- Đầu mỗi năm học mới, để những khoản thu, đóng góp không biến tướng, méo mó thành lạm thu, không tạo thêm áp lực cơm áo cho những phụ huynh còn khó khăn vẫn là câu chuyện nhức nhối.

Theo ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT), huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.

Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc

- Gần đây, dư luận xôn xao về thư kêu gọi do Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Tố (Lê Chân, Hải Phòng) ký đưa ra kế hoạch bổ sung trang thiết bị giảng dạy, học tập, nhà trường... tổng số tiền lên đến trên 900 triệu đồng. Hay chuyện phụ huynh Trường TH Đông Vệ 2 (Thanh Hóa) kêu cứu lớp 1 cần mua cơ sở vật chất tổng giá trị khoảng 55 triệu đồng và chia đều cho mỗi phụ huynh đóng 1,3 triệu... Ông suy nghĩ sao khi năm nào việc tương tự như vậy cũng diễn ra ở đâu đó?

Lạm thu trong trường học mỗi dịp đầu năm học mới là vấn đề không phải mới, năm nào chúng ta cũng bàn đến chuyện lạm thu. Mặc dù các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và có hình thức kỷ luật rất thích đáng. Khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Đặc biệt trong xu thế hội nhập và bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra.

{keywords}
Ông Trần Tú Khánh trong một lần trả lời phỏng vấn VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang gặp phải vấn đề khá nghiêm trọng, đó là chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục. Không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục.

Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền như ở Hải Phòng, Thanh Hóa...

Bộ GD-ĐT năm nào cũng chủ động ban hành rất sớm các văn bản để hạn chế lạm thu, như năm nay ngay từ tháng 3 đã có văn bản hướng dẫn (văn bản 1029 ngày 29/3) gửi các địa phương hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu.

Trong đó nêu các vấn đề cụ thể, yêu cầu các cơ quan quản lý từ địa phương, sở/phòng GD-ĐT, đặc biệt đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, vừa rồi, vẫn tái diễn tình trạng lạm thu ở đây đó trên nhiều địa phương.

Từ câu chuyện kêu gọi sửa chữa cơ sở, nhưng làm không đúng, triển khai xin phép như Hải Phòng, cho thấy tư duy, cách thức thu và quản lý tài chính, huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh, các nhà tài trợ.

Thực tế là có nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt và thực sự muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy- học cho các con. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều những nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế. Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về văn bản số 1029 hướng dẫn địa phương ra sao để chấn chỉnh lạm thu, cũng như Bộ đã có hướng dẫn công tác thanh/kiểm tra cụ thể như thế nào?

Văn bản 1029 của Bộ GD-ĐT gửi tất cả các địa phương, trong đó có nhiều nội dung.

Thứ nhất là ổn định giá cả thị trường đối với ngành GD-ĐT, như giá SGK, thiết bị trường học.

Bên cạnh đó tăng học phí cũng là vấn đề cần xem xét, cân nhắc, ban hành mức học phí đầu năm học phù hợp. Đặc biệt trong đó có nội dung chấn chỉnh tình trạng lạm thu, yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ, từ kế hoạch năm học, kế hoạch kêu gọi, tài trợ, xã hội hóa, rồi tất cả các vấn đề liên quan đến thu chi để quán triệt trước và đầu năm học.

Văn bản này đã gửi đến các địa phương và nhiều địa phương đã triển khai, có văn bản chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý, huyện, sở/phòng GD-ĐT và các sở ban ngành liên quan.

Bộ cũng đã có hướng dẫn công tác thanh kiểm tra với việc triển khai các kế hoạch đào tạo trong năm. Đặc biệt thanh kiểm tra với lạm thu, giao cho các Sở GD-ĐT phải triển khai để phát hiện kịp thời những hiện tượng lợi dụng hội cha mẹ học sinh, xã hội hóa hoặc lợi dụng thông tư 29 để triển khai thu áp đặt, cào bằng, dẫn đến bất bình trong phụ huynh học sinh và người dân.

- Được biết Bộ GD-ĐT cũng đang lấy ý kiến để rà soát, sửa đổi Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về việc lấy ý kiến này?

Năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT đã chủ động chỉ đạo các vụ cục chức năng liên quan rà soát để sửa đổi 2 thông tư, đặc biệt là thông tư 55 nhằm tránh tình trạng các cơ sở giáo dục, địa phương mượn danh nghĩa Hội cha mẹ học sinh để thu các khoản thu không đúng quy định.

Thông tư 55 quy định rõ những gì Hội cha mẹ học sinh được và không được làm. Chẳng hạn, Hội cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động chứ không thu các khoản quyên góp, tài trợ các việc để chi các chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học. Điều này, trong Hội cha mẹ học sinh nhiều người cũng chưa nắm được, hoặc hiểu chưa rõ về trách nhiệm quyền hạn của mình.

Hiện, Bộ đang lấy ý kiến rộng rãi để bổ sung, sửa đổi thông tư 55. Bên cạnh thông tư 55, thông tư 29 để giải quyết những vấn đề kêu gọi, cho biếu, tặng, tài trợ... Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành sửa đổi, đã lấy ý kiến của địa phương và đặc biệt ý kiến các chuyên gia để sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục huy động một cách thuận lợi nguồn lực từ bên ngoài để nâng cao chất lượng, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất trong giai đoạn hiện nay.

- Theo ông, cần có biện pháp xử lý kiên quyết, đặc biệt với người đứng đầu Sở GD-ĐT như thế nào để chấm dứt tình trạng năm nào cũng có lạm thu?

Theo phân cấp quản lý, đúng là người đứng đầu cơ sở giáo dục địa phương, đặc biệt là Sở GĐ-ĐT phải gánh một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, năm học 2017-2018, Bộ cũng cùng với các địa phương và cơ quan thanh kiểm tra, xử lý quyết liệt; đã có những trường hợp đau lòng như kỉ luật và khởi tố người đứng đầu trường.

Ở đây, trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu. Còn liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh thì trong thông tư 55 đã nói rất rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền từ chối những gợi ý, kêu gọi các khoản đóng góp không phù hợp. Nếu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh hiểu, nắm rõ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của mình để thực hiện đúng và có sự chia sẻ với những phụ huynh khác thì sẽ không để xảy ra tình trạng lạm thu được.

Hiện, trong điều kiện nguồn lực nhà nước cho giáo dục còn hạn hẹp, nếu không có các nguồn tài chính từ cho, biếu, tặng đặc biệt nguồn xã hội hóa để cùng gánh vác với ngành thì sẽ rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáp dục. Bộ đã có văn bản hướng dẫn các khoản xã hội hóa, nguồn cho biếu tặng gửi các cơ sở giáo dục để triển khai thực hiện đúng, hiệu quả.

Để hạn chế “nở rộ” các khoản thu đầu năm, Bộ hàng năm đều cố gắng rà soát các văn bản pháp quy để hạn chế tối đa, đồng thời gắn kết với các kế hoạch thanh kiểm tra và chỉ đạo các địa phương rà soát phát hiện và xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần kêu gọi Ban đại diện cha mẹ học sinh và các phụ huynh hiểu đúng về huy động các nguồn thu từ xã hội. Bên cạnh các khoản thu kêu gọi xã hội hóa và tài trợ, nhà trường cũng rất cần sự ủng hộ của hội phụ huynh tùy mức độ khả năng của từng gia đình; nhưng tuyệt đối cấm các khoản thu áp đặt, cào bằng. Đặc biệt, nhà trường phải công khai minh bạch các khoản thu này. Đây có thể coi như một khoản ngân sách, cần thực hiện đúng theo các quy định của luật, như xây dựng, đấu thầu, mua sắm... Hy vọng với sự vào cuộc của cả xã hội, việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu và việc thu lợi dụng hội cha mẹ học sinh sẽ được chấn chỉnh trong năm học mới, để tạo ra môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hùng (Ghi)

Hà Nội công bố 31 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh lạm thu

Hà Nội công bố 31 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh lạm thu

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố số điện thoại đường dây nóng để người học, phụ huynh và nhân dân phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định năm học 2018-2019 tại các trường trên địa bàn.

Phụ huynh được trả gần 1,5 tỷ đồng lạm thu

Phụ huynh được trả gần 1,5 tỷ đồng lạm thu

Sau các sai phạm, Trường tiểu học Đặng Cương đã phải trả cho phụ huynh học sinh gần 1,5 tỷ đồng tiền lạm thu.

Bị kỷ luật vì lạm thu vẫn được điều chuyển làm hiệu trưởng

Bị kỷ luật vì lạm thu vẫn được điều chuyển làm hiệu trưởng

Sau khi bị kỉ luật bằng hình thức khiển trách, bà Cao Thị Mỹ Thuyết vẫn được điều chuyển đến một trường khác làm hiệu trưởng.

Cách chức hiệu trưởng trường tiểu học bị tố lạm thu

Cách chức hiệu trưởng trường tiểu học bị tố lạm thu

Hiệu trưởng trường tiểu học Đặng Cương đã bị cắt chức. Hiệu phó của trường này cũng bị kỷ luật khiển trách.