Công nhân quét rác là một trong số những người làm việc muộn nhất ngày cuối năm và cũng là người làm việc sớm nhất đầu năm. Ở nhiều thành phố lớn, để có ngày mồng một Tết sạch sẽ phố phường, nhiều công nhân đã phải làm việc gần như suốt đêm.

Theo ngành vệ sinh môi trường đô thị, dịp Tết, lượng rác thải sinh hoạt tăng gấp ba, bốn lần so với ngày thường. Công nhân dọn vệ sinh phải làm tăng ca mà vẫn không xuể.

Người ta đổ rác ra đường bất kể thời gian, miễn là trong nhà sạch còn ngoài phố đã có công nhân quét dọn. Có khi vừa dọn sạch sẽ xong, người dân lại tiếp tục ra đổ rác thậm chí không đổ vào xe rác mà đổ ngay ra đường. 

{keywords}

Trong đêm giao thừa, người du xuân hái lộc càng thoải mái xả rác, nào vỏ bánh kẹo, chai nước, giấy gói, túi ni-lông, bao thuốc lá, đồ ăn thừa... Khi màn bắn pháo hoa đón chào năm mới vừa kết thúc là lúc công nhân lao vào dọn dẹp.

Còn nhớ, trong một Đại hội thi đua yêu nước, báo cáo điển hình của chị Nguyễn Thị Thanh - Tổ trưởng tổ quét rác đến từ Hải Phòng cho biết, làm công nhân vệ sinh đô thị 25 năm thì có tới 15 năm chị không được đón giao thừa cùng gia đình.

Đêm giao thừa thật thiêng liêng với mỗi gia đình Việt là lúc lắng lòng để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chia sẻ những niềm vui và hy vọng về một năm mới tốt lành. Nhưng, với những người làm vệ sinh môi trường đô thị, khoảnh khắc đó sao mà khó khăn!

Những năm gần đây, công tác thu gom, dọn rác thải ở các thành phố lớn trong dịp Tết đã có nhiều cải thiện. Ngoài nỗ lực của ngành vệ sinh môi trường, người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc tập trung rác đến các địa điểm quy định.

Nhiều tổ dân phố đã xây dựng nội quy, quy trình và thời gian đổ rác phù hợp. Người dân đã thấy rõ, giữ gìn vệ sinh chung chính là việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường đô thị, qua đó góp phần giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình. Thế nhưng trong dịp Tết, nhất là ở những địa điểm diễn ra lễ hội, chợ hoa, nơi vui chơi giải trí, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn khá phổ biến.

Tất cả gánh nặng đó lại dồn lên đôi tay, đôi vai của công nhân dọn vệ sinh.

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đến những người làm công việc thầm lặng này. Ngày 30-5-1957, khi về thăm TP Hải Phòng, nói chuyện với nhân dân ở Nhà hát thành phố, Người đã nói đại ý, chúng ta phải biết ơn và kính trọng những người làm công tác vệ sinh môi trường, rằng bất kỳ công việc nào ích quốc lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội đều là vẻ vang.

Có lần đi công tác ở nước ngoài vào mùa đông lạnh giá, Bác phát hiện ra một loài cây vẫn xanh. Bác hỏi cán bộ nước sở tại, được biết đây là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi, vào mùa đông rất ít rụng lá. 

Người đã xin giống cây ấy mang về Việt Nam, để nếu phù hợp với khí hậu nước ta thì sẽ trồng đại trà dọc theo các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, ít rụng lá, đỡ tốn công sức anh chị em công nhân quét đường. Trong Phủ Chủ tịch, hiện vẫn còn loại cây này, mọi người vẫn thường gọi là “Cây xanh bốn mùa” để ghi nhớ tấm lòng thương yêu nhân dân của Bác.

Phân loại rác khoa học từ mỗi gia đình; thu gom xử lý, tái chế rác chuyên nghiệp và hiện đại; giảm thiểu tự do xả rác ra môi trường phải trở thành nếp sống và trách nhiệm công dân khi đất nước ngày càng phát triển.

Nếu mỗi người dân thành phố đều có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh ngày Tết, thì tất cả sẽ cùng được đón năm mới vui tươi, thư thái trong cảnh quan môi trường sạch sẽ. Những công nhân vệ sinh sẽ sớm được trở về nhà sum vầy sau đêm giao thừa. 

Áp lực công việc sẽ bớt đè nặng lên đôi vai họ trong dịp Tết, để họ được bình đẳng tận hưởng không khí mùa xuân như bao người bình thường khác.

Du khách nước ngoài đến Việt Nam dịp này sẽ thêm hiểu, thêm yêu thành phố của chúng ta, nơi bảo tồn và lưu giữ nền văn hóa truyền thống mà vẫn văn minh, hiện đại.

(Theo Hữu Việt/ báo Nhân dân)