- Chị họ tôi làm chủ một tiệm làm đẹp cho phụ nữ, mặt bằng thuê trong Walmart, có thể gọi là một siêu thị phổ biến ở Canada, tương tự như Coopmart hay Lotter Mart ở Việt Nam mình vậy.

Hai hôm trước ngày Lễ Tạ Ơn, khoảng chiều muộn, tiệm của chị họ tôi đang đông khách vì chị em đi làm về tiện đường tạt qua làm đẹp trước khi về nhà. Người thì làm móng tay, người mát xa mặt, kẻ tỉa lông mày, v.v.. Người ra nguời vào tấp nập, và dĩ nhiên chị họ tôi cũng phải luôn tay luôn miệng tiếp khách.

{keywords}

Hôm nay, thiếu một thợ nên mọi thứ cứ rối tung cả lên. Không ai để ý có một cậu bé trạc 6-7 tuổi len chân vào, đến trước mặt chị họ tôi đĩnh đạc đưa tặng bó hoa.

Chị họ: Con muốn tìm mẹ à? Để cô đưa vào trong tìm?

Cậu bé: Dạ, không ạ. Con muốn tìm cô mà.

Chị họ (ngạc nhiên lục lọi trong ký ức xem cậu bé này con người bạn nào): Ủa, cô có quen con hả?

Cậu bé: Dạ không. Đây là lần đầu tiên con nói chuyện với cô nhưng con thấy cô làm ở đây nhiều lần rồi ạ. Con với mẹ hay đi siêu thị mua đồ ăn ở đây lắm.

Chị họ (bắt đầu lo lắng, dáo dác nhìn quanh): Vậy mẹ của con đâu rồi? Sao con lại ở đây một mình?

Cậu bé (giơ tay chỉ về phía trước): Mẹ con đang tính tiền bên kia kìa…

Chị họ (nhìn theo hướng tay cậu bé chỉ và bắt gặp mẹ cậu bé đưa tay vẫy): Nhưng sao con lại tặng hoa cho cô?

Cậu bé: Dạ, tại vì hôm nay là ngày Lễ Tạ Ơn.

Mẹ cậu bé (vừa đẩy chiếc xe siêu thị tới): Chào chị, tên tôi là Rosanne. Tôi cho con trai tôi 10 đô la để mua hoa và bảo hôm nay là ngày lễ Tạ Ơn, con đem hoa tặng ai cũng được. Tôi cũng không biết trước là con trai tôi chọn cô là người nó muốn tặng hoa.

Trong buổi ăn tối, chị đã kể cho tôi và mọi người nghe câu chuyện trên. Thì ra, khi nghe mẹ bảo con chọn một ai đó, không phải là nguời thân trong gia đình hay người con quen biết, để tặng bó hoa, cậu bé liền nghĩ ngay đến chị họ tôi.

Cậu bé có giải thích là vì mỗi khi đi siêu thị, lúc tính tiền nhìn qua, lúc nào cũng thấy chị họ tôi tươi cười với khách.

Nhưng hôm nay, lúc nhìn quanh tìm người để tặng hoa, cậu bé bắt gặp gương mặt ít cười, có ít nhiều căng thẳng của chị.

Cậu bé nghĩ, hoa sẽ mang nụ cười quen thuộc về trên gương mặt chị và thế là quyết định ngay đem tăng bó hoa đó cho chị.

Mười đô la để dạy con biết chia sẻ, biết mang niềm vui đến cho người khác, biết cảm thông và biết quan tâm. Bạn sẽ bỏ ra 10,000 đồng cho con mình mua hoa tặng một người lạ gặp trên đường chứ?

Bạn có đủ ‘mạo hiểm’ với điều này? Ông bà, cha mẹ và thầy cô giáo quan tâm chăm sóc con trẻ mỗi ngày. Chúng ta mua quà, nấu các món ăn ngon, và nỗ lực hết mình để trẻ lớn lên luôn cảm thấy được yêu thương.

Khi làm vậy, chúng ta có cảm thấy vui không? Dĩ nhiên là có rồi!

Theo các nghiên cứu, chúng ta cảm thấy vui hơn và muốn sống tốt hơn khi chúng ta làm nhiều điều tốt cho người khác. Đó có thể là sự quan tâm với con, học trò, gia đình, bạn bè hay cộng đồng.

David Brooks có viết trong bài báo đăng trên New York Times – Nice Guys Finish First (tạm dịch là Người tốt bụng về đích trước), những người có lòng trắc ẩn và tốt bụng thường sẽ là những người thành công.

Vậy hãy bỏ ra 10.000 đồng để dạy cho con bạn về tình thương, về sự sẻ chia, về việc quan tâm bắt đầu từ những người thân lan rộng đến những người trẻ không quen.

Hãy tạo cơ hội cho trẻ được là người ‘cho đi’ chứ không phải chỉ là người ‘được nhận’.

Chúng ta không thể nuôi dưỡng nên những đứa trẻ hạnh phúc khi chúng ta chỉ biến chúng thành những người ‘được nhận’. Hãy cho trẻ cơ hội làm người ‘cho đi’!

Về phần tôi, tôi được chị họ tặng lại bó hoa vì chị biết tôi rất ‘yếu lòng’ với hoa. Còn tôi đem câu chuyện này kể lại vì cũng muốn thực hành ‘cho đi’ theo gương của cậu bé đáng yêu trên. Bây giờ bó hoa nhỏ bé có dăm bông cúc và 1 cành sa lem tím trở nên lung linh rực rỡ hẳn lên (ảnh đính kèm là hoa thật của cậu bé!).

  • Nguyễn Trần Nghi Tuệ

Thông tin tác giả: Ngoài bằng Sư phạm Mầm non (Canada),  Nguyễn Trần Nghi Tuệ còn có bằng Cao học Y Tế ‘Công Cộng do Đai học Lakehead (Canada) cấp; Cô nghiên cứu sâu về quản lí trường học khi làm luận văn cho bằng Cao hoc Quản  trị Kinh doanh do trường Đại học Wolverhampton (UK) cấp. Ở Đại học York (Canada), Cô học chuyên về Tâm lí và Xã hội, có luận văn ra trường tìm hiểu về hành vi con người nói chung và trẻ em nói riêng. Cô có gần 15 năm dạy học và đào tạo giáo viên.