Các cựu học sinh chuyên Toán đã cùng trả lời câu hỏi “Chuyên Toán: Đi đâu về đâu?”.

GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cựu học sinh chuyên Toán – Tin A0 (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), với sự dí dỏm vốn có, kể chuyện rằng ông đã chuẩn bị nhiều kiến thức để hy vọng hiểu được bổ đề cơ bản. “Nhưng nghe GS Ngô Bảo Châu nói xong, tôi còn không hiểu bằng lúc đầu”.

Từ câu chuyện vui này, GS Nhung nhận định “hậu sinh khả úy”, thế hệ sau luôn có kiến thức sâu và rộng hơn thế hệ trước. Đây là điều đáng mừng cho sự phát triển của Toán học Việt Nam.

{keywords}

Buổi tọa đàm “Chuyên Toán: Đi đâu về đâu?” diễn ra trong Lễ kỷ niệm 5 năm hoạt động của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, ngày 20/12

Theo GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội),khi ông tập trung sự chú ý vào chừng 20 - 30 nhà toán học người Việt được xem là thành đạt nhất hiện nay, ở trong cũng như ngoài nước, thì "Phải thừa nhận rằng ở độ tuổi sinh từ 1950 trở lại đây, (tức là độ tuổi vào học cấp 3 từ khi có hệ Phổ thông Chuyên toán, lúc đầu ở Miền Bắc, sau 1975 được lập trong cả nước), rất khó tìm được một nhà toán học thành đạt người Việt lại không phải là cựu học sinh chuyên toán".

Từ quan sát đó, theo GS Hưng, nếu kết luận ngay rằng “hệ phổ thông chuyên Toán đã thành công, thậm chí không thay thế được trong việc đào tạo các thế hệ làm Toán thành đạt, thì e là hơi vội vàng và khiên cưỡng.

Một quan sát khác của GS Hưng cho thấy "Tất cả những đồng nghiệp nước ngoài trong chuyên ngành Tôpô Đại số mà tôi từng gặp trên toàn thế giới đều chưa từng học lớp chuyên toán. Không có con số thống kê, nhưng bằng quan sát trực tiếp, tôi thấy phần lớn các nhà toán học thành đạt trên thế giới đều chưa từng học lớp chuyên toán. Họ là các công dân các quốc gia có nền khoa học phát triển: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật..., nơi thậm chí các lớp chuyên toán không tồn tại".

Kể cả với nhận định một cách khiêm nhường hơn: “Ở nước ta, hệ Phổ thông Chuyên toán đã thành công trong việc đào tạo một thế hệ làm toán?”, vị GS này cho rằng “vẫn vội vàng”.  

“Bởi vì, các lớp chuyên toán ở ta khi tuyển sinh đã gần như vét sạch những học sinh tỏ ra có năng khiếu về toán từ nhỏ. Những người này, vốn là những tinh hoa của đất nước, dù học hay không học chuyên toán nhiều người trong số họ cũng có thể trở thành các nhà toán học. Nếu như không trở thành các nhà toán học, họ cũng có thể trở thành các nhà khoa học trong những lĩnh vực khác...” – ông lý giải.

“Chúng ta bắt các em khởi hành quá sớm”

Vẫn cho rằng kết luận “Ở nước ta, hệ Phổ thông Chuyên toán đã phát hiện và bồi dưỡng những mầm non toán học, giúp cho việc hình thành sớm hơn và rực rỡ hơn các nhà toán học hàng đầu?” là vội vàng, GS Hưng đưa ra nhận định “Có lẽ, chúng ta luyện cho các em sớm quá, nhưng không đủ sức đưa các em đi xa”. 

Theo GS Hưng, ở ĐH có lớp cử nhân tài năng để tiếp nối sự bồi dưỡng các tài năng toán học. Nhưng với quan sát của mình, ông cho rằng "Trong 18 năm nay, các lớp Cử nhân khoa học tài năng ở ĐHQG Hà Nội không thể nói là thành công. Những sinh viên giỏi nhất trong các lớp này, thường chỉ học 1-2 năm trong nước, rồi đi học nước ngoài, và nói chung họ không về nữa". 

GS thận trọng nói: "Tôi xin không bàn đến việc sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài họ nên hay không nên về Việt Nam".

"Những sinh viên mà chúng tôi giữ lại trường từ hệ CNKHTN thường là thuộc loại hai. Nhưng họ cũng chỉ ở lại làm trợ giảng 1-2 năm, rồi xin đi làm NCS ở nước ngoài, và nói chung họ cũng không về nước nữa". 

Cùng với vấn đề kinh phí không được như giai đoạn đầu, theo GS Hưng, chất lượng hệ đào tạo này trong 8 năm vừa rồi đã giảm đi trông thấy.

Nếu phải chọn lại, tôi vẫn chọn làm toán nhưng không chọn học chuyên toán, bởi vì tôi muốn con người tôi không bị áp lực từ nhỏ, và phát triển một cách chậm rãi, điềm tĩnh hơn” – GS Nguyễn Hữu Việt Hưng.

PGS Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học Việt Nam) chỉ ra thực tế những học sinh bộc lộ năng khiếu về Toán từ sớm, nếu có định hướng sẽ phát triển rực rỡ. “Việc các em càng học lên càng đuối là do thực hiện hình thức chuyên chưa đúng cách, chứ không phải do sự tồn tại của hệ thống chuyên Toán”.

TS Trần Nam Dũng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết mình dị ứng với cách gọi học sinh chuyên Toán là “gà chọi”, “gà nòi”, “nhưng mọi người đã nói vậy thì tức là có cái đúng”. Ông chỉ ra nguyên nhân ảnh hưởng không tốt tới học sinh chuyên là việc đặt quá nặng vấn đề thành tích.

“Đã không còn thời gian để người thầy hướng dẫn, dẫn dắt học sinh đi tìm lời giải. Mà với những đợt bồi dưỡng ngắn, với yêu cầu thành tích đặt ra, người thầy phải nhồi kiến thức cho học sinh chứ không phải đi cùng học sinh tới vấn đề đó. Vì vậy, sau này khi phải học thật sự, học sinh sẽ đuối ngay”.

Đưa ra thực tế ở việc đào tạo cử nhân tài năng tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) thời gian qua, TS Dũng cho biết với mỗi lớp 30 sinh viên, chỉ có 7, 8 em theo kịp chương trình và biết cách tự học. “Vì các em quen học ở lớp dưới, rất thụ động. Mà không thụ động cũng không được vì các thầy lớp dưới dạy rất nhiều.

{keywords}
Thế hệ mới của Toán học Việt Nam

Từ lớp 10 tới hết học kỳ I lớp 11, các em đã phải học xong chương trình 3 năm bậc THPT để đi thi HSG quốc gia. Vì vậy, nhiều kiến thức các em chỉ học sơ sài, chưa đủ thời gian để ngấm đã phải đem áp dụng. Nên học lên nữa là đuối”.

Trong việc đào tạo các tài năng toán học nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, ông Dũng nhận xét “Bên dưới có cả một bộ máy để quan tâm, nhưng lên đến đại học sự quan tâm không còn như cũ. Nếu chỉ nhắm vào các huy chương Olympic quốc tế thì đích đến của chúng ta quá gần”.

Đi về đâu?

TS Nguyễn Khắc Minh (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục), người có nhiều năm dẫn đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic toán quốc tế, nhìn nhận có nhiều luồng ý kiến khác nhau trong xã hội về chuyên toán, thậm chí có những học sinh chuyên toán từng có thành tích tốt cũng phản đối chuyên toán vì cho rằng họ đã bị chôn vùi cả tuổi thơ. Vì vậy, theo ông Minh, việc đầu tiên phải thay đổi cách dạy và học chuyên ở ngay từ những bậc học dưới.

Ông Minh cho biết sở dĩ Bộ GD-ĐT dừng hệ chuyên ở bậc THCS vì thời điểm những năm 90, các lớp chuyên được mở mở tràn lan, không quản lý được vì áp lực thành tích chứ không phải vì nhu cầu của người học. “Tôi còn nhớ rất rõ một câu nói của GS Hoàng Xuân Sính tại một cuộc hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2000 bàn về việc mở lại hệ chuyên từ cấp hai. Khi đó. GS Sính có nói rằng “Khi Việt Nam xóa chuyên cấp 2 thì ở Pháp có quyết định mở chuyên từ cấp hai””.

Thực trạng là đại bộ phận giáo viên dạy chuyên toán chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người học" – TS Nguyễn Khắc Minh.

PGS Phan Thị Hà Dương khẳng định, chuyên Toán phải tồn tại ngay từ bậc THCS, tuy nhiên cũng phải thay đổi cách thi đầu vào.

“Tôi thấy những đề thi đầu vào lớp chuyên toán cấp 2 trước đây rất đáng sợ, khi mà học sinh phải trả lời 12 – 15 câu hỏi trong vòng 45 phút” – bà chia sẻ. “Thi cử ảnh hưởng tới cách học. Ở Việt Nam vẫn là học để mà thi chứ không phải học vì sự say mê, ham thích. Nếu không muốn học sinh như “gà chọi”, cần có những kỳ thi để các em có thời gian suy nghĩ, sáng tạo. Để thi đầu vào, nên cho các em 2 - 3 tiếng đồng hồ, và chỉ với vài ba câu hỏi”.

Đồng tình với PGS Hà Dương, TS Trần Nam Dũng nhận định việc bỏ hệ thống chuyên Toán từ bậc THCS để lại ảnh hưởng lớn. Theo ông, vào bậc THPT mới học chuyên Toán là muộn. “Rất nhiều tư duy logic, hình học, tổ hợp, các môn mới hoàn toàn như hình học giải tích, hình học không gian… phải dạy trong thời gian ngắn. Nếu bắt đầu từ sớm, học sinh sẽ có sự tiếp thu tốt nhất, không tạo sức ép lên người thầy”.

Về phía mình, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng mong muốn "Hệ Chuyên Toán của nước ta không chỉ thành công ở cấp độ Phổ thông, mà còn thành công ngay cả ở cấp độ Đại học, khiến cho chúng ta có thể cạnh tranh được với những đại học hàng đầu thế giới, đào tạo được ngay trong nước những nhà toán học ở đẳng cấp quốc tế, và khiến cho chuyện chảy máu chất xám không còn nữa".

Văn bản đầu tiên của bài "Tại sao học sinh chuyên Toán đuối dần khi lên đại học?" có những trích dẫn phát biểu của Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng không chính xác, kể cả những câu được đặt trong ngoặc kép. Theo yêu cầu của Giáo sư, chúng tôi đã sửa lại bài viết. Vietnamnet thành thật xin lỗi Giáo sư và bạn đọc về sự cố nghiệp vụ này.

Ngân Anh