- Lời tòa soạn: Sau khi giới thiệu một số bài văn của các học sinh tiểu học (thu thập từ trường học hoặc phụ huynh gửi tới), VietNamNet nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc, đặc biệt là các bậc phụ huynh.

Đặc biệt, sau bài viết “Những bà mẹ khơi mạch văn cho con yêu”, kể chuyện một số bậc cha mẹ, dù bận rộn vẫn dành tâm sức dạy con làm văn để cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống, VietNamNet nhận được khích lệ từ nhiều độc giả:

Đây là một bài viết rất hay và có ích đối với các bậc phụ huynh đang có con đi học và mới tập làm văn. Cảm ơn tác giả đã đưa ra phương pháp vừa dạy vừa thực hành một cách thực tế. Cách viết như thế này của tác giả sẽ được rất nhiều người đọc ủng hộ”.

Theo dõi các bài văn của học sinh cũng như các bài viết xung quanh câu chuyện dạy và học văn, cô giáo Mai Nhị Hà, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề nghị phối hợp với VietNamNet cùng với các giáo viên dạy giỏi ở các trường “tiếp sức” với phụ huynh trong việc dạy trẻ viết văn.

Theo đó, hàng tuần, sẽ có bài viết giới thiệu, gợi ý cách dạy học trò làm các bài văn.


Đưa con vào lớp. Ảnh: Lê Anh Dũng

BÀI 1: GIÚP TRẺ LỚP 2 LÀM VĂN MIÊU TẢ

Làm thế nào để dạy các em lớp 2 viết được một đoạn văn miêu tả đúng ngữ pháp, giàu hình ảnh, chân thực, sáng tạo? Những giáo viên giỏi văn của Hà Nội sẽ đưa ra gợi ý thông qua hướng dẫn cách dạy học trò tả mùa hè dưới đây.    

Phải tả về mùa hè từ…tháng một

Khi tả về mùa hè, học trò thường thiếu cảm xúc từ thực tế, bởi thời điểm phải làm văn về đề tài này rơi vào tháng một, thật khó để nhớ lại mùa hè mặt trời, cây cối, tiếng ve kêu như thế nào.

Các em biết mùa hè bắt đầu từ tháng tư vì vừa được học về Bốn mùa trong bài Luyện từ và câu. Với miền Bắc, tháng tư dương lịch, chưa có tiếng ve kêu râm ran, chưa có hoa phượng nở. Trò viết được “mùa hè cho trái ngọt, hoa thơm” bởi trò đọc được từ bài Tập đọc.

Chính vì vậy, có rất nhiều học trò trở nên ngại viết văn bởi luôn cảm thấy mình viết văn chưa hay.

Rất nhiều em ở lớp 2 không biết mùa hè bắt đầu từ tháng nào. Có em tả về mùa hè như sau:

(1) Mùa hè bắt đầu từ tháng sáu trong năm. Mặt trời mùa hè chói chang không nhìn thấy. Cây trái trong vườn tươi tốt. Học sinh thường ở nhà vào dịp nghỉ hè.

(2) Mùa hè bắt đầu từ tháng tư. Mặt trời mùa hè rất rực rỡ và chói chang. Tuy nhiên thời tiết mùa hè rất oi nồng. Trái cây trong vườn tốt tươi. Vào mùa hè bố mẹ cho em về quê chơi. Em rất yêu mùa hè và mong mùa hè tới nhanh để em lại được về quê.

(3) Mùa hè bắt đầu từ tháng tư dương lịch trong năm khi hoa phượng nở. Mặt trời mùa hè chói chang, tỏa những tia nắng gay gắt, nóng bỏng làm cho không khí oi bức khó chịu. Cây cối trong vườn đâm hoa kết trái. Mùa hè là mùa trái ngon, quả ngọt. Học sinh chúng em được nghỉ ngơi theo gia đình về quê, ra biển tắm. Em rất yêu thích mùa hè được vui chơi thỏa thích.

Nếu đọc tiếp các đoạn văn, ta sẽ thấy học trò lớp 2 tả mùa hè khá giống nhau. Không phải học trò lớp 2 chép văn mẫu. Bởi vì, ở giờ học văn này, các em đang tập viết văn tả ngắn về mùa hè với các câu hỏi gợi ý :

-         Mùa hè bắt đầu từ tháng nào trong năm ?

-         Mặt trời mùa hè như thế nào ?

-         Cây trái trong vườn như thế nào ?

-         Học sinh thường làm gì vào dịp nghỉ hè ?

Thời gian để viết đoạn văn ngắn như trên các em có khoảng 15 phút, bởi trước đó là thời gian cô hướng dẫn các em tìm hiểu đoạn văn “Xuân về”, tập trả lời theo câu hỏi gợi ý về mùa hè. Các em chỉ tả ngắn về mùa hè một lần trong năm lớp 2 - tiết văn tiếp theo, các em lại học tả ngắn về loài chim.

Làm thế nào để không tả giống nhau?

Cùng một gợi ý, lại chỉ được viết trong 15 phút tại lớp, hiển nhiên, các em sẽ viết khá giống nhau.

Để giúp học sinh tả ngắn về mùa hè với những cảm xúc chân thực, sau lần viết thứ nhất của trò, các thầy cô hướng dẫn thêm để trò tập viết văn tốt hơn. Em Dương Xuân Bách, lớp 2A1 trường Tiểu học Tiền Phong, huyện Gia Lâm, Hà Nội lần thứ nhất tả mùa hè như thế này:




Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, chủ nhiệm lớp 2A1 gợi ý thêm cho Bách:
- Mùa hè năm trước, con có nghe thấy âm thanh gì ở khắp nơi không ?  Tiếng ve làm cho mọi người cảm thấy như thế nào ? Theo con, mùa hè loại hoa nào nở nhiều nhất ? Màu sắc của hoa như thế nào ? Quả gì con hay được ăn vào mùa hè ? Màu sắc và vị của nó như thế nào ? Mùa hè, con thường làm gì và được đi đâu chơi?
Bạn Bách viết lần thứ hai về mùa hè:



Cô giáo Mai Vân Hà chủ nhiệm lớp 2E
trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có bí quyết hướng dẫn các bạn viết văn như sau:

Cô gợi ý: Ngoài mốc thời gian tháng tư, còn có cách giới thiệu nào về mùa hè tự nhiên và thú vị hơn? Bạn Huy Phước giơ tay phát biểu: Khi hoa phượng nở thì mùa hè đến; còn bạn Thùy Dương  chọn: Mùa hè còn có tiếng ve.

Cô hỏi tiếp: Người ta thường gọi các chú ve là ca sĩ của mùa hè. Nếu giới thiệu mùa hè gắn với tiếng ve thì chúng ta nên nói thế nào cho sinh động ? Bạn Thùy Dương suy nghĩ một lúc rồi hăng hái trả lời: Những tiếng ve kêu râm ran trong vòm lá như một dàn hợp xướng báo hiệu mùa hè đã đến.

Còn khi tả ông mặt trời, cô giúp các bạn tìm nhiều từ ngữ để diễn đạt như chói chang, rực rỡ, gay gắt…Cô hỏi: Tia nắng mùa hè chiếu xuyên qua lá cây lúc ẩn lúc hiện. Ta sẽ so sánh chúng với hình ảnh gì ?

Lê Bách tưởng tượng: Ánh nắng mặt trời nhảy nhót như những chú bé tinh nghịch; Hiền My ví von: Mặt trời là mẹ còn tia nắng mùa hè là những đứa con đang vui chơi.

Cô luôn dành cho học trò sự động viên, khích lệ khi trò chưa tìm được cách diễn đạt thực tế cho đoạn văn.

Chẳng hạn, bạn Minh Hiếu rụt rè chia sẻ: Bố mẹ rất bận nên con chỉ được ở nhà với ông bà thôi. Cô gợi ý tiếp: Vậy lúc ở nhà, con giúp ông bà những việc gì? Hiếu đáp: Hàng ngày con quét nhà và tự ôn bài.

Và cuối cùng thì Hiếu cũng có câu văn rất chân thật như sau: Hè tới, em thường ở nhà giúp bà quét nhà và ôn lại những kiến thức cũ. Giờ đây, Hiếu không còn rụt rè khi tập làm văn nữa.

Ngoài sự hướng dẫn của thầy cô trên lớp, các em rất cần có sự quan sát từ thực tế. Mùa hè đã đến rồi, các bạn lớp 1 hãy quan sát bầu trời, ánh nắng, không khí, cây cối…để có những áng văn hay cho năm lớp 2 nhé.

Các bạn có thể gửi bài hoặc nhờ bố mẹ gửi bài tới báo VietNamNet. Các bài viết hay sẽ được chọn đăng và có cơ hội nhận quà tặng là một bộ máy tính để bàn hoặc suất học bổng Anh ngữ mùa hè. Chi tiết xem tại đây.

  • Mai Nhị Hà -  (Chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội)

Đoạn văn tả ngắn về mùa hè của Nguyễn Hiền My lớp 2E trường Tiểu học Tràng An.

 


Đoạn văn tả ngắn về mùa hè của Vũ Phan Anh Thư lớp 2E trường Tiểu học Tràng An:



Các chủ điểm về văn tả của học sinh lớp 2 gồm:  Tả ngắn về bốn mùa; Tả ngắn về loài chim; Tả ngắn về biển; Tả ngắn về cây cối; Tả ngắn về Bác Hồ.

Khó khăn khi làm văn tả: Mặc dù yêu cầu khi viết văn tả với học sinh lớp 2 chỉ là tả sơ lược, nói về sự vật đơn giản, nhưng các em thiếu quá nhiều kiến thức thực tế để cảm nhận cái hay trong cách tả mẫu, để có cách viết riêng của mình.

(Ví dụ: khái niệm về sân chim rất mơ hồ và khó hình dung với lứa tuổi này khi đọc bài “Sân chim” của nhà văn Đoàn Giỏi. Hoặc trong bài “Vè chim”, có rất nhiều loài chim được nhắc đến như gà con, sáo, liếu điếu, chìa vôi, chèo bẻo, chim sẻ, chim sâu, tu hú, cú mèo,... nhưng hình ảnh minh họa và lời vè không giúp các em cảm nhận được nét riêng của từng loài để sử dụng khi làm bài tả ngắn về loài chim. Chính vì thế, các em luôn bị thụ động vào sự gợi ý từ câu hỏi của SGK hay hướng dẫn chung của thầy cô trên lớp).

Phụ huynh có thể trợ giúp rất nhiều cho con em mình trong việc tập viết văn tả bằng cách cho trẻ trải nghiệm về những chủ điểm nói trên, sử dụng Internet để giúp con có thêm tư liệu.

  • Mai Nhị Hà