- Nhằm giúp học sinh phát triển năng lực tự học, chủ động xử lý thông tin, Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Trong công văn ký ngày 31/12/2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nêu " 10 việc cần làm" nhằm phát triển hệ thống thư viện trường học mới.

Việc này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng; đồng thời khuyến khích học sinh tìm hiểu, thực hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn.

{keywords}

Trong nhiều năm qua, học sinh nông thôn hầu như không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa

Từ bậc học mầm non, giáo viên sẽ dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ; hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ học sinh đọc sách, kể chuyện cho con nghe thường xuyên tại gia đình.

Ở các bậc học, sẽ tổ chức thảo luận trong trường, trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại trường (thư viện), ở nhà.

Đáng chú ý, xu hướng "sách giáo khoa" sẽ không phải là tài liệu duy nhất trong việc học ở trường. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, các trường sẽ đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa, nhất là thông tin từ thư viện.

Đồng thời, thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, chú trọng việc đánh giá học sinh thông qua các dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kĩ thuật,... thay cho các bài kiểm tra.

Bộ GD-ĐT sẽ ban hành những quy định mới về tổ chức, hoạt động và tiêu chí đánh giá thư viện trường học.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam, là cha đẻ của mô hình Tủ sách Phụ huynh đặt trong các lớp học cho biết “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm được 2 việc đột phá, gồm: Chấp nhận đưa ý tưởng  dân sự vào hệ thống của ngành sau khi hiệu quả được thực chứng; và mở cửa lớp để đưa ‘hàng trăm ông thầy-sách’ nhằm tạo sự đa dạng tiếp cận tri thức và bình đẳng cho tất cả học sinh con nhà nghèo và con nhà khá giả và tính tiến đến chuẩn đọc của trẻ em Israel, Mỹ, Anh…trong tương lai”.

Văn bản này sẽ thúc đẩy sự đọc, sự lĩnh hội tri thức chủ động của học sinh, giúp chiến lược đổi mới toàn diện giáo dục được hiện thực hóa trong ngắn và dài hạn. Bởi đọc sách chiếm tầm quan trọng bậc nhất trong các bước của giáo dục hiện đại gồm Đọc, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tiếng Anh, Công nghệ thông tin và Đối thoại giáo dục”. 

Trong một báo cáo của Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, một số liệu được đưa ra cũng rất đáng suy nghĩ: tỉ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên đọc chiếm áp đảo tới 44%, còn đọc thường xuyên là 30%.

Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm 8-10% dân số. Thư viện Quốc gia Việt Nam có khoảng 50.000 bạn đọc thường xuyên, thư viện cấp tỉnh chỉ có 1.000 - 2.000 bạn đọc, cấp huyện 500 - 600 bạn đọc, thư viện/phòng đọc cấp xã 100 - 200 bạn đọc.

 Nguồn: Tuổi Trẻ
  • Hạ Anh

**********

Xem thêm

Hàn Quốc: Đầu tư vào trí tưởng tượng