- Trước thời điểm con vào lớp 1, các phụ huynh lại đau đầu và lúng túng trước bài toán nên hay không cho trẻ học chữ, làm toán trước để chuẩn bị tâm thế.


Nhiều phụ huynh chia sẻ nếu không con đi học trước thì khó có thể yên tâm khi xung quanh nhà nhà cho con đi học.

Chị Nguyễn Thị Yến (Hà Nội) thừa nhận gia đình chị vẫn phải cho con học trước khi vào lớp 1. “Giờ nhiều phụ huynh cho con mình đi học thêm, con minh không đi học sợ không theo kịp. Yên tâm sao được”, chị Yến nói.

{keywords}
Có nên cho con học trước khi vào lớp 1 vẫn là bài toán chưa có lời giải rõ ràng với các phụ huynh trước mỗi năm học mới. Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Chị Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ không nên cho con học sớm quá nhưng từ hè trước khi vào lớp 1 thì cũng cần thiết. Vì chương trình bây giờ không giống như trước đây và rất nặng. Ngày xưa đồng loạt không đi học thì không sao, giờ mọi người cho con học trước hết con mình không đi học trước thì khi vào lớp sợ không thể và khó có thể theo kịp bạn bè”.

Chị Trần Thị Trà (Nghệ An) chia sẻ: “Mình nghĩ cho trẻ học mà chơi, chơi mà học, không bắt ép nhưng kích thích tư duy sáng tạo, chơi chữ và nhận diện chữ. Biết đọc sớm cũng tốt. Mình ủng hộ việc cho học trước nhưng theo phương pháp mới, phát triển tư duy ngôn ngữ, sáng tạo”.

Số ít phụ huynh khác không có ý định cho con đi luyện chữ trước khi vào lớp 1.

Anh Trần An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ bản thân anh đã từng dạy cậu con trai lớn biết hết mặt chữ cái từ lúc con mới chỉ 2 tuổi nhưng rồi quyết định phải dừng lại.

“Cháu thứ 2 sắp vào lớp 1 và đến giờ vẫn chưa biết đọc. Lý do đơn giản là mình không muốn con học trước nội dung lớp 1. Năm nay, cả hai con đều đầu cấp, chúng tôi cũng rất băn khoăn chuyện chọn trường, chọn lớp cho các con học.

Cuối cùng đã chọn cho cả hai vào ngôi trường mà các ngày lễ Tết các thầy cô không nhận quà riêng của phụ huynh. Hiệu trưởng nói, các bố mẹ có điều kiện không giống nhau nên trường cấm giáo viên nhận quà riêng của phụ huynh. Vào dịp lễ tết như 8/3, 20/11, cô giáo chỉ nhận quà của Hội cha mẹ học sinh. Trường trả lương cho giáo viên thoả đáng và yêu cầu như vậy để đảm bảo mọi học sinh được quan tâm và giáo dục giống nhau. Chất lượng dạy và học chưa biết thế nào nhưng cách thức tư duy của hiệu trưởng như vậy khiến mình phần nào yên tâm”, anh An nói.

Không ít giáo viên chia sẻ, thực tế trong khi sĩ số của 1 lớp lên tới 30-50, thậm chí 60 học sinh và nếu các em không học chữ trước thì khi đến lớp, việc nắn tay từng trẻ là quá vất vả và không đủ thời gian.

Cô Hoàng Yến, một giáo viên tại Thanh Hóa chia sẻ: “Những bạn nào dạy lớp 1 mới thấy nỗi khổ khi đầu năm các em là tờ giấy trắng. 30 em mới vào mà cầm tay cả 30 em thì giáo viên đã chóng mặt rồi chưa kể không có đủ thời gian”.

Chị Nguyễn Thị D. giáo viên một trường tiểu học tại Nam Đinh tâm sự: “Muốn em nào cũng đọc tốt, viết đẹp, tính toán nhanh chứ dạy chỉ cho xong bài thì đơn giản. Phải nói thật rằng nếu trẻ không đi học trước, vào đầu năm giáo viên vất vả lắm. Tuy nhiên, cho trẻ học trước, tôi nghĩ cũng phải chọn người có chuyên môn chứ không thể dạy theo cảm tính”.

Đồng quan điểm, chị Trần Thị N, một giáo viên tiểu học tại Bắc Giang cũng chia sẻ phải từng là giáo viên dạy lớp 1 mới hiểu vất vả của các cô. “Tôi vẫn đồng ý là các cháu phải được chơi vào dịp hè. Nhưng tầm khoảng giữa tháng 7, cho các con học chữ cái, được làm quen trước với bảng, vở và cách cầm bút cũng có thể trẻ sẽ cảm thấy vui và như thế sẽ chia sẻ được phần nào với các cô giáo lớp 1”.

Những luồng quan điểm tranh luận về vấn đề này không chỉ với các bậc phụ huynh mà ngay cả những người nghiên cứu về giáo dục cũng có những ý kiến khác nhau.

TS Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì phản đối việc cho trẻ học trước. Theo bà Hương, việc biết chữ với trẻ Việt là chắc chắn và chỉ là việc sớm hay muộn nên học trước là không cần thiết.

Nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ được rời xa việc học chữ để chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh thì sẽ phát triển khả năng quan sát, liên tưởng và sáng tạo rất tốt.

“Khi trẻ không biết chữ trước, các em sẽ rèn luyện và có khả năng quan sát một cách tinh tế hơn ở những chi tiết nhỏ mà với các bạn biết chữ sẽ ỷ lại vào chữ nên không để ý. Thứ hai, trẻ dưới 6 tuổi “mù chữ” sẽ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt. Khi trẻ có sự quan sát tự do, không gò bó bởi các nguyên tắc, trẻ sẽ dễ dàng tìm ra những điểm mới thú vị làm cho người lớn phải ngạc nhiên. Tuy điều đó không phải là mới tinh với người lớn nhưng đó lại là điều mà trẻ lần đầu phát hiện. Đó là sáng tạo của riêng trẻ”, bà Hương nói.

Bà Hương nêu ví dụ trong một thí nghiệm thực hành với trẻ 5 tuổi, có 5 trẻ chưa và 5 đã biết đọc chữ.

“Trong số 5 cháu chưa biết chữ thì có 4 cháu đã biết bảng chữ cái và 1 cháu chưa biết gì. Chúng tôi cho trẻ đọc truyện tranh có các bức tranh to và lời thuyết minh ngắn (chừng 2 dòng) ở dưới. Cả 5 cháu biết chữ (biết đọc thành thạo) thì đều đọc khá chính xác câu chuyện. Nhưng 5 cháu chưa biết chữ thì đã kể cho chúng tôi 5 câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Đặc biệt khi chúng tôi yêu cầu đọc lại 1 lần nữa thì 5 cháu biết đọc đã đọc lại câu chuyện như cũ còn 5 cháu không biết chữ thì lại kể cho chúng tôi 5 câu chuyện khác hẳn.

Như vậy, với 5 cháu biết chữ, các câu chuyện lúc nào cũng giống nhau còn với 5 cháu chưa biết chữ, mỗi lần đọc là lại 1 câu chuyện mới rất thú vị theo sự tưởng tượng của các cháu khi quan sát các bức tranh. Đây là sự sáng tạo của trẻ “mù chữ”.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Là người nghiên cứu về giáo dục, ông Đỗ Hoàng Sơn cho rằng, không nên ép trẻ học nhưng cũng nếu trẻ có nhu cầu thì cũng không nên hãm không được học.

Theo ông Sơn, quan trọng nhất là các phụ huynh không nên cố nhồi nhét, ép trẻ học sớm nếu con không thực sự hứng thú. Ngược lại khi trẻ có nhu cầu thì cũng không nên ngăn cản, qua đó chọn cách cho tốt với từng đứa trẻ cụ thể.

"Những đứa trẻ sống trong môi trường quan sát thấy người lớn đọc sách, đọc chữ trên tivi, máy tính, chúng phát sinh nhu cầu cần đọc nhưng chúng ta cố gắng kìm hãm, không dạy đọc cho trẻ thì vô lý. Không nên coi tất cả mọi đứa trẻ đều như nhau. Một bộ phận trẻ nhỏ thích thú với việc học từ sớm mà bị kìm hãm thì nguy hiểm”.

Ông Sơn cũng dẫn chứng bản thân mình biết đọc lúc gần 5 tuổi, con trai lớn của ông biết đọc lúc gần 4 tuổi và đứa bé là 5 tuổi. “Do xung quanh biết đọc mà thấy thích thì trẻ học thôi và hoàn toàn toàn không ai ép học cả. Ngay GS Ngô Bảo Châu hồi bé cũng học một hôm là biết đọc và do một chị hàng xóm lớn hơn 4 tuổi dạy, cô này cũng biết đọc từ khi 4 tuổi”, ông Sơn nói.

Trẻ cần bàn tay vững để cầm bút chứ không phải cầm bút sớm

Về việc này, TS Chu Cẩm Thơ (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhìn nhận không phải học chữ trước, học tính trước sẽ giúp trẻ vững vàng vào lớp 1 mà cần chuẩn bị hơn về những điều khác.

Theo TS Thơ, việc đầu tiên là chuẩn bị cho trẻ nền nếp sinh hoạt cá nhân tốt. 

"Vào 5 tuổi, trẻ cần có thói quen: thức – ngủ, ăn uống điều độ, tự phục vụ được như tự ăn, tự dọn dẹp, tự đánh răng, tự rửa mặt, tự xếp đồ, tự quản,… Nếu trẻ chưa có nề nếp, thì khi đi học sẽ rất khổ cho chính trẻ. Trẻ sẽ thấy khó khăn khi hòa nhập, thấy sợ trước những yêu cầu của nhà trường, thấy ngợp trước sự trưởng thành của các bạn. Trẻ đã quen tự do, quen được chăm bẵm sẽ thấy chán, nản khi đi học. Đây cũng là nguyên nhân khiến bé khó hòa nhập và không thích đến trường”.

Thứ hai, cần chuẩn bị cho trẻ sức khỏe, kĩ năng vận động tốt. 

“Bé không cần cao lớn hay quá mập. Trẻ khỏe chính là không ốm vặt, không ngại ăn đồ đa dạng, vận động tốt. Tôi từng tiếp xúc với nhiều bé ốm và còi. Không phải do thể chất của bé, mà do cha mẹ quá tập trung vào trí não, khiến bé không có cơ hội được rèn luyện. Vì vậy cần giúp trẻ có đôi tay vững để cầm bút chứ không phải cầm bút sớm, khiến tay bé không vững. Tôi thường khuyên cha mẹ mua cho con những quả trứng (gỗ hoặc đá) để tập tay, rồi tập dùng kéo, dùng dao (an toàn) ,… để khiến vận động tinh xảo hơn”.

Thứ ba, cần tập cho bé tư duy và chịu khó suy nghĩ chứ không phải biết thật nhiều. 

“Tôi thấy việc đi học trước rất sai lầm nếu chúng ta chăm chú dạy cho bé kiến thức. Hãy cho bé thói quen có hứng thú, khám phá học tập cho bản thân, chịu khó quan sát, tìm tòi, suy nghĩ chứ không phải là thuộc lòng hay làm các phép tính tốt. Hơn nữa, các chuyên gia đã khuyến cáo rằng, học trước kiến thức khiến bé có cảm giác chán học giống như chán ăn nếu phải ăn lại, từ đó lười suy nghĩ”.

Cuối cùng cần dạy trẻ cách tôn trọng người khác.

 “Vào tiểu học, bé không thể được chiều, được chăm như ở nhà hay ở trường mẫu giáo. Trẻ cần được học cách sống trong cộng đồng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận và tự đấu tranh. Cha mẹ cần chuẩn bị cho con hiểu biết và tập tôn trọng người khác. Không phải ý kiến của mình, đòi hỏi của mình là trên hết và cũng không phải mình cần im lặng vì mình là kẻ yếu”.

Thanh Hùng