- Quan sát câu chuyện Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo ngành y đa khoa, bác sĩ 

Huỳnh Wynn Trần - một người được đào tạo chuyên nghiệp và hiện đang hành nghề ở Mỹ, đã gửi bài viết tới VietNamNet, góp thêm góc nhìn về đào tạo ngành đặc thù này.



Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 20 trường ĐH tại Việt Nam đào tạo ngành y với gần 10 trường ĐH ngoài công lập. Mới đây, có thêm Trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội (KDCN) được mở ngành Y và tạo nên nhiều ý kiến khác nhau. Trong một bài báo gần đây, lãnh đạo Trường ĐH KDCN có nói rằng đầu vào ngành này không quan trọng lắm, chủ yếu là do quá trình đào tạo và học tập.


{keywords}

George University tại vùng Caribbean

Thật ra, lãnh đạo nhà trường cũng có lý khi nói như vậy, nhưng điều này cần phải hiểu là phải có thêm các kỳ thi và hệ thống độc lập để kiểm định chất lượng đào tạo.

Bài viết này để chỉ ra đầu vào của ngành Y tại Mỹ rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất là có một kỳ thi hành nghề và chứng nhận chuyên khoa dành cho tất cả các bác sĩ. Việc mở thêm các trường Y mở rộng đầu vào như KDCN cũng có thể là môt giải pháp như ví dụ như trường hợp trường Y Caribbean dưới đây.

Tại Mỹ, ngành Y là ngành học lâu nhất và tốn tiền nhất. Thời gian trung bình để thành BS tại Mỹ là 12 năm (4 năm ĐH +4 năm trường Y + 3-7 năm làm nội trú). Tất cả các SV muốn học Y phải tốt nghiệp 4 năm ĐH, có những môn cơ bản như Sinh, Hoá, Lý, Tâm lý, Toán, phải thi kỳ thi quốc gia MCAT (Medical College Admission Test) điểm cao, phải trải qua phỏng vấn, phải có nhiều hoạt động ngoại khoá và nghiên cứu, thì SV ĐH mới được nhận vào chương trình Y Khoa (Doctor of Medicine hoặc Doctor of Osteopathy).

Trong 4 năm học Doctor of Medicine hoặc Doctor of Osteopathy, các sinh viên Y phải thi 2 lần kỳ thi hành nghề quốc gia (USMLE bước 1 và 2 , United States Medical Licensure Examinations). Trong kỳ thi USMLE 2, có 2 kỳ thi riêng rẽ, một về kiến thức y khoa, một về kỹ năng giao tiếp lâm sàng. Tất cả SV Y đều phải đậu 2 kỳ thi USMLE để được tốt nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp ngành Y, tất cả các SV phải làm BS nội trú từ 3 năm (đa khoa) đến 7 năm (chuyên khoa). Trong lúc làm nội trú, các BS phải đậu kỳ thi USMLE Bước 3 (Step 3) bao gồm 2 ngày để có chứng nhận cơ bản. Xong hết các bước USMLE, các BS phải làm nội trú 2 năm mới được nộp đơn có bằng hành nghề (Full Medical License). Sau khi hoàn thành nội trú, các BS có thể thi chứng nhận chuyên khoa (Specialty Board Exams).

Điểm quan trong là chỉ có BS có bằng hành nghề và chứng nhận chuyên khoa mới được hành nghề BS tại Mỹ.

Như vậy, từ đầu vào trường Y cho đến lúc ra BS hành nghề, tất cả các SV phải thi ít nhất 5 kỳ thi độc lập để kiểm định chất lượng (MCAT, USMLE, Board Exams). Đây là chưa tính các kỳ thi trong lúc học ĐH, Học Y, và làm nội trú. Điểm này cho thấy đầu vào lẫn đầu ra ngành Ytại Mỹ không dễ dàng.

Tuy nhiên, các trường Y tại Mỹ đào tạo không đủ BS trong nước. Hiện tại 1/4 BS tại Mỹ tốt nghiệp Y khoa từ nước ngoài (International Medical Graduates). Các BS này muốn làm việc tại Mỹ phảithi USMLE và làm xong nội trú. Vì rất nhiều BS nước ngoai muốn làm nội trú tại Mỹ nên quá trình nộp đơn nội trú rất cạnh tranh (ví dụ 2.500 đơn cho 15 chỗ).Chỉ có các BS giỏi nhất, thi điểm USMLE cao nhất, có quá trình nghiên cứu và bài nghiên cứu mới được nhận vào nội trú. Có nhiều BS tốt nghiệp từ Việt Nam cũng đã vào được nội trú tại Mỹ.

Dựa vào điểm mở này, từ năm 1978 đã có nhiều trường Y tư nhân vùng Caribbean được mở ra như Ross University hoặc St. George University. Các trường Y này chủ yếu nhận các SV không vào được trường Y tại Mỹ. Các trường này hoạt động vì lợi nhuận, thu học phí cao, nhưng đầu vào thì dễ hơn. Ví dụ như điểm trung bình MCAT vào trương Y tại Mỹ là 30 thì trường Y Caribbean là 20-22 hoặc không cần.

Lãnh đạo nhà trường có lý khi nói đến đầu vào mở và thắt chặt đầu ra. Nhưng điều này chỉ đúng khi có các kỳ thi kiểm định độc lập như USMLE. Thêm nữa, các trường Y vùng Caribbean tuy là mở nhưng quá trình học cũng rất khó khăn và tỉ lệ đào thải rất cao.

Chương trình Y Khoa Caribbean giống y hệt như chương trình trong nước Mỹ. 2 năm đầu học tại đảo Caribbean với nắng ấm và biển xanh, 2 năm sau trở lại thực tập tại các BV trong nước Mỹ. Vì có kinh nghiệm thực tập cộng với khả năng ngôn ngữ, các BS vùng Caribbean thường được nhận vào nội trú. Những năm gần đây, các trường Y trong nước Mỹ được mở ra nên việc vào nội trú của các BS Y Caribbean càng khó hơn.

Ví dụ như trường Ross University mỗi năm nhận trên 1.500 SV nhưng tốt nghiệp khoảng 500. Để so sánh, một trường Y trong nước Mỹ nhận 100-170 SV mỗi năm và tốt nghiệp gần như 100% đầu vào.

Các SV khi học Y Caribbean phải liên tục học USMLE để thi điểm cao vì đây là điểm duy nhất có thể giúp họ vào được nội trú tại Mỹ.

 
Một điểm nữa là các trường Y vùng Caribbean đầu tư khá kỹ càng cho cơ sở hạ tầng tại Caribbean và giảng viên. Các hội đồng y khoa ở các tiểu bang (như California, Texas) có những yêu cầu rất gắt gao cho các trường Y Caribbean nếu như BS của họ muốn hành nghề tại những bang này.

Do là trường Y nước ngoài nên các trường Y vùng Caribbean thường liên kết với các BV nhỏ và BV cộng đồng tại Mỹ cho SV thực tập. Điểm này khác với các trung tâm Y Khoa và BV Đại học lớn tại Mỹ để đành cho SV Y của trường Y tại Mỹ.

 Do có những kỳ thi USMLE (là các kỳ thi quốc gia mà bất kỳ bác sỹ nào muốn hành nghề tại Mỹ cũng phải trải qua), phỏng vấn nội trú, kỳ thi trong nội trú, và thi chứng nhận chuyên khoa nên chỉ có những BS giỏi và chất lượng mới trụ được. Đều này giúp cho chất lương các BS vùng Caribbean sau khi xong nội trú gần như tương đương vói BS tại Mỹ. Điểm này chứng minh rằng đầu vào mở ngành Y vẫn có thể có chất lượng đầu ra.
 
Trở lại câu chuyện ĐH KDCN, hướng đi Y khoa tư nhân + bênh viện liên kết có thể là một giải pháp cho vấn đề nhân lực ngành Y như ví dụ về các trường Y Caribbean nêu trên. Vấn đề là cơ sở vật chất và chất lượng giảng day. Môt điểmsáng của y khoa tư nhân như KDCN là họ có thể chủ động hơn trong chương trình đào tạo. Hiện nay, tuy đầu vào các trường Y công lập rất cao, nhưng chương trìnhgiảng dạy đã khá lạc hậu.

{keywords}
10 trường đào tạo ngành y của Việt Nam được nêu tên chính thức trong trang FAIMER (Cơ quan Cải tiến Nghiên cứu giáo dục y khoa quốc tế) của ECFMG, là một tổ chức thành viên của hội đồng Y khoa Hoa Kỳ.

 
Điểm cuối cùng là tuy có trên 20 trường Y tại Việt Nam, chỉ có 10 trường là được nêu tên chính thức trong trang FAIMER (Foundation for Advancement of International Medical Education and Research - Cơ quan Cải tiến Nghiên cứu giáo dục y khoa quốc tế) của ECFMG, là một tổ chức thành viên của hội đồng Y khoa Hoa Kỳ. Tốt nghiệp từ các trường trong danh sách FAIMER là đều kiện cơ bản để được nộp đơn vào nội trú Hoa Kỳ. Vì vậy, BS tốt nghiệp từ các trường ngoài FAIMER sẽ không bao giờ được phép xin vào nội trú tại Mỹ. Rất nhiều nước trên thế giới dùng FAIMER như một công cụ cơ bản để kiểm tra tính chính danh của trường Y.
 
Hiện nay, Việt Nam chưa có một kỳ thi hành nghề quốc gia và chứng nhận chuyên khoa rõ ràng. Vì vậy mở rộng đầu vào ngành Y (điểm chuẩn 20) sẽ là một công thức dễ dẫn đến sai lầm chết người trong tương lai.

BS Huỳnh Wynn Trần (sáng lập và điều hành tổ chức VietMD.net)