Xác lập và định hướng tư tưởng rõ ràng cho tương lai, sàng lọc và liên hệ trước với nơi thực tập, chủ động tìm hiểu kiến thức thực tế… là những lưu ý dành cho các sinh viên thực tập hướng nghiệp.

Việc thực tập của sinh viên năm cuối là một cơ hội cũng như thách thức để kiểm tra kiến thức, và tích lũy kinh nghiệm trước khi bước vào môi trường làm việc thực tế. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng biết cách tận dụng môi trường thực tập thành “bệ phóng” tốt cho nghề nghiệp tương lai.

{keywords} 

Suốt hơn 10 năm phát triển, CareerLink.vn đã trở thành một trong những công ty tuyển dụng nhân sự, tìm kiếm việc làm chất lượng hàng đầu Việt Nam, là cầu nối quan trọng, uy tín giữa sinh viên năm cuối và doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Để tránh các lỗi không đáng xảy ra trong suốt quá trình thực tập, các bạn sinh viên phải nhớ 5 lưu ý dưới đây để tận dụng tốt khoảng thời gian quý báu này.

Xác lập và định hướng tư tưởng rõ ràng cho tương lai

Điều đầu tiên, bạn cần xác lập và định hướng tư tưởng rõ ràng về ngành nghề cụ thể sẽ gắn bó trong tương lai. Bạn học quản trị du lịch nhưng bạn cần biết bản thân muốn trở thành hướng dẫn viên nội địa hay quốc tế, người điều hành tour hay nhân viên sale vé lữ hành. Trả lời câu hỏi này sẽ giúp bạn khoanh vùng các nơi thực tập phù hợp, và làm cho bản CV “đẹp” hơn khi xin việc.

Bạn cần dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo, vì quyết định sai sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Nếu lĩnh vực hoạt động của cơ quan thực tập khác với ngành nghề mong muốn, hay đề tài thực tập không liên quan đến kiến thức đã học, thì điều này sẽ gây khó khăn cho bạn trong việc hoàn thành khóa luận cũng như chẳng tích lũy được kinh nghiệm gì cho công việc tương lai.

Sàng lọc và liên hệ trước với nơi thực tập

Thực tế, việc tìm nơi thực tập phù hợp cũng khó như tìm việc làm, và không phải ai cũng có sẵn nhiều mối quan hệ để nhờ cậy. Do đó, để tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” thì các bạn sinh viên phải chủ động liên hệ trước với các nơi thực tập.

Bạn có thể nhờ vào sự giới thiệu của thầy cô, bạn bè, người thân, hay tự tìm thông tin thông qua các trang tuyển dụng trực tuyến, ngày hội việc làm của trường. Việc liên hệ sớm sẽ giúp cho bạn được một suất thực tập đảm bảo, chọn được nơi làm việc phù hợp, và gặp những người hướng dẫn tận tình. Từ đó, bạn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kiến thức và cơ hội trở thành nhân viên chính thức cũng cao hơn.

Chủ động tìm hiểu kiến thức thực tế

Rất nhiều doanh nghiệp than phiền rằng hầu hết sinh viên thực tập đều cần phải đào tạo lại. Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra vì sự “lệch pha” giữa lý thuyết trường học và công việc ở doanh nghiệp. Do đó, rất nhiều bạn đã vỡ mộng “thực tập sinh nghiêm túc” khi bước chân vào môi trường thực tế.

Để tránh tình trạng “người vô hình”, “chân sai vặt”, hay “chỉ gì làm nấy”, thì bạn cần bày tỏ nguyện vọng, ý muốn về mục tiêu thực tập với người hướng dẫn để họ hiểu và giao việc phù hợp. Hãy mạnh dạn trong việc chia sẻ ý kiến, chủ động trao đổi với các anh, chị đồng nghiệp, tự tin đề xuất góp ý, thông qua những việc này bạn sẽ có một “chuyến hành trình” thực tập đáng nhớ và thu lượm nhiều kinh nghiệm bổ ích.

Giữ thái độ, tác phong chuyên nghiệp

Nhiều bạn sinh viên được người nhà “gửi gắm”, hay xem việc thực tập như một môn học bắt buộc ở trường, nên giữ tư tưởng làm việc cẩu thả, rong chơi, thiếu nghiêm túc. Điều này chỉ khiến bạn bị mất điểm từ người hướng dẫn, hoang phí thời gian và kinh nghiệm thu được chỉ là con số không tròn trĩnh.

Thực tập là bước đệm làm quen với môi trường làm việc thực thụ, nên bạn cần giữ vững thái độ, tác phong hành xử chuyên nghiệp. Bạn nên nghiêm chỉnh chấp hành nội quy làm việc, tôn trọng văn hóa công ty và có hành vi ứng xử chuẩn mực nơi công sở. Chỉ như vậy, bạn mới có thể học hỏi được nhiều điều từ công việc, hoặc các anh, chị đồng nghiệp, và xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội hữu ích về sau.

Làm quen với áp lực từ môi trường thực tế

Thực tập ở doanh nghiệp thì cũng đồng nghĩa rằng bạn đang cọ xát với áp lực làm việc, không còn là môi trường đại học “chăm bẵm” của bạn nữa. Bạn sẽ phải làm quen với những vấn đề đầy “thực tế” như: rắc rối về quan hệ với đồng nghiệp, sếp; bất đồng trong văn hóa làm việc; sự đơn điệu của công việc hằng ngày; cảm giác lạc lõng với những người xung quanh, và còn nhiều chuyện “tế nhị” nơi công sở khác.

Do đó, bạn hãy xem đây là một cơ hội để thử thách bản thân với những kỹ năng, kiến thức đã học từ ghế nhà trường. Làm việc dưới áp lực là một trong những cách trui rèn bản thân tốt nhất. Nếu như bạn có vấp phải một số vấn đề không thể giải quyết, thì đây được xem như là bài học quý báu để bạn tránh lặp lại các sai lầm đáng tiếc ở môi trường làm việc mới trong tương lai.

Trung Thành