-Lời toà soạn: Sau khi đăng tải ý kiến của phụ huynh Võ Quốc Bình ở TP.HCM đề nghị giải tán hội phụ huynh (ban đại diện cha mẹ học sinh) và phản hồi của Trường Tiểu học Hoà Bình, VietNamNet nhận được ý kiến của một độc giả chia sẻ kinh nghiệm làm chủ tịch hội phụ huynh. 

Dưới đây là ý kiến của độc giả là chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh. 

Tôi rất ủng hộ việc phản đối của anh Võ Quốc Bình. Chỉ có điều, tôi không cho rằng anh là người dũng cảm vì việc anh làm là điều mà bất cứ ai có tính tình thẳng thắn, chính trực đều phải làm để bảo vệ quyền lợi của con em mình và của chính mình.

Tôi cũng giống anh. Hồi đó, lớp của con tôi thu quỹ ban phụ huynh nhưng chi tiêu rất không hợp lý.

{keywords}
Ảnh minh họa: Phạm Hải

Chúng tôi yêu cầu thay đổi ban phụ huynh và tôi xung phong làm trưởng ban phụ huynh. Cùng với các vị phụ huynh tâm huyết khác, chúng tôi đề ra một bản quy định sử dụng quỹ ban phụ huynh lớp và lật ngược tỷ lệ chi cho các con từ 16% lên thành 80%.

Số còn lại 20% là dành cho khuyến khích, động viên thày cô vào những ngày đặc biệt như 8/3 hay 20/11 với điều kiện quà tặng bằng hiện vật.

Sau đó, đi họp phụ huynh trường thì nhận được một bản dự kiến thu chi của Quỹ Hội phụ huynh trường. Cầm nó trên tay, tôi phải hỏi lại cho chắc vì tưởng trường đưa nhầm bản dự kiến thưởng cho cán bộ nhân viên trường.

Toi đã tải Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh về và xây dựng lại một bản dự kiến thu/chi đúng theo quy định.

Sau đó, Hội Phụ huynh trường quản lý quỹ đó và chi cho việc chăm sóc thể chất, tinh thần cho các con.

Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ dùng vào việc ngoại giao như mua hoa chúc mừng ngày 20/11, chúc mừng khai giảng, v.v.

Trong hai năm sau đó, chúng tôi thực hiện nghiêm bản quy chế đó.

Tại các cuộc họp, tôi luôn tuyên bố là Quỹ này hoàn toàn tự nguyện, ai đóng thì đóng, ai không đóng cũng không bắt buộc.

Ngoài ra, Hội còn giám sát các công tác chăm sóc các con như bếp ăn, vệ sinh, an toàn, sử dụng cơ sở vật chất, v.v.

Cách tôi làm là thế. Muốn thay đổi, nhảy vào làm.

Giải tán Ban đại diện CMHS, không nên vì những bức xúc nhất thời của một số nơi làm không tốt

Độc giả Nguyễn Duy Thắng cũng có ý kiến trao đổi về vấn đề này. Dưới đây là ý kiến của anh Thắng.

Tôi là một người trong Ban đại diện CMHS của lớp con tôi đang theo học. 

Trước tiên, tôi cũng cho rằng anh Võ Quốc Bình là người rất thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình và cũng mong các bậc phu huynh khác cũng hãy nêu chính kiến của mình về việc này để góp phần nâng cao chất lượng học tập của chính con em mình. 

Nhưng có lẽ phải đề nghị anh Võ Quốc Bình vào Ban Đại diện CMHS của lớp để anh ấy biết thêm những mặt phải trong hoạt động của Ban đại diện CMHS, anh ấy sẽ biết những nỗi vất vả của các thành viên khi là người đứng giữa và phải giải quyết hài hòa giữa Nhà trường và các phụ huynh học sinh. 

{keywords}
Ảnh minh họa: Văn Châu

Tôi đồng ý là anh Bình chỉ nhìn thấy mặt trái của một số nơi làm không tốt (có lẽ một phần cũng do từ phía Nhà trường), nhưng không vì vậy mà quy chụp, đánh đồng cho đại đa số những nơi làm tốt. 

Ban Đại diện CMHS có là “cánh tay nối dài” của Nhà trường hay không hoặc lạm thu hay không là do nhận thức của các thành viên về quy định Điều lệ của tổ chức và cách vận dụng linh hoạt, triển khai thực tế. 

Nơi chúng tôi làm, Ban đại diện CMHS xây dựng quy chế hoạt động từ năm đầu tiên, có kế hoạch các khoản thu - chi rõ ràng từ đầu năm, tập trung chủ yếu (80%) phục vụ lợi ích học tập của các con, một số nội dung như: Trang trí lớp học đầu năm, tổ chức sinh nhật hàng tháng cho các con, chuẩn bị quà để cô giáo thưởng cho các con có tinh thần học tốt trong tuần, tặng quà các con được nhà trường khen thưởng học kỳ I và cả năm, tổ chức hoạt động vui chơi nhân dịp tết Trung thu, Lễ Noel…

Ngoài ra, tổ chức các hoạt động như: thăm phụ huynh và học sinh bị ốm phải vào viện, theo dõi các bữa ăn trưa đảm bảo an toàn thực phẩm, phối hợp với gia đình giải quyết con bị tăng động quấy phá trong lớp, giúp đỡ các trường hợp bị tự kỷ, tổ chức kết nối các phụ huynh khác thông qua các hoạt động dã ngoại tăng cường hiểu biết văn hóa lịch sử cho các con… Đó là các khoản chi hợp lý và hoạt động có ý nghĩa. Chính vì vậy, chúng tôi được các bậc phụ huynh đồng thuận và ủng hộ trong những năm qua.

Về việc xã hội hóa trong việc tăng cường các thiết bị dạy học như máy chiếu, điều hòa, máy tính, loa đài, tăng cường độ sáng chống cận thị… Khi kinh phí của Nhà nước không đủ thực hiện, các phụ huynh có mong muốn con mình có điều kiện học tập tốt thì việc xã hội hóa và huy động của phụ huynh và những mạnh thường quân là điều tất yếu. 

Các thiết bị này được đầu tư ở năm học đầu tiên và các năm sau cứ thế sử dụng và bảo trì sửa chữa (nếu có). 

Với chủ trương thực hiện xã hội hóa, trước hết Ban đại diện CMHS phải ý thức được việc đầu tư là thực sự cần thiết và nên làm để nâng cao chất lượng dạy và học cho các con, trong quá trình làm cần phải xin ý kiến, trình bày chi tiết, cụ thể để phụ huynh cũng nhận thấy là cần thiết, đồng lòng và tự nguyện ủng hộ, đóng góp. 

Đồng thời, Ban phụ huynh phải phối hợp với Nhà trường giám sát chặt chẽ việc triển khai, đảm bảo sự minh bạch. Ngoài ra, cần tìm hiểu đối với các gia đình khó khăn cũng nên trao đổi để đảm bảo sự hài hòa, phù hợp các mức ủng hộ, đóng góp. 

Tuyệt đối không nên năm nào cũng xã hội hóa đề xuất những thứ không thực sự cần thiết hoặc chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số các phụ huynh.

Các thành viên trong Ban phụ huynh đều có công việc, phải đi làm như mọi người, nhưng ngoài ra phải dành những thời gian nhất định để giải quyết các nhiệm vụ của lớp, tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của phụ huynh. Phải nói rằng nếu làm tốt sẽ rất vất vả và nhiều việc. Anh em chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc, nhưng thực tế đã có những người xin rút vì không bố trí được thời gian.

Với những gì chúng tôi đã làm và chia sẻ ở trên, tôi cho rằng cần chấn chỉnh lại hoạt động của Ban đại diện CMHS và có sự phối hợp khoa học, hợp lý của Nhà trường và ngành giáo dục. 

Các bậc phụ huynh không nên vì những bức xúc nhất thời của một số nơi làm không tốt mà đề xuất bỏ đi Ban đại diện CMHS. Sẽ thiệt thòi cho chính các con của mình không có được sự chăm lo, nâng cao các điều kiện học tập tại trường.

Toà soạn mong nhận thêm các trao đổi khác từ độc giả.