“Nếu bạn thích một khóa triết học luân lý ở ĐH Luân Đôn thì có thể bạn cũng thích học một khóa siêu hình học ở ĐH Edinburgh, đồng thời có thể cân nhắc thực tập ở ngân hàng HSBC. Những sinh viên đã trải qua các khóa học này tiếp tục sự nghiệp bằng cách trở thành giáo sư triết học, mục sư hay cố vấn quản trị...”

Ví dụ trên có thể vẫn là giả thuyết, nhưng nó miêu tả một loại hình dịch vụ được cá nhân hóa và không đến 5 năm nữa điều này có thể thành hiện thực ở giáo dục ĐH. Đây là nhận định trong một báo cáo mang tên “Tiềm năng của dữ liệu và các công cụ phân tích trong giáo dục ĐH” (From Bricks to Clicks: The Potential of Data and Analytics in Higher Education) do Ủy ban Giáo dục ĐH (Higher Education Commission) soạn thảo, sẽ được công bố ở Anh tuần tới.

{keywords}
Hình ảnh minh họa

Báo cáo này vẽ ra một bức tranh về hệ thống giáo dục ĐH với những nét chính: nhờ tăng cường sử dụng dữ liệu, giáo dục đại học trải qua thay đổi căn bản, đôi khi là quá trình cân nhắc các vấn đề đạo đức cực kỳ khó khăn.

Báo cáo dự báo một dịch vụ theo kiểu Amazon (công ty thương mại điện tử đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới) - tức là cung cấp khuyến nghị về các khóa học, kinh nghiệm làm việc và tư cách hội viên của các cộng đồng sinh viên dựa trên nền tảng cá nhân, và kinh nghiệm của các sinh viên đi trước có hồ sơ tương tự.

Báo cáo cũng tiên liệu một hệ thống mà ở đó những sinh viên có nguy cơ thất bại có thể được nhận dạng ngay ngày đầu nhập học; sinh viên nhận phản hồi nhanh chóng về các bài tập, nhiệm vụ được giao, đánh giá chất lượng học tập theo mục tiêu của mình và chất lượng của bạn học. 

Thêm nữa, mọi mặt trải nghiệm ở trường ĐH của sinh viên được xây dựng sao cho phù hợp với từng cá nhân và được theo dõi thông qua các phương tiện công nghệ có thể mang theo. Chẳng hạn LinkedIn, mạng xã hội chuyên dành cho cộng đồng tìm việc và tuyển dụng trong nhiều lĩnh vực, nhấn mạnh lý lịch giáo dục và lý lịch làm việc của người tham gia.

Sarah Porter, chuyên gia cố vấn độc lập về giáo dục đại học, kiêm trưởng nhóm báo cáo cho rằng các nhà cung cấp học tập qua mạng đã và đang xây dựng lượng dữ liệu khổng lồ về sinh viên, việc này có thể bỏ các trường đại học dựa vào khuôn viên truyền thống lại phía sau. 

Bà nói: “Đây mới là giai đoạn đầu nhưng trong tương lai sẽ có nhiều thứ có sức mạnh ghê gớm hơn nữa. Các trường ĐH cần tham gia sử dụng các công cụ dữ liệu từ bây giờ và có thể hiểu sức mạnh của các công cụ đó”.

Bản báo cáo lập luận rằng các trường ĐH cần xem xét sử dụng các công cụ phân tích việc học tập (learning analytics), như phương pháp đo lường, thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu về người học - để hỗ trợ sinh viên tốt hơn và đạt được những mục tiêu chiến lược.

Nhiều trường đại học đã thu thập dữ liệu về hoạt động sử dụng công cụ học tập trực tuyến của sinh viên, quá trình lên lớp, sử dụng thư viện, nộp các bài tập được giao, kết quả học tập. Các trường cũng bắt đầu kết hợp sử dụng các thông tin về nền tảng xã hội và đạo đức của sinh viên. Một số trường thậm chí còn xem xét sinh viên nào sử dụng máy tính của trường và dùng bao nhiêu thời gian đọc sách điện tử. Đã có trường sử dụng công cụ phân tích việc học để xác định các nhóm sinh viên thuộc dân tộc nào gặp khó khăn trong các môn học cụ thể; từ đó nhà trường đã hỗ trợ và đạt kết quả tốt hơn ở các sinh viên khóa sau.

Tuy nhiên, theo một khảo sát do các chủ diễn đàn học qua mạng (Heads of E-Learning Forum) thực hiện hồi tháng 6/2015, gần phân nửa các trường đại học ở Anh đã không áp dụng các công cụ phân tích việc học.

John Domingue, giáo sư khoa học máy tính, người đóng góp báo cáo, nói: “Mỗi tuần sinh viên biến chuyển như bạn di chuyển trên bàn cờ vậy. Một số cách kết hợp các nước cờ dẫn tới thành công còn một số khác dẫn tới thất bại, do vậy chúng ta cần đôn đốc sinh viên đi con đường gần nhất, phù hợp để họ thành công”.

Domingue công nhận có những vấn đề đạo đức liên quan quá trình thu thập và kết hợp các dữ liệu cụ thể, nhưng ông cũng lập luận rằng sẽ là trái đạo đức khi phớt lờ giá trị của chúng.

Điều duy nhất ông lo ngại là khả năng dữ liệu bị sử dụng vì nhiều lý do khác ngoài mục đích đem lại lợi ích cho sinh viên, chẳng hạn trường hợp những người sử dụng lao động muốn mua dữ liệu về chất lượng và động cơ của sinh viên nhằm giúp họ đưa ra các quyết định tuyển dụng.

Các trường đại học có thể có một lựa chọn, đó là bắt buộc sinh viên đồng ý các dữ liệu được thu thập nhưng nên cho phép sinh viên chọn hoặc bỏ chọn những nội dung nhất định.

Một lo ngại nữa là nếu sinh viên nhận kết quả chứa tiềm năng tiêu cực, họ sẽ đùa nghịch với hệ thống. Đã có trường hợp sinh viên đứng ngoài trường liên tục quẹt thẻ ra vào để cải thiện kết quả “có mặt tại trường”.

Phát ngôn viên của hội sinh viên toàn quốc (National Union of Students) cho biết, hội sinh viên ủng hộ sử dụng các công cụ phân tích việc học vì trong một môi trường dữ liệu đồ sộ, các trường sẽ phải nâng cao tối đa tính chịu trách nhiệm và tính minh bạch. Họ cũng cho rằng việc bảo vệ dữ liệu có ý nghĩa sống còn.

Giáo sư Domingue phát biểu: “Tôi nghĩ trong 10 năm nữa sẽ có dữ liệu về mọi thứ. Chúng ta sẽ biết từng sinh viên ở đâu trong toàn bộ quá trình học tập”.

Chuyện này sẽ bao gồm cả việc biết sinh viên đang ở giảng đường, đang tập thể dục hay đang trong quán bar. Ông gợi ý rằng khi nỗ lực nâng cao kết quả học tập, có thể sinh viên cũng muốn chia sẻ dữ liệu về đời sống của chính họ, từ hoạt động thể dục, thể thao đến ngủ nghỉ, cũng như các quan hệ tương tác về học thuật với giảng viên, cán bộ, nhân viên và bạn bè đồng nghiệp trên mạng.

“Công nghệ như thế này đang thay đổi tất cả, và tôi nghĩ nó sẽ thay đổi giáo dục ĐH”Giáo sư Domingue nói. 

  • Hạ Ni (Theo Guardian)

XEM THÊM: