- Sau cuộc gặp với Tổng thống Obama, doanh nhân trẻ Nguyễn Trung Tín, chủ của Dreamplex. TP.HCM, có cuộc trao đổi với VietNamNet.

Gặp Tổng thống Obama được tiếp thêm 200% năng lượng

Sau cuộc gặp với Tổng thống Obama, bạn rút ra được kinh nghiệm gì cho bản thân?

Khi làm việc với với bộ phận hậu cần của Tổng thống Mỹ để chuẩn bị cho cuộc gặp, mình có nói: "Tôi có một bức tranh tên là Dreamplex. Bức tranh được làm bởi một nhóm người khuyết tật. Họ tặng tôi trong ngày khai trương Dreamplex cách đây hai năm. Có cách nào cho Tổng thống xem và xin chữ kí được không?". Lúc đó, mình nghĩ nếu được, chắc Tổng thống chỉ kí tên.

{keywords}

Doanh nhân trẻ Nguyễn Trung Tín


Nhưng hôm nay, trước khi kí tên, ông đã viết ba chữ Dream big dreamer (Hãy mơ những giấc mơ lớn). Đối với mình, đó là thông điệp lắng đọng nhất.

Mình nhận ra rằng nếu khởi nghiệp hoặc làm cái gì có thể làm việc nhỏ và làm việc lớn. Nhưng hãy quyết tâm và mơ làm những việc lớn.

Đó là một thông điệp của Tổng thống Obama. Mình sẽ cố gắng truyền tải thông điệp này tới giới trẻ cũng như bản thân.

Được gặp thần tượng chắc chắn có một bài học lớn được bạn rút ra?

Trong 3 tuần làm việc với ê kíp hậu cần của Tổng thống, mình nhận thấy họ là một ê kíp cực kì chuyên nghiệp và ân cần.

Mặc dù ở vị trí đó, họ có thể ra quyết định và yêu cầu làm cái này cái kia. Nhưng họ rất tôn trọng đối tác và luôn nói bạn có thể giúp được không, mình nghĩ vậy, bạn nghĩ sao?

Họ rất ân cần và luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi vấn đề.

Nhất là tới thời điểm mọi người chuẩn bị bàn ghế cho buổi trình bày của Tổng thống, từ nam tới nữ, nhân viên hậu cần, an ninh, báo chí đều xắn tay áo, khiêng từng chiếc ghế trong khi đã thuê công ty tổ chức sự kiện.

Qua việc đó mình nhận ra, đây đúng là dấu hiệu của một nước phát triển. Không có việc gì là của ai mà là của chung. Mỗi quan hệ giữa các đồng nghiệp rất cao. Mình nghĩ rằng, đây là một thông điệp cần học hỏi để truyền cho đồng nghiệp và nhân viên của mình.

Qua câu chuyện này mình nghĩ rằng, nếu hậu cần của một Chính phủ như vậy thì đó phải là một Chính phủ như thế nào? 

Ngoài ra, trước khi Tổng thống Obama kết thúc buổi làm việc, mình có trao đổi với ông rằng “Thay mặt những người trẻ, tôi muốn bày tỏ sự tiếc nuối vì ông không tranh cử lần thứ ba. Nếu có thể tiểp tục tranh cử chắc chắn ông sẽ thắng".

Tổng thống Obama cười rất lớn và nói rằng: "Cảm ơn bạn rất nhiều! Tôi nghĩ rằng mình sẽ thắng. Nhưng nếu tôi thắng, chắc vợ sẽ giết tôi mất”.

Đó là một câu nói rất hài hước. Nhưng cũng thể hiện Tổng thống là một người rất tôn trọng vợ và gia đình. Ông nhận ra sự hi sinh và như vậy là quá nhiều.

Từ cuộc gặp với Tổng thống bạn nghĩ sẽ có bao nhiêu % năng lượng để chiến đấu với công việc và bản thân?

Chắc chắn 200%. Khi trò chuyện với bộ phận hậu cần của Tổng thống họ tiết lộ Tổng thống Obama là người bay (đi) nhiều nhất trong các đời Tổng thống. Việc đi lại rất mệt và ảnh hưởng về tâm lý nhưng đó là công việc, đam mê, ước mơ.

Tất cả lý thuyết đều "vứt sọt rác"

Là người có nhiều thời gian học tập và sống ở nước ngoài, khi về nước khởi nghiệp bạn gặp khó khăn gì?

Thời gian đầu, mình thấy tại sao lại có nhiều rắc rối và cản trở kinh doanh. Nhưng khi tìm hiểu các bạn ở nước ngoài, mình nhận ra ở họ cũng có những rắc rối như vậy. Quan trọng là học cách thích nghi với thị trường. Nếu vượt qua được khó khăn, biến cái bất lợi thành cái lợi

Trong cuộc sống và công việc, ai là người bạn thần tượng và học hỏi nhiều nhất?

Đầu tiên chắc chắn là bố mẹ. Điều bố mẹ cho mình thấy nếu sẵn sàng cố gắng sẽ thành công dù lớn hoặc nhỏ. Bố mẹ đã chứng minh điều đó lúc mình nhỏ, gia đình rất nghèo và đến nay.

Ngoài ra, có một người thầy là họa sĩ đã nói với mình không có gì là hoàn hảo, người họa sĩ giỏi phải biết dừng lại đúng lúc.

Phải biết tác phẩm này đã xong để tiếp tục tác phẩm khác. Tức không nên quá cầu toàn trong mọi việc.

Còn người gần đây nhất là Tổng thống Obama.

Trong quá trình khởi nghiệp, khó khăn nhất mà bạn gặp phải là gì?

Đó là nhận thức được tất cả những kế hoạch kinh doanh, giả thuyết kinh doanh đều sai. Việc học kinh tế ở các trường đại học dạy rằng muốn kinh doanh phải có chiến lược kinh doanh, chiến lược tài chính.

Thế nhưng, ngày đầu tiên mở cửa, mình nhận ra tất cả những thứ này đều vứt sọt rác. Kinh doanh là là mong muốn, thị hiếu của khách hàng..

Mình hiểu được rằng thị trường quyết định mọi thứ, chứ không phải ý tưởng, hay vấn đề giỏi- dốt.

Nếu thị trường cần sản phẩm của bạn, chắc chắn sẽ thành công. Ngược lại, thị trường không cần dù giỏi cũng thất bại. Bằng chứng đã được chứng minh là nhưng công ty như Facebook hay Uber…

Bạn nói ra điều này có khác nào phủ nhận kiến thức ở trường đại học?

Nếu nói phủ nhận là không đúng. Nhưng việc học trong trường chỉ dừng lại ở lý thuyết. Muốn đúng lý thuyết phải đi song song với thực hành.

Không nghĩ mình có điều kiện

Bản thân bạn xuất thân trong một gia đình có điều kiện. Làm thế nào để bạn vượt qua cám dỗ “cậu ấm, cô chiêu”?

Mình nghĩ cám dỗ với bản thân gần như không có. Lúc mới sinh ra và trong quá trình đến 10 tuổi, gia đình còn nghèo.

Mình luôn ý thức khi 3- 4 tuổi, gia đình ở trong một căn hộ chung cư chật chội, diện tích chỉ đủ kê một chiếc giường và một chiếc tủ. Ở đó bố mẹ em có kê một chiếc chiếu cả nhà cùng ngủ.

Trong kí ức của mình, đêm nào bố mẹ cũng nằm bên con nhưng mang tai nghe lẩm nhẩm học tiếng Hoa.

Những trải nghiệm đó mình nhận ra rằng để làm nuôi sống gia đình và thành công rất khó. Vì vậy không bao giờ mình nghĩ rằng mình là một người có điều kiện.

{keywords}

Bức tranh có chữ kí của Tổng thống Obama

Tuy nhiên, khoảng thời gian bạn đi du học và trở về kinh doanh cho đến hiện nay thì sao?

Thời gian này, mình vẫn chưa nghĩ rằng mình là người có điều kiện. Khoảng thời gian 14-15 tuổi mình từng có những giấc mơ gia đình bị phá sản. Bố mẹ không còn tiền và mình phải về nước. Cho đến khi tốt nghiệp cấp ba, vào đại học mình bắt đầu ý thức gia đình có một chút điều kiện.

Bây giờ nhận ra, đúng là mình cũng có điều kiện hơn những bạn khác. Nhưng điều này không nằm trong suy nghĩ mình có điều kiện nên phải làm cái này, cái khác.

Là một người kế thừa sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Bản thân bạn có sợ mang bóng quá lớn của bố mẹ ?

Mình rất sợ. Nhưng mình nghĩ bất kì ai ở thế hệ thứ hai đều lo sợ và đặc biệt nếu thế hệ đi trước giỏi. Bố mẹ mình là một người rất giỏi. Họ như vậy nên mình phải cố gắng nhiều hơn để thoát khỏi dấu ấn bằng cách tạo dấu ấn riêng. Một trong những dấu ấn là Dreamplex. Đó là ý tưởng, và tài chính của riêng mình.

Có Dreamplex trong tay, tới thời điểm này bạn còn mang nỗi sợ này?

Mình sợ mỗi ngày. Cách đây hai năm, khi chính thức tiếp nhận công ty của gia đình; thời gian đầu mình có háo thắng vì thắng được một số thứ. Mình nghĩ rằng mình vào, sẽ thay đổi mọi thứ…Nhưng khi vào mình biết rằng rất khó.

Mình cũng rất thần tượng Tổng thống Obama vì ông nói “để thay đổi rất khó”.

Bên cạnh chiến đấu với công việc, bạn phải chiến đấu với bản thân. Làm sao để bạn cân bằng cuộc sống và vượt qua chính mình?

Tới thời điểm này mình vẫn chưa tìm được giải pháp hợp lý nhất. Nhưng có sự cố gắng và sự hi sinh. Với một người làm công sở, sau 8 tiếng làm việc, thời gian còn lại sẽ được nghỉ ngơi. Những người làm star-up như mình sẽ không offline mà luôn online. Đó là sự hi sinh.

Bạn nghĩ như thế nào về bản thân mình?

Mình nghĩ mình là một người may mắn cho tới thời điểm này. Sự may mắn ở một ngã rẽ nào đó. Ví dụ, khi làm không tốt sẽ gặp được những anh chị hướng dẫn. Khi kinh doanh lại gặp đúng thị trường. Mình nghĩ cũng có thể đó là sự cho đi và nhận lại.

Trở thành CEO của tập đoàn ở tuổi rất trẻ. Bạn làm thế nào để vượt qua rào cản với những cấp dưới nhiều tuổi hơn?

Trong làm việc chắc chắn xảy ra xung đột và bất đồng quan điểm. Nếu cách của mình chắc chắn đúng, mình sẽ chứng minh và thuyết phục bằng sự thật, con số, thị trường. Nếu đã chứng minh được nhưng họ không hiểu mình sẽ dùng tới quyền vì tôi là giám đốc, CEO. Điều may mắn, tới thời điểm này mình chưa gặp trường hợp này.

Một vấn đề nữa mình là người thừa kế công ty đã 20 năm phát triển. Khi kế thừa luôn có dấu ấn là tính cách, văn hóa của người đi trước. Đó là cách làm việc của Bố nhưng không hợp với mình hiện nay. Khó khăn lớn nhất là thuyết phục họ thay đổi cách làm việc. Vì cách làm việc của bố đã không phù hợp.

Một trong những thay đổi là mình không còn ngồi văn phòng riêng mà cùng ngồi làm việc với các nhân viên. Nếu cần suy nghĩ sẽ vào phòng họp suy nghĩ. Mình nghĩ đó là một cách thay đổi tích cực…

  • Lê Huyền (Thực hiện)