“Rất nhiều hướng phát triển, nhiều khoá học rất hay mà học viên đề xuất Kiến học chưa thể thực hiện được, trải nghiệm học tập nhiều khi chưa được như ý” – anh Thanh bày tỏ.

Không có tiền nên kéo lùi mọi thứ. Để tìm kiếm nguồn tài trợ, các thành viên của nhóm đã đến gặp một số nhà đầu tư. 

“Họ chỉ ra rằng Kiến Học có hai điểm yếu. Thứ nhất là Kiến học không kiếm ra tiền, mà họ đầu tư để kiếm ra tiền chứ không phải vì cộng đồng. 

Điểm yếu thứ hai, theo họ, là đội Kiến Học chưa nghiêm túc, vì chưa có ai làm toàn thời gian cho công việc này. 

Họ nói không sai ở chỗ toàn thời gian, nhưng bảo chúng tôi vì thế mà chưa nghiêm túc thì không đúng” – anh Thanh khẳng định.

“Chúng tôi cũng không phải làm cho vui, mà đây là một việc nghiêm túc, vì cộng đồng. Ví dụ, để làm từ thiện, việc quyên góp 5, 10 triệu đồng là không nhỏ nhưng cũng dễ thôi. Quyết định chỉ trong một vài phút, ào một cái là xong.

Nhưng chúng tôi đã và đang dành rất nhiều thời gian cho Kiến Học. Với năng lực của các thành viên trong nhóm, thì thời gian dành cho Kiến Học nếu dành để kiếm tiền sẽ tốt hơn nhiều.

Hiện nay, chúng tôi hy vọng hai điều. Là những cái mình đã và sẽ làm ra đến được với càng nhiều người càng tốt, và làm sao để dự án tồn tại và phát triển lâu dài hơn”.

Kiến Học đang đặt mục tiêu tạo ra 50 khoá học trong 1 năm tới và nâng số người học lên 30.000.

Như các thành viên sáng lập đều đồng lòng: "Đây là dự án dựa trên sức mạnh của cộng đồng và vì cộng đồng, nên sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho xã hội".

Ngân Anh