- Những ngày gần đây, xã hội đặc biệt quan tâm đến việc dạy - học đánh vần cho học sinh lớp 1. Đã có ý kiến nhiều chiều về cách dạy - học đánh vần, dạy - học âm và chữ trong các bộ sách giáo khoa hiện hành, đặc biệt là sách “Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục”.

Bài viết của TS Nguyễn Thế Dương (Viện Ngôn ngữ học) chia sẻ một góc nhìn về vấn đề dạy tiếng mẹ đẻ trong năm đầu cấp tiểu học từ thực tế của Úc, một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Học chữ từ… 5 tuổi

Trẻ em tại Úc chính thức làm quen với chữ và học đọc từ năm 5 tuổi khi các em bắt đầu bước vào cấp tiểu học, tức là sớm hơn so với Việt Nam một năm.

Lớp học đầu tiên của tiểu học được gọi là Prep, tức là lớp “chuẩn bị”, tương tự như “lớp vỡ lòng” của Việt Nam trước đây, nơi học sinh bắt đầu tiếp xúc với môi trường học đường thông qua các môn tiếng mẹ đẻ, toán, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

{keywords}
Một giờ học Prep của trường học Úc. Ảnh: Thế Dương

Theo Chương trình Giáo dục của Úc, học sinh Prep cần phải phân biệt được âm và chữ.

Sau khi hoàn thành xong năm học đầu tiên của cấp tiểu học, học sinh phải nhận diện được toàn bộ các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh và phân biệt được cách viết hoa và viết thường.

Các em cũng cần phải biết và sử dụng được những âm thông dụng nhất được thể hiện bằng hầu hết các chữ cái.

Học sinh khối vỡ lòng cần phải biết ghép các âm với nhau để đọc được các từ có cấu tạo theo dạng CVC (tức là phụ âm – nguyên âm – phụ âm).

Bên cạnh đó, các em cũng phải nhận diện và tạo ra các từ bắt vần với nhau, các từ có phần âm đầu giống nhau, các âm tiết và âm trong từ khi nói ra.

Về viết, học sinh cũng phải thể hiện được những hiểu biết về chữ cái và âm, bắt đầu sử dụng được dấu chấm câu và chữ viết hoa viết thường đúng cách, đúng chỗ. 

Dạy âm trước khi dạy chữ cái

Phương pháp dạy đọc và viết trong các trường của Úc được gọi là dạy âm tổng hợp (synthetic phonics).

Phương pháp này được áp dụng tại nhiều nước, trong đó có Anh, Canada, Mĩ… Nó chú trọng mối liên hệ giữa các âm vị (âm) và tự vị (chữ).

Các âm này được dạy riêng rẽ rồi sau đó mới được ghép với nhau qua các từ cụ thể.

Âm tại các vị trí khác nhau trong từ như đầu, cuối, giữa cũng được dạy và phân biệt rõ.

Học sinh Úc được dạy về âm trước.

Việc dạy âm được tiến hành thông qua các bài hát rất dễ thương và dễ hiểu. Đó là những giai điệu từ các bài hát quen thuộc với thiếu nhi nhưng được thay lời mới để phục vụ cho việc học âm.

Chẳng hạn, âm /k/ sẽ theo giai điệu của bài hát “She’ll be coming round the mountain” với lời như sau:

Kites are flying in the sky

/k/-/k/-/k/

Kites are flying in the sky

/k/-/k/-/k/

Kites are flying in the sky

… flying in the sky

… kites are flying in the sky

/k/-/k/-/k/

Khi hát, các em giơ tay lên cao, làm động tác như đang thả diều. Từ đó, các em sẽ nắm được các từ có âm “cờ” /k/ như kites, sky… đồng thời nắm được cách phát âm của âm /k/.

{keywords}
Bài học âm k. Ảnh: Tác giả cung cấp

Điều cần nhấn mạnh ở đây là thoạt đầu, phương pháp dạy âm tổng hợp không chú trọng đến dạy nghĩa, mà tập trung chủ yếu vào việc phát âm cho đúng.

Do đó, học sinh có thể tạo ra các từ vô nghĩa như feep hay choy, miễn là các em nhận diện và hiểu được âm đọc của các từ vô nghĩa này. Ngoài ra, giáo viên cũng thường hướng dẫn học sinh tập… làm thơ, mà thực chất là các câu có vần với nhau. Các “câu thơ” có thể ngô nghê nhưng quan trọng nhất là giúp các bé nắm được quy tắc về âm và vần.

Mặc dù yêu cầu cần đạt khi học hết lớp Prep là học sinh phải nắm được tên các chữ cái nhưng ở giai đoạn đầu tiên của Prep, giáo viên không dạy cho các em tên các chữ cái.

Tên của chữ chỉ được dạy khi các em nắm vững sự tương hợp âm/chữ và cách ghép âm để đọc.

Thông thường, tên của chữ cái được giới thiệu thông qua bài hát rất nổi tiếng về bảng chữ cái (ABC song).

Năng lực đọc được chuẩn hóa thành các cấp độ

Sau khi nắm được các nguyên tắc về âm, mỗi tuần, giáo viên đưa cho các em một bản danh sách gồm 12 từ thị giác (sight words).

Đó là những từ vựng cơ bản, thường được sử dụng với tần số cao và có thể ghi nhớ toàn bộ khối từ bằng mắt mà không cần phải tách âm hay vần, chẳng hạn như I, you, we, in… Cho đến hết Prep, các em được dạy 200 từ thị giác.

Với vốn từ thị giác và các kiến thức về âm và vần làm nền tảng, học sinh Prep cũng bắt đầu làm quen với việc học đọc.

{keywords}
Một bài học của học sinh Prep. Ảnh: Tác giả cung cấp

Năng lực đọc của trẻ em ở Úc được chia làm 30 cấp độ từ dễ đến khó. Chương trình giáo dục của nước này kì vọng học sinh sẽ hoàn tất 30 cấp độ đọc này khi học xong lớp 2. Sau khi học xong lớp Prep, học sinh được kì vọng sẽ đạt được cấp độ đọc 6.

Tuy nhiên, sự kì vọng này không đồng nghĩa với việc tất cả học sinh bắt buộc phải vượt qua cấp độ 6 này khi học xong Prep.

Trong bất cứ lớp nào, năng lực đọc của học sinh cũng không thể đồng đều. Có những em học đọc chậm hơn, cho nên, sau khi hoàn thành lớp Prep cũng chỉ vượt qua được cấp độ 4, hoặc thậm chí cấp độ 2.

Mặc dù không đạt được ngưỡng kì vọng nhưng các em này vẫn được lên lớp bình thường.

Ngược lại, những em thể hiện năng lực đọc tốt, hoàn toàn được phép “nhảy cóc”, nghĩa là có thể bỏ qua một vài cấp độ.Do đó, trong cùng một lớp, sau một năm học Prep, có em đạt được cấp độ đọc 23 nhưng cũng có em chỉ đạt cấp độ 2 hoặc 3.

Thông thường, giáo viên sẽ phân chia lớp theo các nhóm đọc khác nhau, tuỳ theo cấp độ đọc. Do đó, trong một lớp, nếu một học sinh có cấp độ đọc vượt trội so với các bạn cùng lớp và không thể ghép nhóm đọc với các bạn khác được thì học sinh đó, trong giờ tập đọc được chuyển sang lớp khác để ghép với các bạn có năng lực đọc tương đương. Tuy nhiên, hầu hết các em đều đạt được cấp độ đọc cao nhất sau khi hoàn thành lớp 2.

Hoàn toàn không có sách giáo khoa dạy tập đọc

Điểm đáng chú ý là Úc không có hệ thống sách giáo khoa cố định như ở Việt Nam.

Thay vào đó, để giúp học sinh đọc và đánh giá năng lực đọc các em, nước Úc có một hệ thống sách đọc rất phong phú, đầy đủ, hoàn thiện và khoa học.

Nội dung sách rất phong phú từ truyện vui, truyện hư cấu đến các sách khoa học được viết từ đơn giản nhất đến khó dần lên theo từng cấp độ đọc.

Hệ thống sách này được cung cấp đến từng lớp học. Trong mỗi lớp, thường có một giá sách rất lớn. Sách được sắp xếp trên giá theo từng cấp độ. Các em ở cấp độ đọc nào sẽ tự lựa chọn sách phù hợp, mang về nhà đọc. Giáo viên sẽ là người kiểm tra xem học sinh đã vượt qua được cấp độ đọc đó chưa và đưa ra quyết định cho ở lại cấp độ đọc đó, có lên cấp độ hoặc cho nhảy cóc.

Trong một lớp mà học sinh ở nhiều trình độ đọc khác nhau, giáo viên không bao giờ cảm thấy phiền lòng hay bị áp lực về thành tích của học sinh cả.

Ngược lại, học sinh được phát triển một cách tự nhiên, theo đúng năng lực bản thân. Học sinh được là chính mình, chứ không bị cuốn vào guồng quay thành tích và tiêu chuẩn chung của trường lớp. 

TS Nguyễn Thế Dương (Viện Ngôn ngữ học) 

7 điều trao đổi cùng người thẩm định chương trình Công nghệ giáo dục

7 điều trao đổi cùng người thẩm định chương trình Công nghệ giáo dục

Sau khi đọc bài viết Mấy điều trao đổi về phát biểu của GS Hồ Ngọc Đại trong buổi thuyết trình, TS Chương xin được trao đổi cùng Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục 7 điều.

Bộ GD-ĐT lên tiếng về việc triển khai tài liệu Tiếng Việt Công nghệ giáo dục

Bộ GD-ĐT lên tiếng về việc triển khai tài liệu Tiếng Việt Công nghệ giáo dục

- Trưa 7/9, Bộ GD-ĐT đã gửi tới các cơ quan báo chí thông tin về việc triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại.

Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục: Vì sao 3 chữ c/k/q đều đọc là "cờ"?

Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục: Vì sao 3 chữ c/k/q đều đọc là "cờ"?

Với môn Tiếng Việt 1 CNGD, học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành mà đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể.

Thứ trưởng Giáo dục khẳng định sức sống sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại

Thứ trưởng Giáo dục khẳng định sức sống sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại

Trao đổi với báo chí sáng 11/9, Thứ trưởng  Nguyễn Hữu Độ cho hay tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục vẫn ổn định ở 48 tỉnh, thành với 771.588 học sinh của 8.000 trường tiểu học.

Mấy điều trao đổi về phát biểu của GS Hồ Ngọc Đại trong buổi thuyết trình

Mấy điều trao đổi về phát biểu của GS Hồ Ngọc Đại trong buổi thuyết trình

“Lĩnh vực giáo dục nói riêng và xã hội nói chung chỉ phát triển khi sự khác biệt được tôn trọng”, PGS Ngôn ngữ Bùi Mạnh Hùng cho biết khi trao đổi với GS Hồ Ngọc Đại sau “cơn bão sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”.