- Sáng 29/3, Bộ GD-ĐT chính thức công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Kỳ thi được tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4/6.

Các tin liên quan

Bộ Giáo dục 'bật mí' đề thi tuyển sinh 2013

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Đối với Giáo dục THPT thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Hoá học, Sinh học, Địa lí; trong đó, các môn: Ngoại ngữ, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật.

Thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy-học thì được thi thay thế bằng môn Vật lí (thi theo hình thức trắc nghiệm).

Đối với Giáo dục thường xuyên thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Vật lí; trong đó, các môn: Hoá học, Sinh học, Vật lí thi theo hình thức trắc nghiệm. 

Đề thi chủ yếu lớp 12

Đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp 12, đảm bảo kiểm tra bao quát kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học. Vì vậy, giáo viên cần căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng Bộ GDĐT đã ban hành để định hướng ôn tập cho học sinh...

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi cho biết, trừ các môn Ngoại ngữ, đề thi của các môn vẫn tiếp tục có hai phần: Phần bắt buộc (phần chung) là nội dung kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao; phần tự chọn (phần riêng) ra theo nội dung kiến thức của chương trình chuẩn hoặc nâng cao. 

Đối với đề thi có phần tự chọn, thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu thí sinh làm bài cả hai phần tự chọn thì không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.

Đặc biệt là đề thi năm nay sẽ không ra vào phần kiến thức mà Bộ GD-ĐT đã “giảm tải”.

Đề thi sẽ có khoảng 50% điểm số dành cho các câu hỏi thông hiểu, vận dụng kiến thức. Theo đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi nếu cố gắng, chăm chỉ, học tập và ôn luyện thì có thể làm bài thi đạt điểm trung bình để đỗ tốt nghiệp.

"Còn để đỗ tốt nghiệp loại khá giỏi thì phải là học sinh có trình độ cao hơn và nhất là có năng lực vận dụng sáng tạo kiến thức khi làm bài. Điều đó cũng có nghĩa là trong đề thi hoàn toàn không có những câu hỏi vượt ra ngoài phạm vi kiến thức cơ bản, quá khó hoặc đánh đố thí sinh..." - lời Cục trưởng.

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản, Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

  • Kiều Oanh