TS Lương Hoài Nam, một cựu học sinh chuyên toán trường chuyên Phan Bội Châu - Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An), chia sẻ quan điểm trong cuộc tranh luận về sự “tồn tại hay không tồn tại” của mô hình trường chuyên.


Anh đứng về bên nào trong cuộc tranh luận về sự tồn tại của trường chuyên? Tại sao?

- Tôi đứng về bên bảo vệ sự tồn tại trường chuyên trong quá khứ và đề xuất cải cách  "học chuyên - dạy chuyên" trong tương lai.

Tôi không hoàn toàn chống lại trường chuyên. Thậm chí tôi ủng hộ quan điểm "học chuyên hơn - dạy chuyên hơn" bắt đầu từ trung học cơ sở. Tôi chỉ đề nghị làm việc đó thông qua phân luồng giáo dục với các môn học tự chọn, thay vì bằng mô hình trường chuyên truyền thống. Tôi cũng không biết có bên nào nghĩ như tôi không. Nếu không có thì tôi đành đứng một mình vậy.

{keywords}

Ông Lương Hoài Nam: "Tôi đứng về bên bảo vệ sự tồn tại trường chuyên trong quá khứ và đề xuất cải cách  "học chuyên - dạy chuyên" trong tương lai.


“Đúng là không công bằng, nhưng…”

Các ý kiến tranh luận về trường chuyên thường đề cập tới sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục. Quan điểm của anh về vấn đề này?

- Theo tôi, một trường chuyên cần được nhìn nhận dưới hai góc độ tách biệt.

Thứ nhất, là một cơ sở giáo dục chất lượng cao về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Dưới góc độ này, cả trong quá khứ và hiện tại, quả thật là có sự không công bằng, không bình đẳng nhất định trong thụ hưởng giáo dục của học sinh giữa trường chuyên và trường thường.

Tại cùng một thời điểm và một địa bàn, trường chuyên thường có đội ngũ giáo viên giỏi hơn (không chỉ cho các môn chuyên, mà nói chung), có cơ sở vật chất tốt hơn các trường thường. Tất cả đều là trường công, dùng tiền ngân sách, mà có trường được ưu tiên hơn các trường khác, như thế là không công bằng, không bình đẳng.

Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn lịch sử. Trong hàng chục năm qua và đến tận bây giờ, hệ thống giáo dục của ta chưa tương thích với các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới về chương trình, nội dung giáo dục; chất lượng giáo viên không đồng đều; cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn. Trong điều kiện đó, việc hình thành một số trường chuyên với các điều kiện giáo dục tốt hơn là một việc cần thiết, với mục đích để một bộ phận học sinh nhận được giáo dục với chất lượng cao hơn mặt bằng chung.

Cho đến tận năm 1990 (khi Liên - Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã), các trường chuyên cung cấp phần lớn nguồn học sinh đi du học nước ngoài. Nhìn chung, những học sinh trường chuyên học tập ở nước ngoài tiếp thu kiến thức tốt để trở về phục vụ đất nước.

Khi chưa có điều kiện để tất cả các trường đều có mặt bằng chất lượng giáo dục cao cho mọi học sinh thì sự tồn tại của trường chuyên như những cơ sở giáo dục chất lượng cao là một giải pháp cần thiết. Trước đây, chính sách hộ khẩu ở nước ta rất khắt khe; nếu không có trường chuyên như trường Phan Bội Châu thì một học sinh nông thôn như tôi khó mà có cơ hội được học ở thành phố.

Tôi muốn lưu ý rằng sự không công bằng, không bình đẳng không tồn tại không phải chỉ giữa trường chuyên với trường thường, mà còn giữa trường thành phố với trường nông thôn và khoảng cách về chất lượng giữa trường thành phố với trường nông thôn có vẻ càng ngày càng xa chứ không phải là được thu hẹp.

Theo tôi, sự không công bằng, không bình đẳng trong vấn đề trường chuyên không thể giải quyết một cách cực đoan bằng việc xoá bỏ chúng như những cơ sở giáo dục chất lượng cao, mà có lẽ cần phải giải quyết bằng cơ chế sở hữu trường học và chính sách học phí.

{keywords}

Học sinh dự thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu kỳ thi năm 2015

Và thứ hai là…?

- Là nơi học chuyên một môn mà học sinh có sở trường, năng khiếu.

Dưới góc độ này thì cả trong quá khứ và hiện tại, sự học lệch đến mức chú trọng chỉ một môn học là không phù hợp với các quan điểm giáo dục tiên tiến. Đặc biệt, việc chú trọng chỉ một môn học để đạt được thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. "Ngôi sao toán" của lớp tôi sau này bị bệnh tâm thần.

Tôi cũng biết không ít người học chuyên các môn tự nhiên mà cuộc sống về sau của họ bị ảnh hưởng bất lợi của việc học lệch. Thật ra, kiến thức các môn xã hội cần thiết cho cuộc sống, công việc của một con người hơn là kiến thức các môn tự nhiên, trừ khi con người lấy một môn tự nhiên làm nghề, làm nghiệp.

Học chuyên theo kiểu chú trọng chỉ một môn học, trước đây hay bây giờ, đều là sai. Tôi không nghĩ việc học lệch nằm trong chủ ý của chính sách trường chuyên, mà là hậu quả của chủ nghĩa thành tích hướng tới các kỳ thi học sinh giỏi.

Tôi có cảm giác rằng việc bổ sung các môn chuyên sau toán và văn có bị ảnh hưởng không ít bởi việc mở rộng các môn thi Olympiad quốc tế, không biết có phải như vậy không nhỉ?

Trường chuyên một môn học chỉ có ở Việt Nam

Ngoài ra, anh phản bác như thế nào với những người có quan điểm trái ngược với anh?

- Tôi lưu ý họ hai điểm mà tôi vừa nêu trên. Đồng thời, tôi chỉ cho họ thấy là các trường chuyên MỘT MÔN HỌC như lâu nay chúng ta thấy ở Việt Nam không tồn tại trong hệ thống giáo dục tiên tiến nào hết.

Một số người cho rằng grammar school ở Anh và các nước thuộc địa cũ của Anh là trường chuyên. Đúng, grammar school là một kiểu trường chuyên dành cho những học sinh theo đuổi các ngành khoa học hàn lâm, nhưng chúng không hề giống trường-chuyên-một-môn-HỌC ở nước ta. Ngoài ra, số lượng grammar school đã giảm rất nhiều do không phù hợp với quan điểm của các cơ quan quản lý giáo dục.

Ở Anh, từ ba loại trường trung học là "grammar school", "technical school" và "morden school" trong hệ thống phân loại Tripartite System, đến nay gần như chỉ còn một loại trường trung học là "morden school" có phân luồng. Sự ưu tiên một hoặc một số môn học của một học sinh được đáp ứng bằng việc phân luồng và lựa chọn môn học trong cùng một trường học, không phải bằng một trường chuyên như trước đây.

Mỹ cũng có trường chuyên. The National Consortium of Secondary STEM Schools bao gồm khoảng 100 trường trung học chuyên về STEM. Tuy nhiên, những trường này thực sự chuẩn bị kiến thức cho học sinh theo đuổi các lĩnh vực STEM ở bậc đại học và ra làm nghề trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật chuyên ngành. Tôi thiết nghĩ, trường chuyên STEM là loại trường chuyên thiết thực nhất cho Việt Nam trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

{keywords}

Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020 với kinh phí:  2.312,758 tỷ đồng, có mục tiêu tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố. Thiết kế infographic: Adamo Studio.

Không đo trường chuyên bằng huy chương, thành tích

Dù chưa có một thống kê cụ thể, nhưng từ những gì anh quan sát được, anh có cho rằng những thành công của học sinh chuyên xứng đáng với những gì nhà trường được đầu tư – nhìn từ góc độ nhà kinh tế/ người quan tâm tới giáo dục/ cựu học sinh chuyên?

- Một số người không ủng hộ trường chuyên, nói đúng hơn là không ủng hộ "học chuyên - dạy chuyên". Tôi thấy không ít sự nguỵ biện trong các luận điểm của họ. Không thể lấy việc nhiều học sinh không chọn môn học chuyên làm nghề, làm nghiệp để kết luận việc "học chuyên - dạy chuyên" là sai, là lãng phí.

Phải nói rằng, đó là sự thất bại của các lĩnh vực khoa học hàn lâm và ứng dụng ở nước ta. Chính sự thất bại đó làm cho chúng ta ít phát minh, sáng tạo được cái gì đáng kể, còn quản lý xã hội thì đầy cảm tính thay vì dựa trên các phương pháp, công cụ quản lý khoa học.

Không ai muốn cả đời đi theo một lĩnh vực không có tương lai công việc và thu nhập tốt. Nhưng trừ khi học sinh học quá lệch, những kiến thức mà học sinh học được ở các trường chuyên vẫn rất tốt cho họ trong cuộc sống và nghề nghiệp, không hoàn toàn lãng phí.

Tuy nhiên, nếu nước ta không phát triển tốt các ngành khoa học hàn lâm và ứng dụng trong cả hai lĩnh vực tự nhiên và xã hội, mục tiêu biến Việt Nam thành một quốc gia công nghiệp phát triển và một nhà nước pháp quyền chỉ là nói cho vui vậy thôi, chứ không có mấy cơ hội thành công.

Một xã hội muốn phát triển tốt phải dựa trên sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ các kiến thức, thành tựu khoa học. Vì vậy, "học chuyên - dạy chuyên" là tốt, nếu hiểu đúng và làm tốt.

Theo tôi, các giải thi Olympiad không phải là thước đo quá quan trọng cho việc "học chuyên - dạy chuyên". Hãy tìm những thước đo khác dựa trên số đông và gắn với các thành tựa phát triển kinh tế - xã hội.

Cuộc tranh luận về trường chuyên lâu lâu lại bùng phát, và mọi chuyện vẫn như cũ. Anh có chờ đợi gì ở lần tranh luận này không?

- Cá nhân tôi hy vọng là lần tranh luận này sẽ dẫn đến giải pháp phân luồng giáo dục phù hợp với Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục (ICSED) của UNESCO và mức độ tương thích cao của giáo dục phổ thông Việt Nam với các hệ thống giáo dục tiên tiến của thế giới. Còn nếu chỉ để quyết định duy trì hay xoá bỏ trường chuyên thì đáng thất vọng.

Nếu không thích học Anh, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, thì hãy sang Thượng Hải ở Trung Quốc xem người ta đã và đang làm thế nào? Nền giáo dục Thượng Hải đã trở thành một điểm sáng giáo dục của thế giới đấy.

Xin cảm ơn ông.

Ngân Anh thực hiện

Cần trường chuyên để tránh “thằng chột làm vua xứ mù”

“Nếu không vào các môi trường thách thức với các đối thủ xứng tầm thì dễ sa vào tự mãn, và cũng mòn dần khả năng và sự nỗ lực cần có để vươn lên” – là quan điểm của anh Kim Ngọc Minh, thạc sĩ quản lý giáo dục.

Một nam sinh trường chuyên tự tử

Sáng ngày 6/10, tại khu vực Cầu Mới Hùng Vương, tỉnh Lạng Sơn xảy ra một vụ tự tử, trong đó nạn nhân là một nam sinh của Trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn.

"Không có trường chuyên hệ thống giáo dục sẽ lành mạnh hơn"

Xóa bỏ trường chuyên không có nghĩa là đập bỏ ngôi trường như ai đó lo lắng. Chỉ đơn giản là bỏ mô hình cả lớp tập trung học một môn chuyên thật sâu.

Hơn 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên

Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020 với kinh phí:  2.312,758 tỷ đồng, có mục tiêu tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh trung học phổ thông của từng tỉnh, thành phố.

Tiến sĩ và đạo diễn tranh luận nảy lửa về trường chuyên, lớp chọn

 TS Giáp Văn Dương cho rằng, trường chuyên, lớp chọn giới hạn sự “tự do trở thành” của mỗi người. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lại đưa ra nhiều lý lẽ để lập luận rằng, trong trường chuyên, lớp chọn vẫn tồn tại sự “tự do trở thành”.

Trường chuyên ở Mỹ tuyển sinh như thế nào?

Hệ thống trường phổ thông chuyên của thành phố New York đã thực hiện duy nhất một phương pháp tuyển sinh để chọn ra những tài năng được kỳ vọng “sẽ làm thay đổi thế giới”.