- Tự ti về khả năng ngoại ngữ, hời hợt trong trau dồi kỹ năng sống, thiếu kiến thức xã hội cơ bản… là những vấn đề mà chính các lãnh đạo hội sinh viên trường đại học nêu ra tại phiên thảo luận “Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam” diễn ra tại ĐH Quốc gia Hà Nội chiều ngày 10/12.

Phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ chương trình của Đại hội đại biểu toàn quốc Sinh viên Việt Nam lần thứ 10 diễn ra trong 3 ngày từ 9/12 đến 11/12.

{keywords}
Phiên thảo luận “Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam” diễn ra tại ĐH Quốc gia Hà Nội chiều ngày 10/12. Ảnh: Nguyễn Thảo

Sinh viên không chỉ dừng ở tiếng Anh giao tiếp 

Trong khi đại diện Hội sinh viên ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ mô hình cộng đồng ngoại ngữ mang lại hiệu quả cao, thì đại diện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ việc thực hiện những hoạt động giao lưu quốc tế rất sôi động.

Hoàng Gia Thắng – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, ngoài việc nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thì sinh viên thực sự cần quan tâm đến tiếng Anh chuyên ngành.

Chia sẻ câu chuyện của mình, Thắng hài hước nói: “Hồi là học sinh, em học tiếng Anh vừa đủ, đạt 6.0 IELTS nhưng khi lên đại học, học chương trình tiên tiến, cầm cuốn tài liệu dày 600 trang tiếng Anh, em đọc 2 chữ là… ngất”. Thắng đặt vấn đề: tiếng Anh chuyên ngành hoàn toàn là một lĩnh vực khác với tiếng Anh giao tiếp hay tiếng Anh để tham dự các cuộc thi.

Các lớp kỹ năng mềm mới chỉ là phong trào, hình thức

{keywords}
Vũ Ngọc Mai - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thảo

Bàn về việc rèn luyện các kỹ năng mềm cho sinh viên, Vũ Ngọc Mai  - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, có một thời gian bùng nổ các lớp chuyên đề kỹ năng dành cho sinh viên, nhưng khi nhìn lại, “liệu có phải chúng ta đã nhìn nhận quá đơn giản về việc đào tạo kỹ năng cho sinh viên hay không?”

“Khi một kỹ năng chỉ được truyền đạt trong một buổi vài tiếng đồng hồ, các bạn đã được đánh giá về năng lực sử dụng kỹ năng đó hay chưa? Bởi vì để hình thành một kỹ năng cần phải có thời gian luyện tập sau khi đã thu nạp lý thuyết”.

Đồng tình với ý kiến này, Huỳnh Mạnh Phương – Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM chia sẻ, hiện nay các khoá kỹ năng bùng nổ với những cái tên nghe rất hoành tráng, nhưng thời lượng lớp học ngắn, chỉ trong một buổi sáng. “Để có được một kỹ năng, cần quá trình rèn luyện lâu dài, chứ không phải chỉ tham gia một lớp học rồi được cấp chứng nhận kỹ năng đó để ghi vào CV đi xin việc”.

“Lâu dần điều này sẽ gây ra một hệ luỵ. Khi các nhà tuyển dụng nhìn thấy mấy chục tờ chứng chỉ nhưng thực tế ứng viên không có, thì giấy chứng nhận bị mất giá trị”.

Sinh viên Vũ Ngọc Mai đưa ra một giải pháp bền vững: “Một bộ phận lớn sinh viên bây giờ không xác định được mục tiêu rõ ràng cho sự phát triển của mình trong tương lai. Trước mắt, chúng ta phải giúp cho sinh viên của mình hiểu được các bạn cần gì, muốn gì thì từ đó việc đào tạo kỹ năng cho các bạn mới đạt được hiệu quả nhất định”.

Sinh viên thiếu chủ động và thiếu kiến thức

{keywords}
Phan Thị Thái An – Uỷ viên ban thư ký Hội Sinh viên TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thảo

Chia sẻ kinh nghiệm hội nhập quốc tế của bản thân sau khi được tham gia 2 chương trình giao lưu với sinh viên quốc tế, Phan Thị Thái An – Uỷ viên ban thư ký Hội Sinh viên TP.HCM khẳng định: “Tiếng Anh của mình không thực sự tốt, nhưng theo mình, kỹ năng tiếng Anh của bạn không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng giao lưu quốc tế. Các bạn sinh viên quốc tế quan tâm nhiều hơn đến việc trong đầu bạn có cái gì”.

“Liệu các bạn có biết hình ảnh trên đồng tiền Việt Nam đại diện cho cái gì, có ý nghĩa như thế nào? Họ quan tâm tới quan điểm và hiểu biết của bạn về một vấn đề.

Tiếng Anh mới chỉ là yếu tố đầu tiên để các bạn tự tin với chính mình. Yếu tố thứ 2 bạn phải có là kiến thức về lịch sử, văn hoá đất nước và khu vực. Sinh viên quốc tế đôi khi đã hiểu rất nhiều về Việt Nam rồi, nên nếu như các bạn không hiểu rõ về nơi các bạn sinh ra thì rất khó để bắt kịp câu chuyện với họ” - Thái An nói.

“Tất cả đều có trên internet. Thay vì lướt Facebook, các bạn có thể dành một chút thời gian để tìm kiếm thông tin. Các bạn hãy cứ ước mơ được bước ra khỏi đường biên giới, nhưng hãy đi với tâm thế một công dân Việt Nam chủ động hội nhập nhưng không hoà tan” – Thái An chia sẻ một cách đầy cảm xúc và nhiệt huyết.

Hoàng Gia Thắng cũng cho rằng, nhiều sinh viên đang rất thiếu sự chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, đón đầu hội nhập. “Liệu chúng ta có đủ kiến thức để giới thiệu bằng tiếng Anh cho khách nước ngoài về con phố mà chúng ta đang sống, một con phố mà chúng ta thường đi qua? Liệu các bạn có biết đi sang các nước ASEAN có cần visa hay không?”

{keywords}
H’ Jôl Ayun – sinh viên người Ê Đê, đại diện Hội Sinh viên ĐH Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đóng góp vào câu chuyện hội nhập, H’ Jôl Ayun – sinh viên người Ê Đê, đại diện Hội Sinh viên ĐH Tây Nguyên đã kể một câu chuyện đáng suy ngẫm: “Trên đường đi học về, em thấy một đoàn người nước ngoài đi phượt bằng xe máy dừng xe ở một tiệm tạp hoá. Họ chỉ muốn hỏi đường, nhưng chỉ nhìn thấy người nước ngoài thôi, chủ tiệm ngay lập tức đóng sập cửa trước sự ngơ ngác của nhóm người kia”.

“Bản thân em là một sinh viên người dân tộc thiểu số. Em từng bị hỏi rất nhiều lần ‘học tiếng Anh để làm gì?’ Sinh viên hay nói đùa với nhau rằng ‘học tiếng Anh chỉ để qua môn’”.

Câu chuyện của H’ Jôl Ayun muốn nêu lên một thực tế: Tinh thần và nhận thức về hội nhập quốc tế của người dân tộc thiểu số, thậm chí là đối tượng sinh viên còn rất hạn chế. Một phần do kinh tế nhưng phần lớn là do nhận thức. “Sinh viên trường em hầu như không có ý thức, không quan tâm đến vấn đề hội nhập. Em rất mong có một giải pháp nào đó thúc đẩy tinh thần hội nhập của sinh viên, đặc biệt là sinh viên dân tộc thiểu số chúng em” – nữ sinh người Ê Đê đề xuất.

Tham gia thảo luận còn có ý kiến của Nguyễn Trọng Hoàng Nam – sinh viên Thạc sĩ ngành Chính sách Công, ĐH Bristol, thành viên Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh. Hoàng Nam khẳng định: “Muốn hội nhập, chúng ta phải tôn trọng – tôn trọng chính bản thân chúng ta, tôn trọng ngôi trường mà chúng ta đang học, tôn trọng tổ chức và đất nước của chúng ta, tiếp sau đó là tôn trọng các nước bạn. Muốn để người khác tôn trọng mình thì chúng ta phải có các kỹ năng: kỹ năng mềm, kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng chuyên môn…”

Nguyễn Thảo

Giáo dục đại học VN: Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế như thế nào?

Giáo dục đại học VN: Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế như thế nào?

Nhiều quốc gia trên thế giới kể các các quốc gia có nền giáo dục đại học phát triển đang đứng trước nhu cầu phải đổi mới giáo dục đại học, tăng tính hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

"Giáo viên cần tháo vát để hội nhập"

"Giáo viên cần tháo vát để hội nhập"

TS Nguyễn Thành Nam cho rằng các thầy cô giáo hiện đang gặp phải một vấn đề lớn hiện nay là mất tự tin, đó chính là trở ngại với quá trình đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Giáo dục: Hội nhập giáo dục bắt đầu từ tiếp cận của công dân toàn cầu

Bộ trưởng Giáo dục: Hội nhập giáo dục bắt đầu từ tiếp cận của công dân toàn cầu

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hợp tác quốc tế trong giáo dục không chỉ là bao nhiêu suất học bổng mà mấu chốt là hội nhập về tư duy giáo dục.

Đổi mới chương trình để nguồn nhân lực thích ứng với hội nhập

Đổi mới chương trình để nguồn nhân lực thích ứng với hội nhập

Tại hội thảo quốc gia "Kế toán, kiểm toán trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP và AEC", các đại biểu đã đề xuất nhiều ý kiến thiết thực để việc đào tạo ngày càng đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Hội nhập khái niệm giáo sư

Hội nhập khái niệm giáo sư

Thử tưởng tượng sau khi nghe câu "kính thưa giáo sư, tiến sĩ ABC, bộ trưởng bộ XYZ", người được kính thưa dừng lại để đính chính.