Những thành công về học thuật của Singapore giúp nước này trở thành một nền kinh tế mạnh, và cái cách mà Singapore xây dựng hệ thống giáo dục có thể là những bài học quý giá cho các quốc gia khác trên thế giới.

{keywords}

“Singapore là một trường hợp thú vị” – Marc Tucker, chủ tịch Trung tâm Giáo dục và Kinh tế quốc gia Mỹ nhận định. “Đó là một bến cảng lớn của Anh trước Thế chiến thứ hai. Khi Anh rút quân và đóng cửa các cơ sở của mình, Singapore lâm vào tình trạng khủng khiếp”.

“Ngày nay, họ là một trong những nền kinh tế thể hiện tốt nhất trên thế giới. Họ làm được điều này là nhờ giáo dục và đào tạo”.

Nếu sự chuyển đổi từ một đất nước nghèo đói thành một cường quốc của Singapore là nhờ vào giáo dục thì bí mật của hệ thống giáo dục này chính là ở chất lượng giáo viên. “Họ đào tạo giáo viên từ những học sinh xuất sắc nhất bước chân ra từ trường trung học” – ông Tucker giải thích.

“Sử dụng sáng tạo kiến thức”

Những năm hậu chiến, Singapore sở hữu thị trường lao động giá trẻ, kỹ năng thấp, và hệ thống giáo dục nước này đặt mục tiêu xóa mù chữ. Tuy nhiên, bắt đầu vào những năm 70, nền kinh tế của Singapore cần sự chuyển dịch. Nó nhanh chóng tiếp cận công nghệ cao, trong khi những công việc văn phòng và hệ thống giáo dục cần phải tiếp tục duy trì. Ngay sau đó, mục tiêu đặt ra là một nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho mỗi đứa trẻ, và điều đó cũng có nghĩa là phải chuyển từ học vẹt sang khuyến khích sự sáng tạo.

“Họ buộc phải mở rộng hệ thống giáo dục một cách nhanh chóng” – giám đốc giáo dục OECD Andreas Schleicher nhận định. “Nhưng khi họ đạt được điều này, họ là người đầu tiên phải nghĩ đến việc ‘những đứa trẻ của chúng ta cần thành công gì trong nền kinh tế của tương lai?’”

“Một điều rõ ràng là nền kinh tế thế giới không còn trao thưởng cho ai đó chỉ vì những gì họ biết. Google cũng biết mọi thứ. Nền kinh tế thế giới trao thưởng cho những người có thể làm với những thứ họ biết”.

“Việc tập trung vào ứng dụng thực tiễn, việc sử dụng sáng tạo tri thức là rất mạnh ở Singapore và các quốc gia châu Á khác”.

Tầm quan trọng của giáo dục được thấm nhuần từ khi đứa trẻ còn rất nhỏ - thậm chí trước khi trẻ bước chân vào tiểu học.

“Tôi cho rằng, chúng tôi với tư cách là những nhà giáo dục mầm non, chúng tôi chính là những người tạo nền tảng trong những năm đầu tiên” – bà Diana Ong, hiệu trưởng Trường mầm non Pat's Schoolhouse Sembawang Country Club ở phía bắc Singapore khẳng định. “Chúng tôi là người tạo những nền tảng cơ bản”.

“Tôi nghĩ rằng những năm đầu tiên trong cuộc đời một đứa trẻ là vô cùng quan trọng. Vì thế, khi bạn có một đứa trẻ rất tự tin, sự tự tin của đứa trẻ sẽ đưa bé bước vào trường tiểu học một cách tốt đẹp. Bạn không chỉ muốn đứa trẻ của mình thông minh mà còn muốn một đứa trẻ kiên cường”.

Ông Schleicher cho rằng việc cha mẹ ưu tiên cho giáo dục của con cái là một phần văn hóa của nhiều quốc gia châu Á.

“Nó bắt đầu từ sự đầu tư, những ưu tiên mà họ dành cho giáo dục” – ông giải thích. “Ở những quốc gia này, ông bà, cha mẹ sẽ đầu tư những món tiền cuối cùng của họ, những tài sản cuối cùng của họ… cho việc học hành của con cái.

“Đó là vấn đề về sự ưu tiên. Bạn có thể thấy trong tất cả các tầng của chính sách công, giáo dục luôn được ưu tiên trên hết. Đó là tương lai của bạn”.

  • Nguyễn Thảo (Theo CNN)