- “Rét đậm, rét hại, sao các trường nhất là trường mầm non ở Hà Nội phải cho trẻ nghỉ học? Trong khi nhiều nơi cơ sở vật chất hoàn toàn đáp ứng được” – chị Hải Yến thắc mắc.

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội nếu thời tiết từ 10 độ C trở xuống học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ học. Với THCS thời tiết từ 7 độ trở xuống học sinh được nghỉ học.

Trong trường hợp nếu học sinh vẫn đến trường, trường phải bố trí cho các cháu vào một phòng để giữ ấm và quản lí cho đến đến khi phụ huynh đón về (không được để học sinh đứng ngoài cổng trường vì nghỉ rét).

{keywords}
Thông báo nhiệt độ xuống thấp, học sinh một trường tiểu học được nghỉ học ở Hà Nội sáng 25/1. (Ảnh: Văn Chung).

Phản ứng trước quy định này, chị Hải Yến một phụ huynh có con đang tuổi mầm non và tiểu học cho rằng: “Trẻ nghỉ học, nhưng phụ huynh vẫn đi làm bình thường -  nên ai là người ở nhà trông con?

Nhiều người vẫn phải mang con đi gửi nhờ đâu đó vậy thì còn gì ý nghĩa con nghỉ để tránh rét”.

Phương án chị Yến áp dụng trong ngày 25/1 là đưa con trai lên cơ quan cùng mẹ. Vì thế, con vẫn phải di chuyển một quãng đường như thường ngày và "vật vờ" cả ngày ở cơ quan rất bất tiện. Ngày 26/1 chị Yến phải xin nghỉ ở nhà để trông con.

Trong khi đó, anh Bắc Nguyễn cho biết sáng 25/1 anh đưa con nhỏ đến trường mầm non công lập cô không nhận. Anh Nguyễn nói quy định của ngành giáo dục thủ đô trường vẫn nhận trẻ nếu bố mẹ mang cháu đến lớp nhưng cô giáo từ chối. Tranh luận hồi lâu, cô giáo nói chỉ nhận đến 10 giờ.

Anh phân trần: Trường mầm non ở nội thành và một số huyện ngoại thành Hà Nội giờ đều có hệ thống điều hòa hai chiều, nước nóng. Trường con tôi cũng vậy. Thậm chí năm ngoái trường yêu cầu phụ huynh đóng tiền điều hòa, nóng lạnh, sàn gỗ 4 năm mẫu giáo. Tôi xin đóng từng năm một nhưng không được. Trường đầy đủ điều kiện như vậy có khi trẻ đến lớp còn ấm hơn  ở nhà”.

Cũng như nhiều người lao động ngoại tỉnh về Hà Nội lập nghiệp, anh Bắc Nguyễn phải nhờ người hàng xóm trông hộ buổi sáng, buổi chiều anh phải gọi điện gấp cho bà nội cháu ở Bắc Giang xuống trông giùm.

Nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào hoàn cảnh như anh Bắc Nguyễn, chị Hải Yến phải xoay xở với lịch nghỉ học bất ngờ của con.

Tại nhiều trường mầm non, tiểu học khi phụ huynh không nắm được lịch nghỉ hoặc không có người trông con nên mang trẻ tới lớp nhưng được trường nhắc có lịch nghỉ đành quay đầu đưa trẻ về.

Hơi ấm của mùa đông

Cậu em học lớp bốn ao ước, ngày mai lạnh hơn nữa để được... nghỉ ở nhà chăm mẹ ốm.

Chị Khánh Vân, nhân viên của một công ty truyền thông kể: “Hay tin mình nghỉ việc ở nhà trông con, hai nhà hàng xóm đều mang con đến gửi”.

Một hiệu trưởng trường mầm non ở quận Hà Đông, Hà Nội tâm sự: “Quy định là vậy nhưng tôi vẫn động viên các phụ huynh nếu trời quá lạnh thì mặc ấm cho cháu trên đường đi hoặc bắt taxi đưa con đi học cho đảm bảo. Còn đến trường, lớp với cửa kính đóng kín, điều hòa hai chiều và nước nóng, cơm nóng, canh nóng thì không có gì phải lo lắng về chuyện chống lạnh, rét cho trẻ cả”.

Chị Hải Yến thì cho rằng: “Thay vì  mệnh lệnh hành chính, có lẽ nên có cơ chế để các gia đình quyết định cho con tiếp tục đến trường hay nghỉ. Nhà trường vẫn cứ làm tốt vài trò dạy học và trông giữ các con.

Nghiên cứu nào chỉ ra 7 độ C là nguy hiểm nếu học sinh THCS đi học? Hình như chưa có, mới chỉ là áng chừng mà thôi”.

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học

Thái Bình: học sinh mầm non, tiểu học sẽ được nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời trong ngày xuống dưới 10 độ C; học sinh THCS, THPT nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời trong ngày xuống dưới 7 độ C.

Thừa Thiên - Huế: Ở miền Bắc dưới 10 độ thì các trường cho học sinh nghỉ học, nhưng tại miền Trung và TP Huế thì nền nhiệt cao hơn, khả năng chịu rét của học sinh miền Trung kém hơn nên nếu nhiệt độ thấp hơn 11 độ C thì sẽ cho nghỉ.

Quảng Bình: Hơn 120.000 học sinh tiểu học và mầm non được nghỉ học vì rét đậm, rét hại từ 8 đến 11 độ C, vùng núi giảm sâu hơn.

Sáng 24/1, lãnh đạo sở GD-ĐT Lào Cai đã có họp khẩn và yêu cầu 100% học sinh tại Sa Pa nghỉ học.

Học sinh tại Đồng Văn và Lũng Cú, tỉnh Hà Giang cũng được nghỉ học vì nhiệt độ xuống thấp, thậm chí âm độ.

XEM THÊM:

  • Đăng Duy