Tại Mỹ, ngày càng nhiều sinh viên y khoa đầu quân cho những công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học, làm thuê cho những công ty tư vấn, tài chính thay vì hành nghề y, trong khi đội ngũ bác sĩ ở đây đang ngày càng thiếu.

Matthew Alkaitis – sinh viên năm 3 của Trường Y Harvard – là một người biết lắng nghe, bình tĩnh và thân thiện. Cậu có đủ những phẩm chất để trở thành một bác sĩ. Dù vẫn đang dành 14 giờ mỗi ngày để học hành chuẩn bị cho các kỳ thi, nhưng nam sinh viên 29 tuổi này vẫn không chắc bao lâu nữa mình sẽ được mặc áo choàng trắng. 

Tháng 9 vừa qua, Alkaitis cũng đã nhận bằng tiến sĩ khoa học y sinh và chuẩn bị có 2 năm làm việc ở McKinsey & Co – nơi mà cậu sẽ tư vấn cho các khách hàng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

{keywords}

Giống như Alkaitis, ngày càng nhiều sinh viên ra khỏi trường y và chọn không làm nghề. Thay vào đó, họ dấn thân vào các doanh nghiệp: thành lập các công ty thiết bị y tế và công nghệ sinh học, làm việc cho những công ty tư nhân hoặc làm tư vấn. 

Trong một cuộc khảo sát vào năm 2016 với hơn 17.000 sinh viên y khoa, được thực hiện bởi Physicians Foundation và công ty tuyển dụng ngành chăm sóc sức khỏe Merritt Hawkins, có 13,5% người được hỏi cho biết họ dự định sẽ tìm kiếm một công việc không liên quan tới phòng khám trong vòng 3 năm. Con số này năm 2012 là 9,9%.

Một cuộc khảo sát riêng của Merritt Hawkins đã hỏi các sinh viên năm cuối rằng: “Nếu bạn được học lại, bạn có chọn ngành y nữa không?”. Năm 2015, 25% trả lời rằng họ sẽ chọn ngành khác – tăng từ 8% vào năm 2006. Những lý do được đưa ra gồm có: thiếu thời gian rảnh, học phí cao, những rắc rối khi làm việc với các công ty bảo hiểm và bên chi trả thứ ba.

Xu hướng này đang ngày càng trở nên đáng lo ngại khi mà nước Mỹ đang bị thiếu các bác sĩ, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn. 

“Nếu bạn có một số lượng lớn nhân lực đang được đào tạo để làm việc với bệnh nhân và chăm sóc mọi người trong cộng đồng, đột nhiên họ quyết định sẽ không làm viêc đó nữa, thì rõ ràng đó là một điều đáng lo ngại” – Atul Grover, phó giám đốc Hiệp hội các trường y của Mỹ (AAMC) cho hay. Cơ quan này dự đoán đến năm 2030 cả nước Mỹ sẽ thiếu khoảng 100.000 bác sĩ.

“Tôi cho rằng chúng ta đang ở ngã ba đường” – Tiến sĩ Kevin Campbell, một bác sĩ tim mạch ở Raleigh, N.C cho hay. “Tôi được đào tạo vào đầu những năm 90. Thời đó bạn chắc chắn bị coi là nhân viên bán hàng hoặc công dân hạng 2 nếu không làm việc ở phòng khám”. 

Bây giờ, sinh viên y khoa đang có nhiều lựa chọn hơn. Các trường y khoa và trường kinh doanh đang hợp tác với nhau để cấp các văn bằng liên kết. 

Có 148 sinh viên y khoa đăng ký các khóa học liên kết, như Thạc sĩ Quản trị kinh doanh – Bác sĩ vào năm 2016, trong khi năm 2003 chỉ có 61 sinh viên (theo số liệu của AAMC). Ở Trường Y Harvard, trong một lớp học khoảng 160 sinh viên, có khoảng 14 em sẽ học văn bằng liên kết, và khoảng 25-30 em khác sẽ học thạc sĩ ở các lĩnh vực khác như luật, chính sách công.

“Chúng tôi có một số sinh viên muốn quay trở lại khu vực Trung Tây Hoa Kỳ và hành nghề trong môi trường cộng đồng” – Tiến sĩ Anthony D’Amico, giáo sư về ung thư học ở Trường Y Harvard kiêm trưởng khoa tư vấn cho hay. Và sau đó, có những người “muốn thực hành bộ kỹ năng mà họ đã được học, ứng dụng chúng trên quy mô rộng hơn”.

Tiến sĩ Rodney Altman tới từ San Francisco cho biết, thời gian mà ông điều trị cho bệnh nhân ở phòng cấp cứu có ảnh hưởng tới công việc của ông khi trở thành giám đốc điều hành ở Spindletop Capital – một doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. “Tôi thực sự muốn thực hành chăm sóc sức khỏe ở cấp độ vĩ mô” – Altman nói. “Với tôi, việc tương tác một-một với bệnh nhân mặc dù rất quan trọng nhưng sẽ không hữu ích bằng việc có khả tác động lên một số lượng lớn bệnh nhân”.

Altman chia sẻ các cố vấn và đồng nghiệp của ông có nhiều cảm xúc khác nhau, khi mà sau một thập kỷ làm việc toàn thời gian ở doanh nghiệp, ông lại quyết định quay lại phòng cấp cứu. “Hầu hết mọi người đều ủng hộ, nhiều người ghen tị, một số người cảnh báo tôi về những nguy cơ tôi sẽ gặp phải” – ông nói. “Ở thế giới kinh doanh ngoài kia, bạn phải phụ thuộc vào những bất ngờ của thị trường vốn và rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Tôi nghĩ rằng chữa bệnh khá an toàn và ổn định theo cách đó”.

Một số công ty tư vấn cũng đang đẩy mạnh việc tuyển dụng các bác sĩ. Steffi Langner, một phát ngôn viên của McKinsey, cho biết công ty này đang tích cực thuê các bác sĩ vì những kỹ năng phân tích cần thiết để được nhận bằng bác sĩ cũng tương tự như những kỹ năng giải quyết vấn đề để trở thành một chuyên gia tư vấn.

Tiến sĩ Jon Bloom từng được đào tạo để trở thành một chuyên gia gây tê và đã thực hành trong 3 tháng, sau đó ông đăng ký học Trường Quản lý Sloan của Viện Công nghệ Massachusetts. Ông nói rằng, ông được truyền cảm hứng bởi những bác sĩ mà ông biết. Họ cũng là những nhà phát minh và doanh nhân.

Một lý do nữa để ông quyết định chọn con đường này là các nhà đầu tư sẵn sàng tài trợ cho việc học hành của ông. Các số liệu do Hiệp hội Liên doanh đầu tư quốc gia cho thấy, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp liên quan tới y học đã tăng từ 9,4 tỷ USD vào năm 2007 lên 11,9 tỷ USD vào năm 2016.

  • Nguyễn Thảo (Theo Bloomberg)