-Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tại một trường Đại học có tiếng ở Hà Nội, thế nhưng đến nay, Lê Thị Huyền (1994, Quảng Ninh) vẫn chấp nhận “xếp” bằng một chỗ.

Có lúc, Huyền quên mất rằng mình đã là cử nhân. Cô chuyên tâm với công việc bán online một vài mặt hàng trong gia đình. Huyền bảo, do đã có lượng khách quen nên công việc này cũng đem lại cho cô nguồn thu nhập ổn định.

Một năm nhảy việc 3 - 4 lần

Khi vừa ra trường, Huyền cũng rải hồ sơ ở nhiều công ty khác nhau với mong muốn “tìm công việc ổn định”. Nhờ bạn bè giới thiệu, cô xin vào làm tại một công ty nội thất theo đúng ngành học với mức lương 4,5 triệu/ tháng.

Bắt đầu công việc mới, Huyền được công ty sắp xếp chỗ ngồi riêng và trang bị cho một chiếc máy tính. Công việc của Huyền - vốn được coi là “việc bàn giấy” - thế nhưng chẳng mấy khi cô được ngồi một chỗ.

Huyền tâm sự: “Em cứ nghĩ làm kế toán là ngồi văn phòng hạch toán, làm báo cáo sổ sách, báo cáo thuế. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Em thường xuyên phải làm những công việc không mấy liên quan đến chuyên ngành như gọi điện đòi nợ, “shipper” gửi giấy tờ”.

“Choáng ngợp vì hiện thực phũ phàng” là cách Huyền nhấn mạnh khi kể lại câu chuyện của mình lúc mới bắt đầu đi làm. Vì thế chưa đầy một năm, cô đã nhảy việc đến 3 – 4 lần. Có công ty làm một vài tháng, có nơi cũng chỉ vài ngày. Huyền tâm sự, cô nghỉ vì công việc áp lực nhưng đồng lương lại quá bọt bèo. Chưa kể, gặp sếp trái tính còn bị mắng vô lý. Nhiều khi làm việc ở công ty không hết lại phải mang về nhà.

Hồ sơ xin việc của Huyền hiện vẫn đang “treo” trên các trang tuyển dụng. Thỉnh thoảng có nơi gọi đến phỏng vấn với mức lương 4 – 5 triệu. Nhưng Huyền bảo: “So với việc bán hàng online thì áp lực hơn nên tạm thời em ở nhà chờ đã. Nếu tìm được công việc với mức lương phù hợp em sẽ đi làm”.

Doanh nghiệp cần người, sinh viên vẫn lao đao tìm việc

Ông Trần Văn Tùng (Giám đốc công ty thang máy Taiyo Việt Nam) nhận định, đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân cụ thể mà là câu chuyện chung của phần đông sinh viên mới ra trường.

Có một thực tế, cử nhân luôn trong tình trạng “khát” việc, còn doanh nghiệp vẫn phải chịu cảnh “khát” nhân sự. Một phần lý giải nguyên nhân thực trạng trên là do cử nhân hiện nay thường có xu hướng mong “bán” kiến thức ngay sau khi ra trường. Điều này vô tình dẫn đến tâm lý “chê việc”.

“Các bạn tự cho mình cái “giá” quá cao. Nhưng chúng tôi luôn nói với các ứng viên của mình rằng doanh nghiệp không quan tâm bạn học trường nào, bằng cấp ra sao. Điều chúng tôi quan tâm là các bạn có phù hợp nhu cầu tuyển dụng hay không trước khi thỏa thuận đến vấn đề lương thưởng” – Ông Tùng nhấn mạnh.

Từng có hơn 10 năm trong vai trò tuyển dụng nhân sự, vị giám đốc này cho biết, việc các ứng viên đưa ra những thỏa thuận mức lương rất cao, thậm chí vô lý là chuyện doanh nghiệp thường xuyên gặp phải. Đôi khi điều này đã gây ra tâm lý ức chế cho nhà tuyển dụng.

Ví dụ, mức lương đề xuất của doanh nghiệp đối với bộ phận kế toán tổng hợp là 6 – 8 triệu. Thế nhưng, nhiều trường hợp, ứng viên lại đòi hỏi mức lương 10 triệu với lý do “Em đã từng có kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp A, tập đoàn B”.

Cũng có trường hợp cử nhân từ chối thẳng công việc với mức lương 5 triệu chỉ vì “lương 5 triệu không đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt”.

“Với những người tốt nghiệp tại các trường “có chút tiếng tăm”, sự phân biệt rạch ròi giá trị của mình với doanh nghiệp càng thể hiện rõ” – Ông Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo vị giám đốc này, khi doanh nghiệp trả lương 3 phần cho nhân viên thì họ luôn mong muốn nhân sự của mình phải thu về cho doanh nghiệp 9, 10 phần. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp cần những nhân sự tạo ra lợi nhuận là những giá trị dương cho doanh nghiệp.

Trong khi sinh viên vừa ra trường là “sản phẩm thô” chưa được mài giũa. Bước vào môi trường doanh nghiệp thì họ là những người hoàn toàn mới, cần thời gian để tập thích nghi và làm quen với công việc. Do vậy, không thể ngay lập tức đòi hỏi “cái giá” của mình quá cao. Bởi trong những tháng đầu, giá trị mà đối tượng này mang về cho doanh nghiệp gần như không có.

“Đối với doanh nghiệp nào cũng vậy. Khi thấy nhân sự phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc thì giá trị của nhân sự ấy cũng sẽ được tăng lên theo thời gian và kinh nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay cử nhân thường quan tâm đến mức lương hơn là những giá trị họ tạo ra cho doanh nghiệp” – Ông Tùng bày tỏ.

Cử nhân mơ mộng hay doanh nghiệp "tận dụng"?

Với những công ty quy mô nhỏ hơn, việc tuyển dụng nhân sự càng là bài toán khó. Trao đổi với VietNamNet, ông Đinh Đức Hùng (PGĐ công ty giải pháp phần mềm tại Hà Nội) cho biết, công ty của ông mới thành lập 2 năm nên quy mô còn nhỏ. Việc tuyển dụng nhân sự cũng gặp phải rất khó khăn.

“Nếu 10 hồ sơ gửi đến công ty, số lượng tham gia phỏng vấn chỉ khoảng 4 người, đến khi gọi đi làm thậm chí không có ai”.

Để giải quyết thực trạng này, ông Hùng chấp nhận phương án tuyển dụng “nhân sự sinh viên”. Giải pháp trên nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc. Đến khi các “nhân sự sinh viên” tốt nghiệp, công ty sẽ nhận ngay vào làm chính thức.

Nhưng thực tế, số lượng bám trụ với công ty sau khi ra trường rất thấp. Bởi, hầu hết cử nhân đều rời công ty tới những doanh nghiệp lớn hơn nhờ chính những kinh nghiệm tích lũy được từ nơi cũ.

“Họ từ chối cũng dễ hiểu bởi các doanh nghiệp lớn có văn phòng hoành tráng, đội ngũ nhân sự đông hơn. Tuy nhiên hiện nay truyền thông đăng tải quá nhiều thông tin sinh viên ra trường kiếm mức lương nghìn đô khiến cử nhân nghĩ rằng mình có nhiều cơ hội. Nhiều người có xu hướng “ngộ nhận bản thân”. Nếu dùng từ mạnh hơn sẽ là “ảo tưởng”.

Lý giải cụm từ này, ông Hùng cho biết, thế hệ hiện nay có quá nhiều mơ mộng. Các bạn luôn nghĩ rằng có tấm bằng cử nhân tại một ngôi trường danh giá đã là tốt. Do vậy phải tìm một công việc với lương cao cho xứng với những gì đã bỏ ra. Nhưng đôi khi, việc chờ đợi công việc có mức lương tốt khiến nhiều cử nhân tự đánh mất cơ hội của bản thân.

“Do vậy, diễn ra tình trạng cử nhân chấp nhận đi chạy Grab, bán hàng online còn nhà tuyển dụng vẫn gặp khó khăn về mặt nhân sự là điều dễ hiểu” – Ông Hùng nhận định.

Không đồng tình với điều này, Mai Thanh Hà (22 tuổi, Hà Nội) cho rằng, sở dĩ sinh viên mới ra trường không ứng tuyển vào các công ty nhỏ vì… sợ. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đăng tin tuyển dụng một đằng nhưng công việc lại một nẻo. Công việc trái với hợp đồng đã đành nhưng mức lương cũng không giống như trong thỏa thuận.

“Mình từng ứng tuyển vào vị trí kế toán tổng hợp tại một công ty trên đường Tố Hữu. Giám đốc công ty này trả mình 3 triệu lương thử việc và hứa hẹn sau 2 tháng sẽ trao đổi lại mức lương tùy theo năng lực.

Thời gian làm tại đây bị kiểm soát rất chặt chẽ, thậm chí mình còn bị “bóc lột” làm chân sai vặt. Có những hôm mình phải làm việc nhiều giờ hơn với lý do “đang học việc” – Hà bức xúc kể.

Vậy nhưng sau thời gian thử việc, Hà bị sa thải và không được trả lương với lý do “không làm ra kết quả cho công ty”.

“Dù bức xúc nhưng mình vẫn phải chấp nhận mất trắng 2 tháng lương. Khi mình “ra đi” cũng là lúc một người thử việc khác đến thay thế. Cho nên, không phải cử nhân ảo tưởng mà các công ty nhỏ đang tự đánh mất hình ảnh của mình trong mắt ứng viên” – Hà bày tỏ.

Thúy Nga

Thanh niên thất nghiệp giảm, cử nhân đại học thất nghiệp tăng

Thanh niên thất nghiệp giảm, cử nhân đại học thất nghiệp tăng

Theo bản tin Cập nhật thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số 15, quý 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” đã tăng 53,9 nghìn so với quý 2.

Báo Mỹ viết về tình trạng thất nghiệp của cử nhân Việt Nam

Báo Mỹ viết về tình trạng thất nghiệp của cử nhân Việt Nam

Vietnamnet giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Diệu Tú Uyên đăng trên tạp chí Bloomberg đưa ra những con số đáng suy ngẫm về tình trạng thất nghiệp của người trẻ Việt dựa trên trình độ học vấn.

Sinh viên ra trường có kiến thức, đam mê nhưng thất nghiệp

Sinh viên ra trường có kiến thức, đam mê nhưng thất nghiệp

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 400.000 SV tốt nghiệp đại học ra trường. Dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2017 sẽ có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp, đó là con số đáng báo động.