- Bà tiễn đứa con trai vừa tròn 18 tuổi lên Lạng Sơn vào tháng 5/1978. Ba tháng sau thì bà nhận được tin anh hy sinh. Đó là ngày 25/8/1978.

Buổi sáng một ngày giữa tháng Hai. Trong căn nhà nằm sâu trong con ngõ giáp ngoại thành, bà Khương Thị Chu ngồi một mình, lặng lẽ nhìn ra khoảnh sân nhỏ có chiếc cổng sắt đã cũ vì thời gian.

Bà Chu năm nay 85 tuổi, là thân sinh của liệt sĩ Lê Đình Chinh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc, khi vừa tròn 18 tuổi.

Kéo chiếc khăn tối màu che mái tóc bạc trắng, bà Chu nói rằng, trí nhớ của bà nay đã kém, chẳng nhớ được nhiều chuyện xưa. Thế nhưng, câu chuyện của bà về người con cả hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới thì vẫn rất rành rõ.

Nó như hằn rất sâu trong ký ức của người mẹ già.

{keywords}
Cụ bà Khương Thị Chu, năm nay 85 tuổi, thân sinh liệt sĩ Lê Đình Chinh trong căn nhà nhỏ của mình. Ảnh: Lê Văn.

Bà Chu vốn quê gốc ở huyện Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1955, bà gặp ông Lê Đình Tùng khi ông tập kết ra bắc ở Nông trường Ba Vì rồi nên duyên vợ chồng. Năm 1960, bà sinh anh Chinh. Hai năm sau, ông bà có thêm một cô con gái, đặt tên là Phụng.

Vài năm sau, ông bà xin chuyển về công tác tại Nông trường Sông Âm, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa - quê hương ông Tùng. Tại đây, bà Chu sinh thêm 4 người con trai. Ông bà đặt tên cho các con lần lượt là Chiến - Lợi - Lai - Thái.

Bà Chu kể, ngày ấy, ngày ấy, trường học của xã cách nhà bà tới 3 cây số, phải vượt qua 2 con dốc cao mới tới nơi. Thế mà ngày nào đám trẻ nhà bà cũng cuốc bộ đi học.

Thế nhưng buổi sáng đi học, buổi chiều về ăn cơm xong là mỗi đứa mỗi việc. Đứa đi lấy củi, đứa đi tìm rau cho lợn, đứa thì chăm em. "Thằng Chinh là con cả nên nó cũng là đứa vất vả nhất" - bà Chu nói. "Thằng Thái (con út của bà) hồi đó đều do thằng một tay Chinh đút cơm cho mà lớn".

Cuối năm 1975, khi vừa tròn 15 tuổi, vẫn đang là học sinh lớp 7, Lê Đình Chinh quyết định viết đơn xin nhập ngũ. Bà Chu kể, Chinh lén giấu ba mẹ nộp đơn, đến khi được nhận đơn rồi mới về xin phép với ông bà. Cuối năm đó, Lê Đình Chinh khoác lên người bộ quân phục, lên đường nhập ngũ.

{keywords}
Chân dung liệt sĩ Lê Đình Chinh - chiến sĩ đầu tiên ngã xuống trên mặt trận biên giới phía Bắc.
Lần cuối bà Chu gặp lại người con cả là lần anh Chinh bị thương ở chân được đưa từ chiến trường Đăk Lăk về điều trị ở Xuân Mai. Trước khi anh Chinh được điều động lên Lạng Sơn nhận nhiệm vụ mới, anh được nghỉ phép một tuần.

Bà tiễn đứa con trai vừa tròn 18 tuổi lên Lạng Sơn vào tháng 5/1978. Ba tháng sau thì bà nhận được tin anh hy sinh. Đó là ngày 25/8/1978.

Câu chuyện về sự hy sinh của anh Chinh ngày hôm ấy, bà Chu chỉ được nghe đồng đội anh kể lại, nhưng lần nào nhắc đến cũng khiến lòng bà quặn thắt.

Bà kể, khi ấy Trung Quốc đột ngột đóng cửa biên giới khiến người Hoa đang kéo về nước bị dồn lại ùn ứ nơi cửa khẩu. Họ dựng lán trại, ăn uống sinh hoạt ngay ở sát cửa khẩu. Anh Chinh nằm trong lực lượng tăng cường bảo đảm an toàn cho đoàn cán bộ tới vận động, giải tỏa những người Hoa này.

Hôm ấy, anh Chinh vừa kết thúc ca trực của mình, còn đang dở bữa cơm trưa nhưng khi nghe thấy báo động trên đồi Pù Tèo Hào nơi đoàn cán bộ đang bị một toán người Trung Quốc hành hung, anh đã cùng đồng đội xông lên giải cứu.

Tại đây, sau khi cứu được một cán bộ phụ nữ, anh Chinh nghe thấy tiếng kêu cứu của đồng đội Lê Xuân Tước nên quay lại cứu anh Tước khỏi vòng vây.

Thế nhưng khi truy kích tên địch, anh đã bị kẻ địch phục kích trong lán trại của người Hoa dùng gậy vụt vào ống chân khiến anh ngã sấp xuống. Chỉ chờ có thế, một toán lính biên phòng Trung Quốc từ biên kia biên giới lao sang, dùng dao quắm chém liên tiếp vào đầu, vào cổ anh.

Anh đã nằm xuống bởi sự tàn bạo của quân thù, khi trong tay không một tấc sắt.

Đồng đội anh kể lại với bà, cái chết của anh Chinh đã buộc người Trung Quốc phải mở cửa khẩu cho người Hoa chạy về nước. Tối hôm đó, đã không còn một bóng người Hoa nào ở biên giới Việt Nam.

Kể tới đây, bà cụ Chu ngậm ngùi nhìn lên bức ảnh chân dung anh Chinh treo trên bức tường phía trên ghế ngồi. Bà bảo, anh Chinh hy sinh vì Tổ quốc, bà không tiếc. Bà chỉ tiếc anh còn trẻ quá. "Giá nó có vợ có con rồi thì còn đỡ tủi, đằng này, nó còn trắng trơn như thế".

Rồi người mẹ già nhẩm tính, như tự nói với mình: "Nếu như nó còn sống thì đến nay nó cũng đã 57-58, sắp tới tuổi nghỉ hưu, sắp được nghỉ ngơi rồi".

Anh Chinh mất được vài năm thì ông Tùng, chồng bà cũng đổ bệnh rồi qua đời. Hai người đàn ông trụ cột trong gia đình lần lượt bỏ bà ra đi, bà Chu một mìnhh tần tảo chăm lo cho 5 đứa con còn lại.

Bà bảo, bà đi làm công nhân từ trẻ. Chữ bà được học khi ở nông trường nên văn hóa bà chưa học hết lớp 3. Thế nhưng, bà luôn cố gắng để các con được ăn học thành người. Những người trong Nông trường Sông Âm hồi ấy, ai cũng khen 5 đứa con nhà bà ngoan ngoãn, chịu thương, chịu khó.

Nối bước anh Chinh, 5 người em thì có 4 người lần lượt vào quân ngũ. Dù sau này, các anh chị đều ra quân và làm việc ở ngành nghề khác nhưng những năm tháng trong quân ngũ và tấm gương người anh cả cho tới nay vẫn là vốn liếng trong công việc, xử thế cũng như dạy dỗ con cái của mình.

Bà Chu kể, anh em chồng bà ở quê đều đã mất cả, thế nhưng, năm nào, mỗi dịp Tết 4 đứa con trai của bà mang lễ về quê thắp hương rồi mới ra mộ thắp hương cho anh Chinh.

Mười một đứa cháu của bà, đứa lên nhất mới 30 tuổi, chẳng đứa nào biết mặt bác Chinh nhưng đứa nào cũng được bà kể cho nghe câu chuyện hy sinh anh dũng của bác.

{keywords}
Bức ảnh chân dung anh Chinh kèm theo bài thơ về anh do ngôi trường mang tên anh tại TP. HCM được bà Chu treo trang trọng trong căn phòng của mình.

Ngày 6/1/2013, sau nhiều năm bà Chu đề đạt nguyện vọng, cuối cùng hài cốt anh Chinh mới được đưa về quê nhà, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (Thanh Hóa). Đó là tâm nguyện lúc cuối đời của bà Chu.

Bà cụ Chu bảo, hồi anh mới hy sinh, bà có lên thăm mộ anh. Anh Chinh được an táng ngay ở gần đồi Pù Tèo Hào, nơi anh ngã xuống. Đồng đội anh nói với bà: "Bác ạ, chúng cháu đã xác định chiến tranh là phải có hy sinh nên đã đào sẵn 10 cái hố. Không ngờ anh Chinh lại là người đầu tiên".

Bà nói, sau này, chỗ anh Chinh nằm là nơi Trung Quốc bắn pháo dữ dội. Bà đã lo mộ anh không giữ được. "Tôi nói với các anh trên ấy, tôi biết chiến tranh thì mất mát, hy sinh là chuyện không tránh được, các anh cứ nói cho tôi biết mộ thằng Chinh có còn không" - bà Chu kể lại. "Sau này, tôi mới biết các anh ấy đã đưa mộ Chinh về nghĩa trang huyện Cao Lộc".

Thế rồi 35 năm kể từ khi anh dũng hy sinh, anh Chinh cũng trở về quê nhà. Hồi đó, khi đón đứa con cả của mình tại quê nhà, bà Chu đã khóc rất nhiều.

Giờ đây người mẹ già không còn khóc nữa. Bà bảo bà yếu lắm rồi. Nhưng mỗi dịp như thế này, bà lại không nguôi nhớ về người đứa con đã mất của mình. Bà lại thấy đau.

Bà Chu cười cười chìa tay cho tôi nắm khi tôi dắt xe ra tới cổng để ra về. Bà nói, khi nào về Thanh Hóa thì ghé nhà bà chơi cho bà vui. Rồi bà lặng lẽ quay trở vào căn nhà trong con ngõ nhỏ giáp ngoại thành.

Người mẹ già sẽ lại ngồi một mình với nỗi nhớ khắc khoải về người con đã anh dũng nằm xuống ở tuổi 18 của mình mà một kẻ xa lạ là tôi vừa mới khơi lại. Có lẽ lúc ấy, bà sẽ lại khóc. Tôi bỗng dưng thấy mình có lỗi.

Những chiếc lá vàng lao xao dưới chân tường đầy nắng.

Lê Văn