- Xuất hiện trong một buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm làm hồ sơ du học Mỹ, Đinh Thị Hương Thảo mặc bộ trang phục nữ sinh, vẫn giản dị như những ngày em nhận tấm Huy chương Vàng Olympic đầu tiên.

Trước đó, hồi tháng 4, cô gái vàng của Vật lý Việt Nam Đinh Thị Hương Thảo vừa nhận được tin trúng tuyển Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh giá với mức hỗ trợ tài chính lên tới 6,3 tỷ đồng trong 4 năm học.

Tuy nhiên, theo em, 2 tấm Huy chương Vàng Oly mpic Vật lý quốc tế năm 2015, 2016 cộng với những giải thưởng, huân chương về thành tích học thuật xuất sắc không phải là lý do duy nhất giúp em chinh phục hội đồng tuyển sinh của MIT.

{keywords}
Thảo chia sẻ bài luận của mình ngắn gọn và súc tích. Ảnh: Nguyễn Thảo

“Nếu có thàn tích nhưng không biết vận dụng nó thì hồ sơ của em cũng không bằng các bạn khác. Quan trọng không phải là mình có cái gì hơn người khác, mà quan trọng là sau quá trình đó, mình đã học được cái gì và trưởng thành lên như thế nào” – Thảo khẳng định.

Bất lợi lớn nhất của Thảo khi nộp hồ sơ là em chỉ có 5-6 tháng để chuẩn bị tất cả mọi thứ, từ tiếng Anh cho tới điểm chuẩn hóa, bài luận… Vì thời gian ngắn nên em để lỡ mất kỳ nộp sớm, trong khi đó các hoạt động ngoại khóa suốt hồi phổ thông của em không hề có định hướng và sự tập trung – một điểm mà Thảo cho rằng sẽ khắc phục được nếu chuẩn bị sớm.

Tuy nhiên, chính sự gấp gáp, những khó khăn này giúp em có một quyết tâm cao độ. Lúc đó, quyết tâm củaThảo không chỉ là cố gắng cho bản thân mình nữa, mà còn là cho những người đã đồng hành cùng mình trong suốt quá trình.

“Điểm chuẩn hóa, điểm TOEFL của em không cao, nhưng dưới sự hướng dẫn của các anh chị, em nhận ra là mình có thể tập trung vào những khía cạnh khác của bản thân, thể hiện bản thân mình nhiều nhất qua các bài luận”.

Ngoài bài luận chính, hồ sơ vào MIT còn yêu cầu 5 câu hỏi (bài luận) phụ về nhiều khía cạnh trong cuộc sống, trong con người của mỗi ứng viên. Trong những bài luận này, Thảo đã chia sẻ về việc là một học sinh nữ học khoa học, em đã truyền cảm hứng cho các bạn nữ khác như thế nào.

“Em cũng chia sẻ câu chuyện khi đi thi vì tiếng Anh chưa tốt nên em không thể giao tiếp với bạn cùng phòng của mình, nhưng vì có cùng niềm đam mê Vật lý, em đã có thể kết bạn và trao đổi với bạn cùng phòng ra sao. Ở mỗi câu hỏi, em thể hiện những khía cạnh khác nhau của bản thân. Chia sẻ về sở thích và gia đình, em cũng có nói gia đình em bán phở buổi sáng và Nam Định cũng nổi tiếng với món ăn này, nên em đã tập tành nấu phở. Em đã viết một cách ngắn gọn và súc tích nhất”.

“Trường có yêu cầu liệt kê 4 hoạt động mà bạn tâm đắc nhất. Đó là một điểm khá thuận lợi cho em khi nộp hồ sơ, bởi vì họ không yêu cầu nhiều nhưng đòi hỏi với mỗi hoạt động, trải nghiệm, mình trưởng thành lên như thế nào. Em thực sự thích và tâm đắc với những hoạt động mà mình đã tham gia như dạy Vật lý cho học sinh ở trường, tham gia những buổi hội thảo khoa học, hay ngày hội Mottainai của báo Phụ Nữ…”

“Em vui vì viết được bài luận thể hiện bản thân một cách toàn diện nhất . Đây có lẽ cũng là yếu tố giúp em thành công” – Thảo chia sẻ.

Trong vòng phỏng vấn, em được trò chuyện với một cựu sinh viên của trường – một người chưa từng đọc hồ sơ của em trước đó. 

“Chính xác nó giống như một cuộc trò chuyện hơn là một cuộc phỏng vấn. Cách đặt câu hỏi của cô khá ấn tượng, nhưng nhìn chung cũng hỏi lại những câu hỏi như tại sao em chọn trường, em yêu thích điều gì, những hoạt động ngoại khóa của em… Tất cả những câu hỏi để hiểu hơn về em. Và đây cũng là cơ hội để em đặt ra những câu hỏi cho trường”.

Nữ sinh bé nhỏ này cũng chia sẻ rằng, nhưng tấm Huy chương Vàng Olympic không phải là thứ duy nhất mà em muốn đưa ra cho ban tuyển sinh. 

“Thành tích chưa chắc thể hiện được đam mê của mình đối với học tập. Quan trọng là phải thể hiện được niềm đam mê của mình với học tập như thế nào” – em nói.

  • Nguyễn Thảo