- Tốt nghiệp ĐH California (Los Angeles, Mỹ), Nguyễn Thị Sao Ly, cô gái xinh đẹp sinh năm 1993 người Đà Nẵng, sẽ tiếp tục bậc học tiến sĩ ở ĐH Johns Hopkins vào tháng 8 tới đây.


{keywords}
Nguyễn Thị Sao Ly sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Cô đi du học Mỹ từ năm 15 tuổi. 

Không chỉ nhận được suất học bổng trị giá 410.000 USD nghiên cứu sinh ngành Hóa Sinh học tế bào và phân tử của ĐH Johns Hopkins, Sao Ly còn nhận được những suất học bổng ấn tượng của 8 ngôi trường danh tiếng khác của Mỹ gồm có: MIT, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University.

Chia sẻ với VietNamNet, Ly cho biết em may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập. Chị em là thạc sĩ Tài chính, anh là tiến sĩ Vật lý ở Anh, bố em cũng công tác trong ngành xuất bản, giáo dục.

“Ba Ly từ nhỏ đã rất thích tìm hiểu về sức khoẻ và y học. Mình nghĩ cũng nhờ thế mà dần dần mình thấy thích thú với bộ môn này. Ba mẹ và anh chị lúc nào cũng rất ủng hộ Ly trong việc học và theo đuổi những gì mình thích. Cảm giác như Ly chỉ việc đi một đường thẳng, mặc dù tất nhiên căng thẳng áp lực là điều khó tránh khỏi. Nên Ly được tới đây, thì cũng xem như quá may mắn và mình vừa hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên thôi. Mọi thứ còn chưa bắt đầu. Hy vọng mình sẽ cố gắng hơn được nữa” – cô gái xinh đẹp chia sẻ.

{keywords}
Sao Ly vừa tốt nghiệp ngành Sinh học và Y tiến hóa ở ĐH California (Los Angeles) năm 2016

Vượt qua 5.500 ứng viên, Ly trở thành một trong 20 ứng viên sở hữu suất học bổng giá trị của Johns Hopkins, trong đó chỉ có 4 sinh viên quốc tế. Nhưng nói về thành tích của mình, cô tỏ ra hết sức khiêm tốn.

“Thật ra hồ sơ của mình cũng không có gì đặc sắc quá so với người khác đâu. Mình chỉ theo quá trình mà hoàn tất hồ sơ. Về phần điểm số, mình cũng chỉ cố gắng sao cho người ta không đặt câu hỏi về khả năng của mình. Còn bài luận thì mình kể rõ cho người ta nghe những năm đại học mình đã làm gì, nghiên cứu gì, và học được những gì trong quá trình đó. Các trường rất quan trọng kinh nghiệm nghiên cứu của mỗi người. Mình cũng chỉ viết rất chân thật những gì mình làm được thôi”.

{keywords}
Sao Ly nằm trong top 5% sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của UCLA

Được biết, suốt những năm học ngành Sinh học và Y Tiến hóa ở UCLA, Ly đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động nghiên cứu. Năm thứ hai đại học, Ly thuyết phục được thầy cho làm dự án riêng. 2 năm sau, dự án của Ly có kết quả tìm ra được 4 protein có khả năng làm chậm quá trình làm chết tế bào nón ở mắt, hứa hẹn có thể thuyên giảm bệnh mù ở người lớn tuổi.

Ly không cho rằng phụ nữ làm khoa học sẽ gặp khó khăn hơn đàn ông. “Mình lúc nào cũng tự tin là phụ nữ và đàn ông được sinh ra với trí não cân bằng. Tư duy và suy nghĩ của nữ giới không thua kém gì đàn ông cả. Có thể những truyền thống và hủ tục đã làm cản trở phụ nữ hơn đàn ông trong việc phát triển sự nghiệp và công việc. Nhưng bây giờ, thời đại mới, phụ nữ đang ngày càng chứng tỏ khả năng của mình và tỉ lệ nữ giới trong khoa học đang tăng rất nhanh. Mình rất tự tin và tự hào về điều này” – Ly khẳng định.

{keywords}
Cô gái này cho rằng mình rất may mắn khi có sự ủng hộ từ gia đình cũng như sự giúp đỡ của các giáo sư và anh chị đi trước.

Cô gái 24 tuổi cho rằng, khoa học, nhất là y sinh, không hề khô cứng, mà ngược lại nó còn cực kỳ nhiều màu sắc và sôi nổi. “Con người đang bước vào thời đại mà khoa học và y tế đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Những phát minh, kiến thức hay kĩ thuật mới được làm ra mỗi ngày trên khắp thế giới. Và điều này thể hiện khá rõ trong phòng nghiên cứu. Mỗi ngày Ly đọc thêm được những tiên tiến mới và tìm cách áp dụng nó vào nghiên cứu của mình”.

“Trong nghiên cứu, mỗi ngày đều có một thử thách mới, khó khăn mới. Cái hay là làm sao tư duy, mày mò, tìm ra phương án giải quyết những vấn đề này để đạt được mục tiêu mình đề ra”.

“Ban đầu Ly chỉ hy vọng miễn sao được một trường nhận thôi là vui lắm rồi” – cô nói. Ly cho rằng kết quả tuyệt vời này là nhờ có sự tư vấn, giúp đỡ rất nhiều từ thầy cố giáo sư, các anh chị đi trước. “Nên mình được vào trường tốt, thì công mình cũng chỉ là một ít thôi”.

{keywords}

Chia sẻ về quyết định chọn Johns Hopkins trong số nhiều ngôi trường danh giá khác, Ly nói, trước khi đến Johns Hopkins để phỏng vấn, cô cũng đã biết về danh tiếng của trường trong ngành y sinh. Thầy nghiên cứu của Ly cũng tốt nghiệp từ Johns Hopkins và cô thấy thầy được đào tạo rất tốt tại đó.

“Bản thân Ly lúc đầu không nghĩ mình sẽ được nhận nên không dám nộp. Nhưng sau đó thầy khuyến khích thử sức nên Ly cứ nộp thôi. Sau khi được mời đi phỏng vấn, Ly cảm giác Johns Hopkins tạo ra một môi trường rất cân bằng cho các nghiên cứu sinh. Mọi người, từ giáo sư bác sĩ đến nghiên cứu sinh, đều là những người rất giỏi và đi đầu trong ngành. Nhưng mọi người, theo cảm nhận của Ly, đều rất khiêm tốn, vui vẻ, và cầu tiến, làm mình cảm thấy muốn được là một thành viên trong môi trường này”.

{keywords}
Thần tượng của Ly là nữ giáo sư đạt giải Nobel Y học - bà Carol Greider, một giáo sư của Johns Hopkins

Cô cũng cho biết, chương trình đào tạo tiến sĩ y sinh của Johns Hopkins khá có tiếng ở Mỹ và trên thế giới. “Những tiến sĩ từ trường phần lớn đều đi xa trong sự nghiệp. Mình rất vinh dự khi được đào tạo tại đây. Hơn nữa, thành phố Baltimore yên bình hiền hoà, không quá xô bồ ồn ào nên mình cảm thấy rất hợp với con người của mình. Đi phỏng vấn về là yêu luôn nên ngày nào cũng lo lắng mong mỏi điện thoại của trường” – Ly nói.

{keywords}
Bức thư xác nhận của Trường ĐH Y khoa Johns Hopkins

Thần tượng của cô cũng là một nữ giáo sư của Johns Hopkins – bà Carol Greider. “Bà là người đạt giải Nobel Y học năm 2009. Trước khi nộp đơn tiến sĩ, mình đã nghe thầy mình nhắc rất nhiều về bà. Bà sinh ra với một khuyết tật là không thể đọc được như người bình thường mà phải đọc rất chậm và khó khăn. Một người có khiếm khuyết bẩm sinh như vậy, mà còn chạm tay được đến giải tưởng khoa học danh giá nhất hành tinh, thì mình sinh ra may mắn, đầy đủ như thế này mình phải làm gì. Mình luôn đặt ra câu hỏi đó cho bản thân”.

{keywords}

{keywords}

{keywords}

  • Nguyễn Thảo