- Một học sinh của Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) bị bỏng nặng tại phòng thí nghiệm do các bạn cùng lớp nghịch cồn, song đã hơn 1 tháng trôi qua, trường này vẫn chưa hề đưa ra hình thức kỷ luật với các cá nhân liên quan.

Và nếu nữ sinh này không đăng tải những dòng tâm sự lên mạng xã hội và được nhiều người chia sẻ, thì chẳng ai dám chắc lãnh đạo trường có giải quyết vụ việc đến cùng.

{keywords}
Những vết bỏng trên thân thể em D.A.

Cụ thể, như VietNamNet đã đưa tin, tai nạn bất ngờ ập đến với em Đinh D.A (lớp 12A2) vào cuối giờ thực hành Hóa ngày 5/1 tại phòng thực hành Hóa – Sinh. Sau khi thực hành xong học sinh tiến hành dọn dẹp, có một số học sinh nam nghịch lửa và cồn dẫn tới vụ nổ làm 3 học sinh đứng gần đó bị bỏng, em Đinh D.A bị bỏng nặng nhất ở cấp độ 3.

Lúc xảy ra sự việc không có giáo viên ở trong phòng học.

Sự việc xảy ra ngày 5/1, lãnh đạo nhà trường cho biết đã có văn bản báo cáo Sở GD-ĐT ngay sao đó và trong khoảng thời gian này, các cá nhân liên quan cũng có bản tường trình.

Cùng đó, trong các báo cáo, nhà trường đều cho biết, sau khi sự cố xảy ra, ban giám hiệu đã tiến hành họp để xử lý vụ việc với sự có mặt của học sinh, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn; nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm trong cuộc họp liên tịch mở rộng, với học sinh toàn trường.

Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 1 tháng sau khi sự việc xảy ra, trường THPT Phan Đình Phùng vẫn chưa hề có bất cứ hình thức xử lý kỷ luật nào với các cá nhân có liên quan.

Thậm chí, đến ngày 7/2, tức là chỉ sau khi học sinh D.A. đăng tải những tâm sự lên mạng xã hội, 3 học sinh gây bỏng trong phòng thí nghiệm và giáo viên trông lớp trong giờ thực hành hôm đó mới làm bản kiểm điểm.

Về việc này, trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Bích Loan, Hiệu phó nhà trường lý giải rằng trường làm theo quy trình. “Quy trình xử lý kỷ luật là từng cá nhân viết bản tường trình, sau đó mời các bên có liên quan đến rồi mới thành lập hội đồng kỷ luật. Trong các cuộc họp liên tịch chúng tôi cũng đã có báo cáo”.

Bà Loan nói thêm: “Bất cứ việc gì, trong vòng 2 tháng, nhà trường sẽ đưa ra hướng giải quyết cuối cùng. Nhà trường vẫn đang tiến hành thu thập các thông tin, hoàn thiện biên bản, hồ sơ để tiến hành kỷ luật các các nhân có liên quan, gồm học sinh vô ý, cô giáo đứng giờ học và có thể là người đứng đầu nhà trường”.

Bà Loan cho biết, nhà trường chậm trễ trong việc họp đưa ra hình thức kỷ luật một phần do sự việc xảy ra cận Tết Nguyên Đán thì còn với lý do là “đợi em D.A bình phục đến trường”.

“Nguyên tắc kỷ luật là em D.A phải đến trường. Bởi khi xét kỷ luật phải có em D.A, phải có phụ huynh học sinh và các bên, chứ không thể đưa ra hình thức kỷ luật khi có bên liên quan vắng mặt được”, bà Loan nói.

Một điều đáng chú ý là trong các biên bản báo cáo của trường cũng không hề nhắc đến việc cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh - người phụ trách tiết học có trách nhiệm bao quát lớp học đã không có mặt trong suốt giờ học của các em học sinh.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng.

Qua tìm hiểu của VietNamNet, cô Mai Anh vốn là nhân viên phòng thí nghiệm, nhận trông hộ lớp thay cho cô Phạm Hương Giang, giáo viên môn Hóa, tiết thực hành của lớp 12A2 ngày 5/1.

Bà Loan cho biết: “Theo tường trình của cô giáo và phản ánh của các học sinh trong lớp theo điều tra của nhà trường thì trong cả buổi thực hành đó thì cô giáo có mặt”.

Vị hiệu phó nói thêm: “Có học sinh thì nói cô vào dặn dò này khác, không nói nhiều đến thời gian mà cô vắng mặt, nhưng có học sinh thì nói là cô vắng mặt nhiều. Vậy số thời gian vắng mặt nhiều hay ít thì phải tập hợp biên bản và trong hôm họp kỷ luật sẽ nói rõ là trong 45 phút đó cô vắng mặt là bao lâu”.

Thừa nhận việc không có mặt trong suốt giờ học của cô giáo là sai, nhưng trước băn khoăn khi cũng chưa có hình thức kỷ luật thì bà Loan trả lời: “Khi có sự việc xảy ra thì phải mời cả em D.A và cô Mai Anh đến mới đưa ra hình thức kỷ luật”.

{keywords}

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, chịu trách nhiệm bao quát, quản lý lớp học trong giờ thực hành.

Trong khi vị phó hiệu trưởng đang vòng vo về việc đang điều tra về thời gian cô giáo trong giờ thực hành là bao lâu, cô giáo Mai Anh thừa nhận lỗi sai của mình khi không sát sao được lớp khi nhận lời trông lớp thay.

Cô Mai Anh tự kiểm điểm: “Khi đến giờ thực hành tôi mở cửa nhưng không thấy học sinh nên về phòng mình nhắn tin cho cô Giang là không thấy học sinh xuống. Nhưng do tôi có sự cố cũng không ra phòng thực hành. Khi học sinh xuống thì tự xuống phòng tự thực hành nên tôi cũng không vào nữa mà chỉ ở ngoài để ý xem học sinh tự làm. Gần hết giờ tôi có vào và nhắc các bạn đang làm xung quanh bàn thực hành dọn dẹp và đi ra nên dẫn đến việc học sinh tự nghịch và có 5 học sinh bị bỏng, trong đó có 3 học sinh đã được tôi sơ cứu và đưa vào bệnh viện để cấp cứu. Qua sự việc trên, tôi nhận thấy là mình đã sai khi không sát sao học sinh làm thực hành và nhận mọi phán quyết của ban giám hiệu”.

Trước câu hỏi của phóng viên về thời gian họp hội đồng kỉ luật sẽ diễn ra vào ngày nào, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong vòng 2 tuần nữa sẽ thực hiện xong việc đó.

Nữ sinh D.A cho biết, vì yêu quý trường nên sự việc xảy ra khá lâu nhưng em vẫn im lặng chờ hướng xử lý hợp lý. Theo D.A, những vết thương do vụ nổ gây ra cho em về thể xác và tinh thần rất đau đớn. Em có thể sẽ phải từ bỏ ước mơ vào trường Y vì tay em hiện vẫn đang rất đau, không viết được. Chưa kể, cả sau khi bình phục, thì di chứng của những vết thương để lại trên thân thể hẳn cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai và cuộc sống của em.

Cuối ngày 7/2, trao đổi với VietNamNet, ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã yêu cầu nhà trường kiểm điểm để hoàn tất mọi việc ngay trong tuần này. “Quan điểm của Sở là sẽ xử lý nghiêm, hết sức khách quan nhưng trên tinh thần giáo dục với các em học sinh tránh sự việc tương tự. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường tập trung ổn định việc học tập cho các em học sinh, đặc biệt tạo điều kiện để em D.A có tâm lý tốt nhất sớm quay lại trường”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thanh Hùng